Ứng xử với tang lễ

GD&TĐ - Kỳ họp HĐND ở các địa phương đang diễn ra trên cả nước.

Chủ đề tưởng chừng không mấy nóng sốt lại được đại biểu ở một số tỉnh, thành phố đưa ra thảo luận hoặc đóng góp ý kiến. Đó là việc “ứng xử với tang lễ”. Mới đây nhất là tỉnh Thừa Thiên - Huế, chủ tịch tỉnh này đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn. Trong chỉ thị trên, có mục quy định đối với ma chay. Theo đó, các gia đình không được tổ chức tang lễ quá ba ngày.

Sở dĩ có quy định trên là vì phong tục ở địa phương này khi tổ chức ma chay cho người thân, nhất là những người thuộc hàng “cụ, kỵ” thì để rất lâu, có khi cả tuần mới mang đi chôn cất. Người chết nằm 5 - 7 ngày như thế trong tiếng tụng kinh gõ mõ thê thiết.

Việc này không chỉ gây lãng phí về tiền bạc, sự mệt mỏi cho con cháu mà còn rất mất vệ sinh. Người chết để lâu, nhất là trong những ngày nắng nóng thế này thì rất mau phân hủy, gây ô nhiễm môi trường, có khi gieo rắc cả bệnh tật cho gia đình và cả cộng đồng nữa.

Không chỉ việc tổ chức ma chay quá lâu, nhiều gia đình ở các địa phương còn có tục rải vàng mã suốt chặng đường từ nhà đến nghĩa trang. Nhiều đường phố, nhất là các đoạn dẫn về nơi chôn cất, ngày nào cũng trắng xóa giấy vàng mã. Những hôm gặp trời mưa, giấy mủn ra trông nhớp nhúa rất mất vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Đó là chưa kể không ít gia đình mua hàng “núi” các loại nhà lầu, xe hơi, những thứ đắt tiền mà lúc còn sống người ấy sử dụng hoặc khao khát được sở hữu, nhưng chỉ bằng… giấy. Có những nghĩa trang, khói lửa “trùm” lên nhiều ngôi mộ cũng từ việc “hóa kiếp” các loại hàng đắt tiền nhưng bằng giấy này. Tốn kém vô cùng và cũng mất vệ sinh vô cùng.

Nhiều người quan niệm rằng có một thế giới khác dành cho con người sau khi qua đời. Chính vì vậy mà người sống trên dương thế muốn “tạo điều kiện tốt nhất” cho người quá cố để họ ra đi thanh thản và “có cái để dùng” ở thế giới bên kia - cái thế giới mà chưa nghe một ai kể lại là nó như thế nào cả!

Bám vào niềm tin mà không có một căn cứ khoa học nào để rồi ứng xử với điều mình tin ấy một cách thái quá, vừa tốn tiền lại vừa mất thời gian, mất vệ sinh… đó là điều mà ai cũng cần phải cân nhắc trước khi hành động.

Tuy nhiên, để mọi người “tự giác” trong câu chuyện này thì rất khó. Chính vì vậy mà chính quyền mới có những quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh, trong đó có việc tổ chức ma chay, tang lễ. Một thành phố không vàng mã khi đưa tang rồi sẽ quen dần.

Như ở Nha Trang, người ta thay vàng mã bằng những bông sứ trắng nhưng không phải rải vô tội vạ mà cách quãng vài trăm mét mới rải một bông. Sau nhiều năm kiên trì thuyết phục, kể cả những cấm đoán bằng các chỉ thị của chính quyền, Nha Trang và nhiều thành phố du lịch khác đã chấm dứt việc rải vàng mã khi đưa tang.

Việc chấm dứt rải vàng mã cũng như không tổ chức ma chay quá lâu cũng có nghĩa là khai tử một hủ tục vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.