Ước mơ về một thủ lĩnh Hà thành

GD&TĐ - Năm 2013, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã dàn dựng thành công kịch bản 'Nguyễn Tri Phương' của tác giả Nguyễn Sỹ Chức.

Qua hình tượng Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, nhiều nỗi lòng và khát vọng ngày nay được gửi gắm.
Qua hình tượng Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, nhiều nỗi lòng và khát vọng ngày nay được gửi gắm.

Để giải mã về thành công của vở cải lương “Bất tử với Thăng Long” – vừa giành Huy chương Bạc vở diễn và 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc cá nhân tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V - 2022 - thì bên cạnh việc khắc họa xúc động hình tượng Tổng đốc Hà thành Nguyễn Tri Phương còn là cách vở diễn đã khéo léo gieo vào khán giả hôm nay những ước mơ, khát vọng về một thủ lĩnh Hà thành.

Tận hiến với non sông

Vở cải lương “Bất tử với Thăng Long” được đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng từ kịch bản văn học mang tên “Nguyễn Tri Phương” của tác giả Nguyễn Sỹ Chức (chuyển thể cải lương: Nguyễn Đình Tư).

Vở diễn khắc sâu thời khắc Nguyễn Tri Phương lĩnh mệnh triều đình nhà Nguyễn (vua Tự Đức) nhậm chức quan kinh lược sứ ra Bắc làm Tổng đốc trấn giữ thành Hà Nội giữa lúc người Phú Lang Sa (thực dân Pháp) đang lăm le chiếm đánh.

Giữa chốn triều thần phần đông là chủ hòa, lão tướng Nguyễn Tri Phương - người đã từng làm cho quân Phú Lang Sa khiếp sợ khi đối đầu ở Đà Nẵng, Gia Định, vẫn giữ vững tinh thần chủ chiến, không chịu khuất phục trước những ép buộc, đàn áp gây ra bao đau thương, oán hờn cho người dân đất Việt của kẻ thù.

Thật ấn tượng trước câu hỏi của Nguyễn Tri Phương với vua tôi nhà Nguyễn: “Giặc kia đã vào tới tận nhà vậy mà dâng kế nghị hòa hay sao? Đớn đau nhục nhã của bao nhiêu người?”.

Tinh thần đó được thể hiện rõ nét nhất khi vị Tổng đốc Hà thành này quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với người Phú Lang Sa để giữ thành Hà Nội. Cuộc quyết chiến này gần như đơn thương độc mã khi triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ nghiêng nhiều về việc hòa hoãn.

Thế nhưng, trong cuộc đối đầu không cân sức này, có thể Nguyễn Tri Phương đơn độc nơi triều chính, song bên ông còn có một gia đình ái quốc, tiếp cho ông sức mạnh kháng giặc ngoại xâm Phú Lang Sa như người con trai Nguyễn Lâm, người vợ Nguyệt Thi và cả công chúa Đồng Xuân (vợ của Nguyễn Lâm) luôn kề vai, sát cánh thậm chí là cùng hy sinh (bà Nguyệt Thi, tướng Nguyễn Lâm) trong trận chiến giữ thành Hà Nội.

Với hình tượng tướng Nguyễn Lâm thì đã nổi danh trong sử sách về tinh thần tuổi trẻ tài cao, uy dũng bên cha cầm quân đánh giặc. Nhưng tấm lòng yêu nước của bà Nguyệt Thi và công chúa Đồng Xuân thì có thể thấy đó là góc nhìn riêng của “Bất tử với Thăng Long”.

Vở diễn đã khắc họa đậm nét hình ảnh hai người phụ nữ tuy liễu yếu đào tơ nhưng luôn đồng lòng cổ vũ chồng, cổ vũ cha, cổ vũ con đánh giặc giữ thành Hà Nội; quyết phản kháng đến cùng mưu kế của bọn quan cầu hòa cấu kết với giặc ngoại xâm.

Tấm lòng ấy được tái hiện rõ nét qua những tình tiết như bà Nguyệt Thi và công chúa Đồng Xuân bị bọn quan cầu hòa khống chế để dụ Tổng đốc Nguyễn Tri Phương vì tình riêng mà nao núng, mở cổng thành Hà Nội đầu hàng.

Những tình tiết này chưa tìm thấy trong chính sử nhưng được thuận theo logic: “Thường thì các vị quan tổng đốc khi nhậm chức ở vùng nào thì người ta đem theo cả gia đình đi”, theo lý giải của tác giả Nguyễn Sỹ Chức.

Vở cải lương “Bất tử với Thăng Long” là khúc tráng ca xúc động về Tổng đốc Hà thành Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Bình Thanh

Vở cải lương “Bất tử với Thăng Long” là khúc tráng ca xúc động về Tổng đốc Hà thành Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Bình Thanh

Nỗi lòng và ước mơ hôm nay

“Âm nhạc và các làn điệu, bài bản của cải lương vô cùng tuyệt diệu khi đã giúp tôi chuyển tải những tâm huyết muốn gửi gắm từ “Bất tử với Thăng Long”. Đó không chỉ là việc sử dụng ca hát để lột tả tâm trạng, tình huống, xung đột sao cho lãng mạn, bay bổng, chạm đến trái tim khán giả ở một vở diễn, mà còn là quyết tâm nối nghiệp tổ trong việc giữ gìn cốt cách của cải lương nói riêng và kịch hát dân tộc nói chung. Từ đây, chúng tôi mong muốn được góp thêm một khúc tráng ca xúc động, gửi gắm khát vọng hôm nay từ sự tận hiến với non sông của Tổng đốc Hà thành Nguyễn Tri Phương”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.

Năm 2013, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã dàn dựng thành công kịch bản “Nguyễn Tri Phương” của tác giả Nguyễn Sỹ Chức (Huy chương Bạc tại Cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc) khi lấy thế mạnh của tuồng quân quốc khắc họa thành công hình tượng Tổng đốc Hà thành Nguyễn Tri Phương oai phong, can trường cùng con trai Nguyễn Lâm xung trận.

Lần trở lại sau gần 10 năm với tên gọi “Bất tử với Thăng Long” này, từ đặc trưng mùi mẫn của cải lương, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật Nguyễn Tri Phương, nhưng không phải là những ủy mị, buồn thương thê thiết, mà lại là những cung bậc: Đau mà không hận, xót mà không nản, sầu mà không thảm được đặt trong xung đột kịch hấp dẫn.

Ra Bắc nhậm chức Tổng đốc thành Hà Nội, cùng với tinh thần quyết kháng giặc Phú Lang Sa đến cùng, Nguyễn Tri Phương còn đau cùng nỗi đau lầm than của lương dân; xót trước vận mệnh đất nước sẽ ra sao khi còn biết bao kẻ bán nước cầu vinh, dễ dàng đem tấc đất non sông dâng cho giặc, vui thích lấy tiếng thét gào của lương dân hòng làm sự hài lòng của kẻ cướp nước.

Nhất là, khi nơi chiến tuyến đang dốc lòng, dốc sức, đem cả thân mình giữ thành thì ở cung điện vàng son người đứng đầu đất nước vẫn chưa biết nên đánh hay hàng… Và đó cũng chính là mối sầu thiên thu của vị Tổng đốc Hà thành Nguyễn Tri Phương.

Từ những nấc thang cảm xúc sâu lắng ấy, “Bất tử với Thăng Long” đem đến cho khán giả niềm xúc động cùng sự khâm phục và kính yêu trước Tổng đốc Nguyễn Tri Phương - một con người trung trinh ái quốc, không chịu khuất phục trước kẻ thù tàn bạo, tận hiến đến hơi thở cuối cùng cho thành Hà Nội.

Không chỉ vậy, “Bất tử với Thăng Long” còn gieo vào trái tim mỗi người hôm nay những ước mơ, khát vọng về một thủ lĩnh Hà thành. Đó là tấm lòng thương dân, vì dân, bảo vệ dân của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương khi ông gặp cảnh lương dân đang bị bọn quan nha đánh đập, trị tội vì làm mất lòng người Phú Lang Sa.

Ông đã chỉ thẳng mặt bọn quan nha mà mắng: “Đừng ỷ thế nhà quan mà làm những điều ngang ngược, hò hét người dân thống khổ lầm than…” và “Giữ hòa khí với người Phú Lang Sa không có nghĩa là ủng hộ chúng đè đầu cưỡi dân ta”.

Cũng từ đây, những nỗi lòng mong ước về một vị quan thanh liêm, thương dân được tỏ bày: “Làm quan là phải giúp dân. Làm quan phải như cây cao bóng cả cho dân tựa vào nương náu khi mưa. Làm quan là phải thương dân, không được làm cho dân sợ.

Dân ghét quan rồi thì quan sống với ai?”; hay: “Đã là lệnh quan phải như đèn trời soi rọi”. Về riêng chiếc ghế Tổng đốc Hà thành, vở diễn cũng đem đến cho khán giả hôm nay nhiều ngẫm suy: “Ta đến nơi đây, không phải là ngồi trên chiếc ghế Tổng đốc để hưởng lợi cho bản thân, mà muốn cùng muôn dân quyết giữ thành Hà Nội”.

Và, khi phải nén nỗi đau cả gia đình hy sinh vì nghĩa lớn và nguyện hiến dâng thân mình cho xã tắc thì người thủ lĩnh ấy lại khiêm nhường nhắn nhủ với hậu thế: “Sau này người đời nhớ tới ta, đừng nhớ tới một Tổng đốc Hà thành mà hãy nhớ ta chỉ là một người dân bình thường dám sống, chết cho Hà Nội!”.

Ngoài ra, ngay khi mở màn, “Bất tử với Thăng Long” đã khiến khán giả lắng lòng mình trong nỗi suy tư của vua Tự Đức khi ngài ngự trên dòng Hương Giang.

Họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu NSƯT Nguyễn Đạt Tăng đã khéo léo tái hiện một không gian sông Hương núi Ngự cùng những chiếc nón bài thơ lấp loáng trong câu hò mái nhì, mái đẩy vừa thơ mộng lãng mạn vừa nổi sóng đau thương khi đất nước bị bọn giặc ngoại bang giày xéo.

Thật thú vị khi chỉ là một lớp diễn và đôi chỗ xuất hiện bằng tiếng vọng mà nhân vật này vẫn đủ sức làm sáng tỏ mâu thuẫn trong lòng người đứng đầu đất nước như vua Tự Đức: Sự lấn cấn không biết nên hòa hay chiến. Nếu hòa thì xót xa thay con dân đêm ngày phải chịu cảnh đàn áp, nô dịch. Nếu chiến thì lo sợ làm mất lòng người Phú Lang Sa năm xưa đã từng giúp đỡ nhà Nguyễn giành lại quyền lực với quân Tây Sơn.

Sự lấn cấn này có phần bạc nhược, ỷ lại, trốn tránh và lo cho riêng mình: “Nếu xảy ra cơ sự gì, các khanh sẽ để thái hậu và trẫm nơi đâu?”. Qua đây người đời nay có thể sáng tỏ được phần nào cho nỗi băn khoăn: Vì sao nhà Nguyễn không kháng Pháp mạnh mẽ; vì sao những vị quan một lòng chủ chiến như Nguyễn Tri Phương lại luôn bị cô độc giữa trận tiền.

Công diễn tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V vừa qua, vở cải lương “Bất tử với Thăng Long” đã được khán giả đặc biệt mến mộ vì lâu lắm rồi mới được thỏa cả phần nghe lẫn phần nhìn khi thưởng thức một vở kịch hát dân tộc.

Có thể thấy, để chuyển tải một khúc tráng ca đậm chất anh hùng sao cho ngọt ngào và đi vào lòng người như thế, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cùng ê-kíp sáng tạo từ thiết kế mỹ thuật sân khấu đến âm nhạc, ánh sáng… đã dành nhiều tâm huyết sáng tạo những không gian vừa mang dáng vẻ yêu kiều xứ Huế, vừa thấm đẫm sắc hương Thăng Long - Hà Nội.

Nhất là, những xung đột, hành động kịch trong “Bất tử với Thăng Long” không bị nương vào lời thoại, mà được chuyển hóa một cách nhuần nhuyễn qua những làn điệu, bài bản mùi mẫn của cải lương.

Theo đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, đã là kịch hát dân tộc thì phải đậm câu ca, lời hát chứ nếu sử dụng quá nhiều lời thoại thì sẽ bị kịch nói hóa khô cứng và làm mất đi vẻ đẹp độc đáo của kịch hát. Và chị rất vui khi sự trở về với bản chất của cải lương đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả hôm nay.

Ngay sau Liên hoan Sân khấu Thủ đô, vở cải lương “Bất tử với Thăng Long” đã có đêm diễn đầy cảm xúc với khán giả huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Và, các nghệ sĩ của Đoàn truyền thống, Nhà hát Cải lương Việt Nam: Văn Thuận - Nguyễn Tri Phương, Trung Tuấn - Nguyễn Lâm, Thùy Dung - Đồng Xuân, NSƯT Hồng Hà - Nguyệt Thi, Tuấn Thanh - vua Tự Đức, NSƯT Mạnh Hùng - Phan Đình Bình, NSƯT Thiên Hoa - Mỹ Hạnh, Văn Tuấn - Đặng Siêu… sẽ tiếp tục cháy hết mình trong từng vai diễn khi vở diễn tiếp tục được công diễn đến khán giả trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ