Tết đã về trên những vườn đào Nhật Tân

GD&TĐ - Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán thế nhưng người trồng đào tại làng Nhật Tân (Tây Hồ - Hà Nội) đã bước vào thời điểm nhộn nhịp và bận rộn nhất trong năm. Ai ai cũng hối hả chạy đua với thời gian để hoàn thiện các khâu chăm sóc cuối cùng trước khi những cây đào hiện diện trong không khí Tết đến xuân về ở mỗi gia đình.

Tết đã về trên những vườn đào Nhật Tân

Những ngày này, khi ghé thăm làng đào Nhật Tân, tinh mắt để ý một chút là người tham quan và khách mua đào đã có thể ngắm những cánh hoa nở sớm. Tuy chỉ thấp thoáng một vài bông nhưng sắc đỏ của đào Nhật Tân luôn mang vẻ đẹp riêng và có một sức hút kỳ lạ!

Khắp các nhà vườn, người Nhật Tân lại hối hả tất bật làm những công việc cuối cùng của một năm như: Tuốt lá, tỉa cành, vun gốc, dưỡng rễ... để chuẩn cho dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Đây được coi là khoảng thời gian “giáp hạt” với những người làm nghề.

Gia đình nào ở Nhật Tân đều có một bí quyết riêng cho việc chăm sóc cây đào mà vốn đã trở thành thương hiệu. Những bí quyết ấy có được từ kinh nghiệm gắn bó lâu dài với loài cây này. Và theo những người trồng đào ở đây, khi lá đào được tuốt sạch rồi thì chất dinh dưỡng sẽ tập trung cho nụ. Công việc này là cực kỳ quan trọng. Thế nên có những hộ gia đình huy động cả nhà cùng ra vườn, không khí vườn đào Nhật Tân càng thêm đông vui, náo nhiệt.

Những gốc đào to cần tới 5 người khiêng có giá hàng chục triệu
 Những gốc đào to cần tới 5 người khiêng có giá hàng chục triệu

Chưa đầy một tháng sau, thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, cũng là lúc những nụ hoa ấy sẽ bung ra cánh hoa thắm sắc nhất như gieo vào lòng người niềm tin tốt đẹp khi năm mới sang.

Dưới bàn tay tài hoa và khéo léo của mình, người Nhật Tân đã ghép mắt phôi đào bích vào gốc đào quả để tạo ra cây đào lai có bộ gốc khỏe mà hoa vẫn mang nét thắm đặc trưng. Còn với loại đào trồng thì gốc đào to, nhỏ tùy thuộc vào tuổi đời của cây. Cây trên bảy năm sẽ được thợ triết cành, uốn lượn với nhiều thế khác nhau, phù hợp với sở thích của dân sành đào cũng như thị hiếu người tiêu dùng dịp Tết

Tay thoăn thoắt vun đất cho từng gốc đào, anh Nguyễn Trọng Toàn người đã có hơn 20 năm gắn bó với những gốc đào cổ thụ chia sẻ: “Việc hãm hoa nở ở đào cổ thụ khó hơn nhiều so với đào cành, thế nên người trồng phải có kinh nghiệm. Thời điểm này gốc đào luôn phải được làm sạch tránh để cỏ và lá cây lưu lại phần gốc. Như thế đất sẽ “đắng” ảnh hưởng tới cây đào nhiều lắm! Nghề trồng đào này cũng còn phải phụ thuộc vào thời tiết nữa, thế nhưng tớ vẫn tin tưởng là năm nay thời tiết sẽ thuận lợi. Khi ấy hoa sẽ nở đẹp và đúng dịp, để cuối năm người trồng có một cái tết đầm ấm hơn.”

Tất bật cho những công đoạn chăm sóc cuối cùng. Ảnh VNN
 Tất bật cho những công đoạn chăm sóc cuối cùng. Ảnh VNN

Chẳng biết từ bao giờ, thú chơi đào ngày Tết đã có trong nếp sống văn hóa của mỗi người dân Việt Nam. Tùy điều kiện kinh tế mà nhà nào cũng có cành hoa đào lớn, nhỏ để chơi Tết. Và khi đến với làng Nhật Tân, thì người mua cũng sẽ có rất nhiều lựa chọn cho phù hợp với không gian nhà mình.

Theo kinh nghiệm của những người trồng đào, gốc đào khoảng 3-5 năm, cao hơn 1m, tạo thế đơn giản giá khoảng 1-1,2 triệu đồng/ gốc. Những gốc đào nhỏ khoảng 2 năm tuổi thì khoảng 700-800 nghìn đồng. Càng những gốc đào lâu năm, được tạo thế tỉ mỉ thì giá càng cao. Đối với cành đào cắm lọ loại to, khoảng 80-90cm có giá khoảng 300 nghìn đồng/cành.

Đối với người Hà Nội, cùng với hình ảnh của bánh chưng, đào Nhật Tân trở thành giá trị không thể thiếu trong những ngày xuân về. Anh Trịnh Thành Trung, chủ của một vườn đào nở nụ cười rạng rỡ:“ Chắc chắn Tết sẽ thiếu trọn vẹn nếu như không có một cành hoa đào khoe sắc sắc ở trong nhà”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...