Nữ sinh “một tay” viết câu chuyện nghị lực và lòng nhân ái giữa mùa dịch Covid-19

GD&TĐ - Sinh ra chỉ có một bàn tay nhưng Nguyễn Thụy Thủy Tiên luôn nỗ lực để thực hiện ước mơ trở thành sinh viên và dùng “một tay” viết câu chuyện nghị lực, lòng nhân ái cho riêng mình.

Nguyễn Thụy  Thủy Tiên, sinh viên năm cuối ngành Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh).
Nguyễn Thụy  Thủy Tiên, sinh viên năm cuối ngành Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh).

Cô sinh viên năm cuối nhiệt huyết 

Vốn sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, hằng ngày được chứng kiến cuộc sống nhộn nhịp ở nơi được ví là "thành phố không ngủ" nên khi đại dịch ập đến khiến cuộc sống đảo lộn, trong một chốc, tất cả sự ồn ào, náo nhiệt bỗng nhiên biến mất, ca mắc Covid-19 ngày càng tăng, thành phố khắp nơi phong tỏa... là một người khuyết tật, sức khỏe cũng yếu hơn những người bình thường khác nhưng Thủy Tiên đã không do dự xin vào đội chống dịch.

Công việc của Thủy Tiên là tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống dịch, tham gia lực lượng chăm sóc F0 tại nhà, đặc biệt bệnh nhân F0 là người khuyết tật và mang bệnh tâm thần.

“Lúc em quyết định vào đội tham gia hỗ trợ chống dịch, em không sợ bản thân em sẽ trở thành F0 mà em lo người thân của mình trở thành F0”, Thủy Tiên trải lòng.

Thủy Tiên tham gia hoạt động hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh NVCC.

Thủy Tiên tham gia hoạt động hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh NVCC.

Thế rồi, dẫu tình hình dịch Covid-19 ngày càng căng thẳng, nhưng cô sinh viên năm cuối hàng ngày vẫn hăng say tích cực. Thấy con gái mình nhiệt huyết, cả gia đình cũng đã động viên, cố gắng giữ an toàn để con yên tâm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch.

Tiên tâm sự: “Số lượng F0 rất đông nhưng cán bộ, nhân viên y tế phục vụ thì hạn chế, dù em chỉ có một bàn tay thôi cũng đỡ được một công việc, thêm một tay để hỗ trợ F0 lúc họ khó khăn”.

Ngày đi làm, đêm về Tiên cố gắng ôn bài để tập trung cho những ngày thi cuối kỳ. Đến những ngày giai đoạn nước rút của kỳ thi, thủy Tiên đã xin phép được nghỉ để ôn thi.

Nguyễn Thụy Thủy Tiên luôn cố gắng, nỗ lực hết sức để có thể cống hiến phần công sức nhỏ bé của mình. Ảnh NVCC.

Nguyễn Thụy Thủy Tiên luôn cố gắng, nỗ lực hết sức để có thể cống hiến phần công sức nhỏ bé của mình. Ảnh NVCC.

Kết thúc môn thi cuối cùng, Tiên bắt đầu xét nghiệm để ngày hôm sau trở lại làm công việc hỗ trợ các bệnh nhân F0 thì phát hiện mình dương tính với Covid-19. Lần lượt tiếp đến mẹ em, em gái em và cô của Tiên cũng dương tính. Thế rồi, cả nhà Tiên vào khu cách ly tập trung điều trị.

“Mẹ em bị bệnh nền nên rất hoang mang. Cô em mang trong người căn bệnh tâm thần bởi vậy, quá trình điều trị cô bỏ ăn, bỏ uống và không hợp tác điều trị. Mặc dù cả nhà cũng như bác sĩ đã dùng nhiều biện pháp dỗ dành, động viên nhưng vẫn không qua khỏi. Dường như, lúc đó cảm giác bất lực đau đớn vô cùng khi cô mất, cả nhà 4 người đi, chỉ còn 3 người trở về thực sự rất khó tả”, Tiên gạt nước mắt kể lại.

Tiên chia sẻ thêm: “Lúc em F0, em hiểu hơn ai hết sự động viên tinh thần của các tình nguyện viên gần như là tấm phao cứu sinh tâm lý rất quan trọng trong quá trình điều trị Covid-19, để những bệnh nhân mắc Covid-19 có thể lạc quan hơn điều đó sẽ tạo ra được sự  kỳ diệu. Từ đó, em thấy rằng những ngày em hỗ trợ cho F0 điều trị đã giúp ích được phần nào đó cho họ để họ có thêm động lực”.

Những phút nghỉ hiếm hoi trong lúc đi hỗ trợ bệnh nhân F0. Ảnh NVCC.

Những phút nghỉ hiếm hoi trong lúc đi hỗ trợ bệnh nhân F0. Ảnh NVCC.

Muốn được cống hiến

Từ bé, Tiên được ba mẹ dạy dù làm bất cứ việc gì thì tình người với người là thứ đáng quý nhất. Bởi vậy, dẫu mang trên mình những khiếm khuyết không mong muốn nhưng Tiên vẫn lạc quan, luôn cố gắng giúp đỡ truyền năng lượng cho những người xung quanh mình.

Dù việc học, các hoạt động tình nguyện ở trường, lớp bận rộn nhưng Tiên vẫn luôn sắp xếp thời gian để đến mái ấm Ân Mai (Thành phố Hồ Chí Minh) để chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi.

“Làm những việc này, em thấy lòng hạnh phúc vô cùng bởi bản thân em cũng là người thiệt thòi nên em hiểu rõ khi nhận được sự đồng cảm, sẻ chia từ người khác nó giá trị như thế nào. Đó là động lực để lạc quan, vui vẻ vượt lên hoàn cảnh, trở thành những con người tốt”, Tiên trải lòng.

Tiên luôn tận dụng mọi thời gian rảnh để giành cho các em nhỏ ở mái ấm Ân Mai. Ảnh NVCC.

Tiên luôn tận dụng mọi thời gian rảnh để giành cho các em nhỏ ở mái ấm Ân Mai. Ảnh NVCC.

Không chỉ vậy, ba năm qua cứ đến mùa tuyển sinh đại học, Tiên lại tham gia vào đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi.  Lần Tiếp sức mùa Năm 2021, dịch căng thẳng, mọi thứ đều trở nên rất khó khăn, đội hình của  Tiên lúc đầu gần 20 người. Tuy nhiên do dịch bệnh đội tiếp sức của Tiên chỉ còn 7, 8 bạn.

“Nhưng ai nấy không nản lòng, tự động viên nhau cố gắng để hỗ trợ các em tốt nhất. Em nhớ mãi năm em đi thi đại học, trời nắng như lửa đốt mùa hè nhưng các anh chị sinh viên tình nguyện không quản ngại nắng mưa, vất vả để hỗ trợ cho các thí sinh. Từ đó em có suy nghĩ, sau khi trở thành sinh viên em cũng sẽ làm tình nguyện viên như vậy”, Tiên nói.

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động tình nguyện, Tiên còn được biết đến với cô nữ sinh năng nỗ chăm chỉ. Cô là một trong 50 tấm gương tiểu của chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam lựa chọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ