Ước mơ dưới mái nhà Rông

GD&TĐ - Những ngày cuối năm, trời lạnh căm căm, giáo viên và học sinh điểm trường thôn Kon Pao Kơ La (Trường Mẫu giáo Đăk Psi, huyện Đăk Hà, Kon Tum) run rẩy trong lớp học tạm.

Học sinh tại điểm trường thôn 10 – Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện phải học tạm ở nhà Rông do cây cầu bắc qua trường bị cuốn trôi.
Học sinh tại điểm trường thôn 10 – Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện phải học tạm ở nhà Rông do cây cầu bắc qua trường bị cuốn trôi.

Ước mơ của thầy và trò nơi đây là có lớp học kiên cố, an toàn cho học sinh.

Lớp học tạm bợ

Buổi chiều một ngày tháng 11, xã Đăk Psi với những cơn mưa, gió rít lạnh căm căm. Từng tốp học sinh ở thôn Kon Pao Kơ La với chiếc áo mỏng í ới nhau đến nhà Rông để học chữ. Do không gian của nhà Rông chật hẹp nên những chiếc ghế nhỏ, đầy mối mọt của học trò được xếp sát lại với nhau. Xung quanh lớp học tạm gió lùa qua các khe hở, thốc lên từ dưới sàn gỗ cũ lạnh buốt.

Gần 1 tháng qua, nơi đây trở thành lớp học tạm cho 71 em học sinh ở độ tuổi 3, 4, 5 của điểm trường thôn Kon Pao Kơ La - Trường Mẫu giáo Đăk Psi. Bởi điểm trường trước đây các em theo học bị sạt lở, có thể ập xuống sông bất cứ lúc nào.

Cô Đặng Thị Thúy – giáo viên điểm trường bắt đầu buổi học với bài hát “Cả nhà thương nhau” để tạo không khí sôi nổi và giúp các em ấm hơn trong tiết trời lạnh buốt. Nhiều em chỉ mặc trên người chiếc áo khoác mỏng, còn một số em với chiếc áo thun ngắn tay, ngồi co ro nép vào lưng bạn. Bài hát vang lên dưới mái nhà Rông hoà cùng những tràng vỗ tay vọng khắp buôn làng. 

Cô Thúy cho biết: Do ảnh hưởng bởi bão số 9, nhiều đoạn bờ kè quanh điểm trường thôn Kon Pao Kơ La bị hư hỏng, sụt lún. Lo sợ dòng sông Đăk Psi có thể “nuốt chửng” điểm trường bất cứ lúc nào, nhà trường đã mượn nhà Rông của thôn để làm chỗ học tạm cho học sinh.

“Điểm trường có 71 em học sinh học tập ở 2 phòng nhưng đã bị hư hỏng, xuống cấp. Cơn bão số 9 vừa qua khiến nước ở sông dâng cao, mấp mé điểm trường. Nhiều đoạn bờ sông bị nước đánh gây sạt lở chỉ còn cách phòng học của các em khoảng 2m.

Nếu một cơn bão tương tự nữa xảy ra, các phòng học có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Do đó, chúng tôi đã mượn nhà Rông của thôn Kon Pao Kơ La làm chỗ học tạm cho các em. Tuy nhiên, nhà Rông chập chội nên không đủ không gian cho các em sinh hoạt cũng như bố trí đồ dùng học tập.”, cô Thúy chia sẻ.

Mong có chỗ học an toàn, ấm áp

28 em học sinh khối 3, 4 và 5 ngồi quay lưng với nhau để học do nhà Rông chật hẹp.
28 em học sinh khối 3, 4 và 5 ngồi quay lưng với nhau để học do nhà Rông chật hẹp.

Cô Nguyễn Thị Hằng – giáo viên điểm trường tâm sự: “Mặc dù nguy hiểm không còn đe doạ tính mạng, tuy nhiên, trời đã vào đông, nhà Rông không đủ kín để che gió, che mưa cho học trò. Những hôm mưa lớn, nước tạt vào khe hở, gió lùa vào từng cơn khiến các em lạnh buốt. Phần lớn học sinh có hoàn cảnh  khó khăn, nhiều em không có áo ấm để mặc.

Thương học trò, chúng tôi cũng kêu gọi bạn bè, người thân hỗ trợ áo ấm để giúp các em đến lớp. Tuy nhiên, vẫn không đủ ấm cho các em trong tiết trời lạnh buốt. Chúng tôi mong muốn trong năm mới sẽ có phòng học kiên cố, để các em có nơi học an toàn, không còn bị ướt và lạnh”, cô Hằng giãi bày.

Không chỉ các em mẫu giáo, hàng chục em học sinh của điểm trường thôn 10 – Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện cũng đang học tập dưới mái nhà Rông hơn 1 tháng qua.

Thầy Nguyễn Văn Lợi – giáo viên nhà trường cho hay: Bão số 9 đi qua, cây cầu treo từ thôn 10 bắc qua điểm trường bị cuốn trôi. Không có đường cho các em đến lớp, nhà trường đành mượn tạm nhà Rông của thôn rồi chuyển bàn ghế sang để thuận tiện việc học. 5 khối lớp của điểm trường được chia làm hai buổi học. Lớp 1, 2 học buổi sáng, chiều đến các em khối 3, 4 và 5 tập trung ở nhà Rông để học nhằm theo kịp chương trình.

Dưới mái nhà Rông, 28 em học sinh khối lớp 3, 4 và 5 đang học tập. Một mình thầy Lợi chạy đi, chạy lại để hướng dẫn các em làm các phép Toán, đọc bài. Những em học yếu hơn, thầy Lợi sắp xếp cho ngồi riêng một góc để kèm cặp. 

“Căn nhà Rông cũ kĩ với chi chít lỗ thủng trên mái, phía dưới, những tấm ván bị mối mọt đục tạo thành các kẽ hở. Đặc biệt, trời đã trở lạnh, những hôm mưa, gió lùa qua khe hở vào lớp học khiến các em lạnh buốt.

Nhiều em đến lớp chỉ với một chiếc áo mỏng, những hôm lạnh các em ngồi co ro, tay tê cứng không thể cầm bút viết. Thầy và trò chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, sửa chữa và xây dựng lại cây cầu để đường đến lớp của các em bớt nhọc nhằn”, thầy Lợi chia sẻ.

Cô Lê Thị Nhung – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà cho biết: Việc học tạm ở nhà Rông gây nhiều khó khăn bởi khuôn viên nhỏ, giáo viên không thể sắp xếp và bố trí đầy đủ trang thiết bị cũng như dụng cụ học tập. Bên cạnh đó, những hôm mưa, trời lạnh gió lùa qua các khe hở khiến giáo viên và học sinh lạnh buốt.

“Chúng tôi mong các cấp chính quyền quan tâm, bố trí kinh phí để xây dựng điểm trường mới. Qua đó, bảo đảm an toàn trong quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh.”, cô Nhung chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ