Thầy hiệu trưởng trăn trở chuyện học của học sinh dân tộc vùng cao Bố Trạch

GD&TĐ - 20 năm qua, thầy Hoàng Đức Hòa đã quen với con đường dốc thẳng đứng, nhiều điểm sạt lở. Những ngày trời mưa, đường trơn, thầy Hòa dắt bộ hàng chục cây số để đến Trường PT DTNT Bố Trạch, nơi thầy là hiệu trưởng.

Thầy Hoàng Đức Hòa.
Thầy Hoàng Đức Hòa.

Gian truân cắm bản

Sinh ra tại vùng quê nghèo huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, thầy Hòa (sinh năm 1977) thấu hiểu nỗi vất vả của học sinh vùng cao, nơi con chữ vẫn xếp sau công việc nương rẫy. Sau khi tốt nghiệp đại học, từ năm 2000, thầy Hòa về huyện nhà dạy học. Thầy có 9 năm làm công tác quản lý giáo dục, 11 năm giảng dạy tại các trường vùng cao.

Toàn huyện Bố Trạch có 3 trường dân tộc nội trú, thầy Hòa đã làm việc tại hai trường và một điểm trường dân tộc nội trú ở bản Rào Con. Giữa năm 2020, thầy được điều về làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bố Trạch, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Trường có 33 giáo viên và 288 học sinh. 100% các em là người đồng bào dân tộc, sống trải đều ở 18 bản trên địa bàn xã. Hầu hết gia đình các em đều thuộc hộ nghèo. Học sinh vùng cao vốn nhút nhát, khuôn mặt đen sạm vì nắng gió nhưng đôi mắt các em luôn ngời sáng niềm hy vọng vào tương lai. Những gương mặt trẻ thơ này đã tiếp thêm động lực để thầy Hòa cống hiến và giảng dạy.

Thầy Hòa cho biết: Xã Thượng Trạch có diện tích rộng, các bản cách nhau đến 50km nên học sinh phải đi quãng đường rất xa mới đến được trường. Bởi vậy, thầy cô phải vào bản đón học sinh đều đặn hai lần một tuần vào chiều chủ nhật và chiều thứ 2. Nhiều người sáng đứng lớp, chiều lại lái xe vào bản tìm học sinh. Có bản cách trường 30-40km, thầy cô đi đến nhá nhem tối mới về đến trường. Ở bản khác, thầy cô phải đi bộ, băng rừng lội suối suốt mấy tiếng đồng hồ.

Là người con miền Trung, thầy Hòa vốn đã quen với những trận mưa lũ nhưng mỗi năm, thầy vẫn không khỏi đau xót nghĩ về thiệt hại mà bão lũ gây ra cho học sinh đồng bào dân tộc.

Thầy Hoàng Đức Hòa (đội mũ bảo hiểm) cùng học sinh nhận lương thực tiếp tế trong đợt lũ.
Thầy Hoàng Đức Hòa (đội mũ bảo hiểm) cùng học sinh nhận lương thực tiếp tế trong đợt lũ.

“Tôi còn nhớ thời điểm công tác tại điểm trường bản Rào Con, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Khi một nhóm học sinh đang chơi bên suối, lũ bất ngờ tràn về, cuốn trôi một nam sinh lớp 8 người dân tộc Vân Kiều. Thi thể em được tìm thấy ở gốc cây bên suối. Đau buồn nhất trong nghề giáo là phải chứng kiến học sinh của mình bị lũ cuốn trôi", thầy Hòa lặng lẽ lau nước mắt.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bố Trạch không chịu thiệt hại nặng nề nhưng việc vận chuyển lương thực từ miền xuôi lên cho thầy trò gặp nhiều khó khăn. Đường đèo núi nhiều điểm bị sạt lở, trơn trượt nên phải mất gần một tháng để thông đường. Trong thời gian này, thầy cô phải đến nhà từng người dân bản xin thức ăn, nhận hỗ trợ từ đồn biên phòng và các đoàn thiện nguyện.

Trăn trở gieo mầm con chữ cho học sinh vùng cao

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bố Trạch sau đợt lũ vào tháng 10 vừa qua.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bố Trạch sau đợt lũ vào tháng 10 vừa qua.

11 năm qua, thầy Hòa liên tục vượt 100km đường đèo núi từ nhà đến trường để gieo con chữ. Vì nhà xa, thầy ở lại trường đến chiều thứ sáu rồi lên xe máy vượt đường đèo trở về. Đến chiều chủ nhật, thầy lại đến lớp, mang theo bao gạo, gói muối, chai dầu ăn cùng những tập giáo án soạn dở.

Vì công việc làm xa, không thể sát sao quan tâm các con, thầy đành nhờ vợ, cũng là giáo viên, chăm lo cho gia đình. Nhiều khi con ốm, thầy Hòa không thể ở bên chăm sóc, ruột gan cồn cào vì lo lắng nhưng việc nhà đành gác lại một bên để tập trung cho công tác giáo dục.

Thầy Hòa chia sẻ: "Cuộc sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên rất nhớ vợ và các con. Nhưng vì học sinh, tôi phải tạm quên đi. Những lúc nhớ nhà, tôi thường đi vào các bản làng trong xã để thăm hỏi, quan sát cuộc sống của bà con. Nhìn làn khói trắng tỏa ra từ mâm cơm của đồng bào dân tộc, tôi bỗng thấy vơi đi nỗi nhớ".

Nhiều năm cắm bản, một vài đồng nghiệp không chịu nổi đã xin thuyên chuyển công tác. Nhưng cảm nhận được nỗi khó khăn của bà con đồng bào nơi đây, thầy Hòa luôn trăn trở làm thế nào để đem con chữ cho học sinh người đồng bào dân tộc và trang bị cho các em môi trường học tập tốt hơn.

“Khó khăn đầu tiên là thiếu cơ sở vật chất phục vụ học sinh. Trường hiện chưa có hàng rào, chưa có cổng trường cũng chưa có sân trường. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn vì không có chợ cung cấp thực phẩm thường xuyên, mạng lưới Internet, điện chập chờn”, thầy Hòa cho biết.

Ngày 20/11 cận kề, thầy Hòa không mong nhận hoa hay quà mà chỉ hy vọng có thể thay đổi nhận thức của phụ huynh về việc đi học. Đồng bào các dân tộc thiểu số tại xã Thượng Trạch còn lạc hậu, chưa ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của con chữ. Khi thấy thầy cô tìm đến bản, nhiều gia đình “giao trắng” con em cho nhà trường. Sự thiếu quan tâm sát sao từ phía phụ huynh có thể khiến học sinh nản lòng, thiếu ý thức vươn lên trong học tập.

Khó khăn là vậy nhưng khi nhìn thấy các em ngồi trong lớp, mắt chăm chú dõi theo bài giảng, thầy Hòa hiểu rằng công sức bỏ ra là xứng đáng. Những con chữ thầy cô Trường Dân tộc nội trú Bố Trạch “gánh” lên vùng cao đều mang theo niềm tin, hy vọng những em nhỏ nơi đây sẽ có tương lai tươi sáng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ