Ước mơ trở thành cô giáo của nữ sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ

GD&TĐ - Mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh rất khó khăn, song Nguyễn Hà Ly, sinh viên K24A, Khoa Giáo dục Tiểu Học - Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) vẫn quyết tâm nuôi ước mơ trở thành cô giáo.

Nguyễn Hà Ly, sinh viên K24A, ĐH Giáo dục Tiểu học, Khoa Giáo dục Tiểu Học - Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).
Nguyễn Hà Ly, sinh viên K24A, ĐH Giáo dục Tiểu học, Khoa Giáo dục Tiểu Học - Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).

Mồ côi cả cha lẫn mẹ

Trong căn phòng nhỏ ở khu ký túc xá, Nguyễn Hà Ly (18 tuổi), tân sinh viên K24A, Khoa Giáo dục Tiểu Học - Trường ĐH Hồng Đức được thảnh thơi hơn mọi ngày do trống lịch học.

Từ sự bỡ ngỡ lúc đầu, Hà Ly đã dần thích nghi với môi trường mới sau 3 tháng học tập ở đây. So với nhiều sinh viên, Hà Ly là nữ sinh dân tộc Mường có hoàn cảnh khá đặc biệt.

Em sinh ra trong gia đình có 5 anh, chị em ở thôn Đức Thắng, xã Thượng Ninh (huyện Như Xuân, Thanh Hóa). So với các anh, chị của mình, Hà Ly là con cùng cha khác mẹ do lúc còn sống bố em đi "thêm bước nữa".

Khi Hà Ly bước vào lớp 1 cũng là lúc người mẹ thương yêu của mình đổ bệnh. Căn bệnh viêm đa khớp những tưởng không quá nghiêm trọng, nhưng lại khiến mẹ của em không thể đi lại được. Mọi ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của mẹ đều một tay bố em lo liệu, chăm sóc.

“Trong trí nhớ của em, bố là người mẫu mực, luôn yêu thương các con, còn mẹ là một người hiền dịu. Em nhớ nhất là kỷ niệm ngày còn bé, em được bố mẹ cho ra đồng trồng sắn. Khi ấy, mẹ vẫn khỏe mạnh, không bị căn bệnh viêm đa khớp hành hạ”, Hà Ly tâm sự.

Ba năm sau, bố của nữ sinh đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh, để lại người vợ bệnh tật cùng con thơ. Bố mất, các anh, chị đều đi học hoặc làm ăn xa nhà, Hà Ly trở thành người bên cạnh chăm sóc, động viên mẹ.

Những ngày tháng ấy, em được bác ruột (chị gái của bố) thường xuyên giúp đỡ từ chuyện ăn uống, sinh hoạt cho đến chi phí học hành.

Nguyễn Hà Ly và bác gái Nguyễn Thị Hà.
Nguyễn Hà Ly và bác gái Nguyễn Thị Hà. 

Những tưởng mọi khó khăn, mất mát đều sẽ dừng lại, thế nhưng người mẹ yêu thương của em cũng ra đi sau những ngày tháng chống chọi bệnh tật, khi đó Hà Ly mới học lớp 7.

“Mất đi người thân yêu như mất đi một phần thể xác, thật không điều gì có thể lột tả hết được. Những lúc đau khổ nhất, em luôn được anh, chị, người thân cùng bạn bè ở bên động viên, san sẻ”, Hà Ly nghẹn lòng.

Không còn cha lẫn mẹ bên cạnh, Hà Ly được bác ruột đón về chăm sóc. Mọi chi phí học tập, sinh hoạt hàng ngày của em đều một tay bác gái lo liệu. Nói về người bác của mình, nữ sinh không khỏi cảm kích.

“Em biết ơn bác vì đã luôn yêu thương, chăm sóc em như con ruột của mình. Khi bố mẹ em không còn, bác là người bên cạnh động viên, khích lệ em vươn lên trong học tập, chinh phục ước mơ. Em mong ước sau khi rốt nghiệp sẽ tìm được công việc để chăm lo, phụng dưỡng bác”, Hà Ly chia sẻ.

Kể về hoàn cảnh của cháu gái mình, bà Nguyễn Thị Hà (67 tuổi, xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân) xúc động: “Thương cháu mồ côi, tôi đón cháu về chăm sóc từ ngày mẹ cháu mất. Ở địa phương, trước giờ tôi cũng chỉ làm ruộng, bán hàng tạp hóa.

Bây giờ tuổi đã cao, thu nhập từ bán hàng tạp hóa chẳng được bao nhiêu, nhưng dù thế nào tôi cũng cố gắng, động viên cháu ăn học nên người”.

Theo bà Hà, các anh, chị của Hà Ly điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, lại làm ăn xa nhà. Mặc dù, cũng hỗ trợ em nhưng cũng chỉ trong khả năng của mình.

Ước mơ trở thành cô giáo

Mặc dù, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, bố mẹ đều đã qua đời nhưng Hà Ly luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, cuộc sống. Ở nữ sinh toát lên sự mạnh mẽ với thái độ sống tích cực, luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng.

“Em đặc biệt thích lời bài hát “Đường đến ngày vinh quang”, trong đó có đoạn: Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn vàn sóng gió…

Em nghĩ rằng, trong cuộc sống sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách phải vượt qua. Vì thế, không được từ bỏ hay gục ngã trước khó khăn, thay vào đó nên đối diện để vượt qua”, Hà Ly nói.

Không phụ lòng mong mỏi của bác gái, Nguyễn Hà Ly đã trúng tuyển vào Khoa Giáo dục Tiểu học – Trường Đại học Hồng Đức với số điểm tương đối cao.

Chia sẻ lý do chọn ngành học này, nữ sinh niềm nở cho biết: “Em nghĩ rằng, sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Bản thân em cũng yêu quý trẻ con, muốn đồng hành cùng các bé”.

Tuy đã trúng tuyển vào ngành học mơ ước, nhưng chặng đường 4 năm đại học đối với Hà Ly không hề dễ dàng khi bố mẹ đã không còn, bác gái ngày một già yếu, các anh chị còn nhiều khó khăn.

Hà Ly lựa chọn học Giáo dục Tiểu học, với mong ước được trở thành cô giáo.
Hà Ly lựa chọn học Giáo dục Tiểu học, với mong ước được trở thành cô giáo.

“Mặc dù được nhà nước hỗ trợ, nhưng em cũng rất lo những khoản chi tiêu, tiền mua tài liệu phục vụ việc học, chi sinh sinh hoạt không biết phải xoay sở ra sao. Trong khi bác em tuổi cũng đã cao rồi, không tránh khỏi lúc ốm đau”, nữ sinh trải lòng.

Hiện tại, Hà Ly tham gia CLB sinh viên dạy tình nguyện tại làng trẻ SOS (Thanh Hóa) với mong muốn giúp đỡ các em nhỏ, đồng thời trau dồi thêm kỹ năng. Nữ sinh dự định sẽ làm thêm gia sư khi đã đủ kiến thức để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ông Lê Văn Hiệp – Trưởng thôn Đức Thắng (xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân) cho biết, gia đình em Nguyễn Hà Ly mặc dù hiện nay không thuộc hộ nghèo tại địa phương, song hoàn cảnh cũng khá khó khăn, bố mẹ mất sớm.

“Hà Ly được bác gái ruột cưu mang sau khi bố mẹ mất. Hầu hết các anh chị của nữ sinh đều đi làm ăn xa nhà, hiện chỉ có một người đang sinh sống ở địa phương nhưng làm nông nghiệp, nên điều kiện kinh tế cũng khó khăn”, ông Hiệp nói.

TS. Lê Hồng Sinh – Phó trưởng Phòng Công tác HSSV, Đại học Hồng Đức, cho biết, Nguyễn Hà Ly, K24A Khoa Giáo dục Tiểu học là nữ sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ.

“Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/người, trong đó có em Nguyễn Hà Ly. Hiện tại, Hà Ly đang được nhận trợ cấp xã hội là con em mồ côi với mức 100.000 đồng/tháng, cấp 12 tháng/năm”, ông Sinh nói.

Theo ông Sinh, chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước đối với sinh viên sư phạm, gồm: Miễn giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo với mức hỗ trợ bằng 60% mức lương cơ sở, thời gian cấp là 10 tháng mỗi năm.

Từ năm 2021 – 2022, theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học và chi phí sinh hoạt là 3,63 triệu/tháng, thời gian hưởng hỗ trợ là 10 tháng/năm học.

Mọi thông tin hỗ trợ, xin vui lòng gửi về: Em Nguyễn Hà Ly,  K24A, Khoa Giáo dục Tiểu học - Trường ĐH Hồng Đức. SĐT: 0388721363

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ