Tâm thế chuẩn bị theo phương án thi ổn định

GD&TĐ - "Tôi đồng tình với phương án giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của Bộ GD&ĐT. Trên thực tế, tâm thế của đa số giáo viên và học sinh cả nước đều đang chuẩn bị sẵn sàng theo phương án thi giống như năm 2017" - thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) - khẳng định như vậy.

Tâm thế chuẩn bị theo phương án thi ổn định

Phương án thi năm 2017 là bước chuyển tiếp phù hợp nhất

Thầy Nguyễn Văn Định nêu quan điểm: Kỳ thi năm 2017 được nhận định là thành công, tạo được sự đồng thuận cao của xã hội vì yếu tố khách quan, công bằng, tiết kiệm.

Có thể khẳng định kết quả kỳ thi là thực chất nhất từ trước đến nay, vì mỗi thí sinh có mã đề thi riêng và có 8/9 môn thi được chấm bằng máy, trừ môn Ngữ văn có tính đặc thù được thi hình thức tự luận.

Dù tên gọi là bài thi (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội) nhưng thực chất là thi từng môn độc lập. Điều này phù hợp với chương trình học hiện hành.

Trong khi chờ đợi chương trình mới được xây dựng theo hướng tích hợp thì phương án thi năm 2017 là bước chuyển tiếp phù hợp nhất. Học như thế nào, dạy như thế nào thì cần thi như thế ấy.

Nhận định hầu hết các môn được chấm bằng máy nên độ chính xác cao, thầy Nguyễn Văn Định cho rằng, việc xử lý điểm từng môn thành phần như năm 2017 là phù hợp, kịp thời, khoa học.

Không chỉ các trường đại học cần điểm thành phần từng môn để xét tuyển theo tổ hợp truyền thống mà các trường THPT cũng rất cần điểm từng môn thành phần để điều chỉnh phù hợp hoạt động giảng dạy cho lần tiếp theo.

Liên quan đến công tác xét tuyển ĐH, CĐ, theo thầy Nguyễn Văn Định, Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học. Vì vậy các trường cần chủ động phương án trong sử dụng kết quả của kỳ thi.

Không nên vì điểm thi năm 2017 cao, các trường lúng túng trong tuyển sinh mà phải điều chỉnh phương án thi vì điều đó sẽ gây xáo trộn lớn và ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cả nước.

Càng không nên vì thực trạng nhất thời lúng túng (trước 1 vài trường hợp thuộc diện ưu tiên khuyến khích) trong tuyển sinh năm 2017 mà bỏ nhiều chính sách ưu tiên cộng điểm cho thí sinh vì đó là một trong những chủ trương đúng đắn, ưu việt của Đảng và Nhà nước đã được xã hội đồng thuận cao, có tính truyền thống, có giá trị lịch sử.

Rà soát khâu ra đề

Đối với phương án thi năm 2018, thầy Nguyễn Văn Định cho rằng cần rà soát lại khâu ra đề, cân đối lại số câu hỏi vận dụng và vận dụng cao để phân hóa học sinh tốt hơn, giúp cho các trường đại học thuận lợi hơn trong tuyển chọn sinh viên.

Đối với bài thi tổ hợp, đề thi (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội) cần gom chung 3 môn thành phần thành một đề (đề thi khoa học tự nhiên hoặc đề thi khoa học xã hội) và được sắp xếp theo trình tự từng môn, học sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm theo trình tự môn thành phần (thay vì tách rời thành 3 môn riêng, 3 túi đề riêng, phát từng môn và phải thu, niêm phong đề thi và giấy nháp của môn vừa thi như năm 2017).

Cùng với đó, có phương án riêng đối với thí sinh thi chỉ để xét tuyển đại học: thi giống như học sinh thi để xét tốt nghiệp hoặc thi ở khu vực riêng theo từng môn riêng rẽ để dùng điểm xét tuyển đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ