Nguy cơ lấy đi sinh mạng
Trên thế giới, bệnh ung thư đại trực tràng (UTĐTT) xuất hiện khá phổ biến. Theo thống kê mỗi năm đã có gần 800.000 người mới mắc và khoảng nửa triệu người tử vong vì bệnh này. Tỷ lệ mắc UTĐTT cũng rất khác nhau ở các vùng trên thế giới. Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao ở người có tiền sử gia đình có người mắc UTĐTT. Người bệnh có bệnh sử ung thư buồng trứng, tử cung, vú đều làm tăng nguy cơ phát triển UTĐTT. Bệnh sử cá nhân hoặc gia đình có polyp đại trực tràng cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Ngay cả bệnh Crohn và viêm loét đại trực tràng đều có thể tiến triển thành ung thư.
Nguyên nhân gây bệnh là do thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Việc ăn nhiều chất béo, cholesterol, ít chất xơ là một trong những yếu tố dẫn tới nguy cơ gây UTĐTT. Người ít tập thể dục, béo phì, tạo ra nguy cơ UTĐTT cao từ 2 - 5 lần so với người thường xuyên vận động. Ngoài ra chất nicotin trong thuốc lá, các chất độc hại khác sau khi vào máu cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Theo nghiên cứu khoảng 10% bệnh nhân bị UTĐTT có tiền sử người thân bị bệnh này. Bên cạnh đó, nếu mỗi ngày uống nhiều hơn một chai bia thì nam giới có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 1,4 lần và ở nữ giới là 1,6 lần so với người không uống.
Nội soi đại tràng ống mềm – phương pháp được khuyến nghị
Bác sĩ Phạm Phúc Khánh, Trung tâm Hậu môn - Trực tràng và Tầng sinh môn (Bệnh viện Việt Đức Hà Nội) đã đưa ra những cảnh báo cần phải có các biện pháp tầm soát để ngăn ngừa và chữa trị căn bệnh UTĐTT, đó là: Xét nghiệm máu ẩn trong phân, kiểm tra một vài mẫu phân để phát hiện máu từ những polyp hay những khối u. Khi xét nghiệm thấy dương tính, người bệnh cần được soi đại tràng ống mềm để kiểm tra.
Nội soi đại tràng ống mềm là phương pháp sử dụng một ống mềm dài có đầu camera để đánh giá toàn bộ lớp bên trong của đại trực tràng. Nếu phát hiện bất thường, nội soi đại tràng ống mềm cần được thực hiện. Việc sử dụng phương pháp chụp X-quang khung đại tràng có chuẩn bị với barit là phương pháp mà khi đó đại tràng được làm đầy bằng khí và chất cản quang để có thể nhìn thấy trên phim chụp. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi soi đại trực tràng không thể thực hiện được.
Theo bác sĩ Phạm Phúc Khánh, những người không có yếu tố nguy cơ thì tầm soát bắt đầu vào tuổi 45. Nội soi đại tràng ống mềm 10 năm 1 lần được coi là tiêu chuẩn vàng. Việc nội soi đại tràng sigma mỗi 5 năm cùng với việc thực hiện xét nghiệm máu ẩn trong phân hàng năm là phương pháp tương tự nếu không thể nội soi đại tràng toàn bộ.
Những người có người thân bị UTĐTT hoặc polyp nên bắt đầu tầm soát từ năm 40 tuổi, hoặc 10 tuổi trẻ hơn thời điểm mà người thân được chẩn đoán ung thư. Những người này nên được tầm soát 5 năm 1 lần ngay cả khi các xét nghiệm đều bình thường. Những loại ung thư đại tràng di truyền ít phổ biến hơn (ung thư đại tràng di truyền không có nguồn gốc từ polyp, bệnh đa polyp đường tiêu hoá có tính chất gia đình) có thể đòi hỏi nhiều lần tầm soát kiểm tra hơn và bắt đầu từ lứa tuổi trẻ hơn nhiều.