Ứng dụng tự trang điểm lên ngôi

GD&TĐ - Vượt qua 50 dự án của sinh viên, dự án ELLA - Ứng dụng hướng dẫn trang điểm đã đoạt giải Nhất khối sinh viên tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ 4 năm 2022.

Nhóm thực hiện dự án ELLA - Ứng dụng hướng dẫn trang điểm nhận giải Nhất khối sinh viên tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ 4 - 2022.
Nhóm thực hiện dự án ELLA - Ứng dụng hướng dẫn trang điểm nhận giải Nhất khối sinh viên tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ 4 - 2022.

Dự án do sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện. Điều đặc biệt là các thành viên thực hiện dự án ELLA đến từ nhiều ngành học khác nhau cùng liên minh thực hiện dự án. Theo chia sẻ của nhóm, đây chính là yếu tố làm nên thành công của nhóm tại cuộc thi lần này.

Tận dụng thế mạnh từng ngành học

Dự án ELLA - Ứng dụng hướng dẫn trang điểm được triển khai bởi 3 sinh viên trụ cột là Nguyễn Trà Việt Tiến (Nhóm trưởng thuộc Bộ môn Tiếng Anh), Phan Khánh Chi (Khoa Quản trị kinh doanh), Trần Tô Quế Phương (Khoa Công nghệ thông tin) thuộc Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐH Quốc gia TPHCM.

Bên cạnh đó, dự án còn có thêm 3 thành viên khác là Nguyễn Thị Hằng (ngành Kinh tế học, Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐHQG TPHCM), Nguyễn Minh Triết (ngành Thiết kế đồ họa, Trường ĐH Văn Lang), Phan Xuân Thành Lâm (ngành Khoa học máy tính, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM).

Theo Phan Khánh Chi (Khoa Quản trị kinh doanh, IU), lúc đầu Chi với Tiến cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ của trường, rủ nhau lên ý tưởng đi thi, rồi Tiến rủ thêm 2 bạn cấp 3 của Tiến (1 bạn có kinh nghiệm thi startup và 1 bạn đảm nhiệm phần thiết kế). Sau đó, Chi với Tiến cùng mời thêm 1 chị cùng câu lạc bộ lo phần IT, rồi chị này rủ thêm 1 đồng nghiệp IT khác cùng tham gia.

“Việc tập hợp các thành viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau mang lại cho tụi em nhiều góc nhìn hơn về một vấn đề và bổ trợ nhau rất tốt để cho ra một ý tưởng đầy đủ và cân bằng cả về mặt business, technical và thiết kế. Nếu một team toàn business thì về technical nó sẽ không khả thi. Ngược lại team chỉ toàn technical sẽ không khả thi về mặt thị trường”, Phan Khánh Chi chia sẻ.

Nói về thành công của dự án, PGS.TS Trần Tiến Khoa (Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM) cho rằng, chính yếu tố liên ngành hỗ trợ nhau tạo nên thế mạnh của dự án tham dự cuộc thi lần này.

“Điều này thể hiện sự kết hợp bổ trợ cho nhau để giải quyết một vấn đề, đáp ứng nhu cầu của số đông. Rất đúng với mục tiêu của cuộc thi về khởi nghiệp. Để làm một cái gì có giá trị thực sự thì yếu tố liên ngành rất cần thiết”, PGS.TS Trần Tiến Khoa nhận định.

Dùng công nghệ hỗ trợ tự học trang điểm tại nhà

Một buổi họp trực tuyến trao đổi ý tưởng của nhóm thực hiện dự án ELLA.
Một buổi họp trực tuyến trao đổi ý tưởng của nhóm thực hiện dự án ELLA.

Nói về nội dung ý tưởng của dự án, một thành viên của nhóm cho biết, ELLA là ứng dụng tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ nhận diện khuôn mặt để hỗ trợ bạn trẻ tự học trang điểm (makeup) tại nhà, cung cấp các bước chỉ dẫn được cá nhân hóa dựa trên cấu trúc khuôn mặt của chính họ.

Cụ thể, ứng dụng ELLA hướng dẫn makeup sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality) kết hợp với nhận diện khuôn mặt (Face Detection) và theo dõi khuôn mặt (Face Tracking), nhận biết chính xác khuôn mặt, sau đó xuất hiện mũi tên chỉ hướng trên các vùng khuôn mặt cùng chỉ dẫn bằng giọng nói để hướng dẫn người dùng cách trang điểm tại nhà, mang lại trải nghiệm cá nhân hóa và hiệu quả cao. ELLA hướng đến những người muốn học trang điểm nhưng lại gặp khó khăn khi tự tìm hiểu bằng những phương pháp truyền thống.

Phan Khánh Chi chia sẻ: “Giá trị của dự án là cho thấy ứng dụng công nghệ giúp việc trang điểm hiệu quả và tiện lợi hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Tất cả đến từ sự trợ giúp của các đường kẻ và mũi tên chỉ dẫn lúc trang điểm (dựa vào đặc điểm khuôn mặt), hạn chế những lỗi trang điểm thường gặp và tiết kiệm thời gian.

Ngoài ra, ELLA còn cung cấp trải nghiệm một điểm đến (one-stop experience) rút gọn cả quá trình tìm đọc tài liệu, xem video hướng dẫn, lựa chọn sản phẩm, tự thử nghiệm lại chỉ còn qua một lần sử dụng ứng dụng, khiến trải nghiệm trang điểm không chỉ nhanh, mà còn thú vị hơn, phù hợp với lối sống hiện đại, liên tục đổi mới của thế hệ Z và Y”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.