Theo Phó Giám đốc Hoàng Đức Minh, những năm trước, thí sinh Lai Châu thi đại học phải đến Phú Thọ; năm 2016, các em di chuyển lên tỉnh; nhưng năm 2017 học sinh được học ở đâu thi ở đó mà không phải vất vả di chuyển, giảm được nhiều thời gian, giảm tốn kém. Chỉ một lực lượng giám thị phải di chuyển nhưng số lượng ít.
Lực lượng coi thi được quy định 50% giáo viên địa phương, 50% của trường đại học phối hợp là rất hợp lý. Trừ Ngữ văn, các môn thi, bài thi khác đều là trắc nghiệm khách quan với nhiều mã đề nên đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan. Việc cho thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên thi riêng cũng là phù hợp.
Đồng tình với việc không thống nhất một đầu điểm bài thi tổ hợp, ông Hoàng Đức Minh cho rằng, điều này sẽ thuận lợi hơn cho thí sinh sử dụng điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Minh cũng cho rằng, vấn đề cần quan tâm là nghiên cứu hoàn thiện ngân hàng đề thi, đề thi cần có độ phân hóa cao hơn.
"Từ năm 2018, đề thi sẽ gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12. Tôi cho rằng, đề thi làm sao để thí sinh phải giỏi mới có thể đạt được từ 8 điểm trở lên. Việc làm được đề thi có độ phân hóa cao hơn hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bộ GD&ĐT" - ông Hoàng Đức Minh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cũng cho rằng: bên cạnh việc cần cách ly triệt để Hội đồng sao in đề thi, cũng cần làm tương tự như vậy với Hội đồng dọc phách (với môn Ngữ văn).
Ngoài ra, cần quy định cụ thể giáo viên không được chấm bài của học sinh mình dạy và học sinh của trường mình.
Chia sẻ về cách làm của Lai Châu, ông Nguyễn Đức Minh cho biết, Sở GD&ĐT luôn làm quyết liệt việc dạy học theo đối tượng học sinh.