Sinh viên khởi nghiệp "bắt trend"

GD&TĐ - Tại vòng chung kết Cuộc thi HS, SV với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022 đã xuất hiện mô hình khởi nghiệp sáng tạo, có tính ứng dụng cao, xuất phát từ những nhu cầu của xã hội nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.

Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Nam Định: Tuấn Đạt, Tuấn Anh, Quốc Khánh, Hà Thu, Hải Yến.
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Nam Định: Tuấn Đạt, Tuấn Anh, Quốc Khánh, Hà Thu, Hải Yến.

Robot phun sương khử khuẩn

“Robot phun sương khử khuẩn” là tên đề tài khởi nghiệp của nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Nam Định với ý tưởng chế tạo robot thay thế cho những người làm việc trong khu cách ly, nhằm giảm gánh nặng công việc và tránh lây nhiễm, góp phần cải thiện phương tiện phòng dịch trong y tế.

Thuyết trình về đề tài của mình, Nguyễn Quốc Khánh - học sinh lớp 12A1 - cho biết: Ở những khu cách ly, nhân viên y tế phải mặc áo bảo hộ để tiến hành phun thuốc khử khuẩn thủ công, chắc chắn sẽ không an toàn và ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, em mong sẽ chế tạo một robot để thực hiện việc này.

Với sự ủng hộ của ban giám hiệu nhà trường cùng hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Mai, Quốc Khánh và các bạn đã nghiên cứu và chế tạo thành công robot phun sương khử khuẩn. Robot được cải tiến đáng kể so với các robot đang có trên thị trường, có kích thước nhỏ gọn, khả năng di chuyển tốt trong mọi địa hình, được điều khiển từ xa thông qua quan sát hình ảnh do camera truyền ra màn hình bên ngoài.

Theo dõi quá trình thực hiện và hoàn thiện sản phẩm của học trò, thầy Chu Ngọc Sơn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết: Hiện, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm robot khử khuẩn nhưng sản phẩm của học sinh có sự khác biệt đáng kể. Đặc biệt, robot có thể di chuyển theo bất kỳ hướng nào mà người sử dụng muốn do phối hợp tốc độ và hướng quay của bánh xe.

Camera được gắn trên robot giúp người dùng giám sát đường vận chuyển, dễ dàng điều khiển trong quá trình phun khử khuẩn. Nước diệt khuẩn được robot phun dưới dạng sương mù, bám vào mọi bề mặt của thiết bị có trong phòng nên chất lượng diệt khuẩn rất cao. Do đó, robot có thể thay thế con người để phun khử khuẩn trong khu cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm cho người tham gia phòng chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng trạm y tế phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định - cho biết: Qua quá trình thử nghiệm trong thực tế, robot đã cho thấy tác dụng giảm thiểu rủi ro do tiếp xúc với bệnh nhân trong khu cách ly, giảm các tác dụng phụ do con người tác dụng trực tiếp với các dung dịch diệt khuẩn và tăng hiệu quả của việc phun khử khuẩn trong phòng bệnh.

Sản phẩm tiện lợi và dễ dàng sử dụng, kỹ thuật tiên tiến hơn biện pháp thủ công đeo bình phun vào khu cách ly hoặc các robot mà khả năng di chuyển kém; tự động vận chuyển nhu yếu phẩm hay cấp thuốc cho người bệnh một cách dễ dàng mà không cần đến sự tiếp xúc can thiệp trực tiếp của bác sĩ.

Robot phun sương khử khuẩn của nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Nam Định.
Robot phun sương khử khuẩn của nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Nam Định.

Bộ thiết bị và ứng dụng D-Health

Với mong muốn hỗ trợ các bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại nhà, nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đã chế tạo thiết bị hỗ trợ theo dõi chỉ số sức khỏe trực tuyến tại nhà với tên gọi D-Health. Ý tưởng khởi nghiệp được hình thành khi nhóm nghiên cứu nhận thấy nhu cầu về một thiết bị thông minh theo dõi sức khỏe rất cần thiết trong mùa dịch.

Hồ Thanh Huy, Cao Quốc Thuấn, 2 thành viên của nhóm nghiên cứu đang là sinh viên Khoa Công nghệ điện tử, cho biết: Việc giám sát, theo dõi sức khỏe định kỳ ngày càng được quan tâm, nhằm nâng cao sức khỏe của con người. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19, việc theo dõi các chỉ số sức khỏe như chỉ số SpO2, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể... trở nên cấp thiết.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, chúng em đề xuất thiết kế thiết bị theo dõi các chỉ số sức khỏe nêu trên, thông qua công nghệ IoT (công nghệ Internet vạn vật) để kết nối giữa bác sĩ và người được theo dõi sức khỏe. Sản phẩm gồm một thiết bị đo, một ứng dụng Android dành cho người dùng thiết bị, một ứng dụng Android dành cho bác sĩ theo dõi nhiều người dùng có đăng ký.

Nói thêm về tính ứng dụng của sản phẩm, thầy Thái Duy Tùng - giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM - cho hay, sản phẩm rất hữu ích, giúp các bác sĩ có thể giám sát trực tuyến các chỉ số của bệnh nhân. Bên cạnh đó, sản phẩm còn giúp các bác sĩ gia đình theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân (suy gan, suy thận, suy tim).

Sản phẩm hỗ trợ theo dõi chỉ số sức khỏe trực tuyến tại nhà được áp dụng vào nhiều đối tượng khách hàng như: Cá nhân có nhu cầu theo dõi sức khỏe thường xuyên, các gia đình có bác sĩ gia đình điều trị và khám bệnh riêng, cơ sở y tế, các bệnh nhân suy tim, gan, thận rất cần được theo dõi các chỉ số sức khỏe SpO2, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể...

Đánh giá về sản phẩm, ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Quỹ BK Fund - cho rằng: Tính độc đáo của sản phẩm là sự kết hợp hoạt động nghiên cứu trong 2 lĩnh vực điện tử và công nghệ thông tin dựa trên nền tảng công nghệ mới IoT. Đây là thiết bị theo dõi sức khỏe giá cả cạnh tranh, dễ sử dụng. Các chỉ số được cân chỉnh, đo đạt một cách chính xác, phù hợp với đa số tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Sản phẩm không chỉ được ứng dụng trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, mà còn có tiềm năng phát triển thời gian sau này. Cụ thể, trong giai đoạn dịch Covid-19 thì khách hàng tiềm năng là những bệnh nhân đang nhiễm bệnh Covid-19 điều trị ở nhà và cán bộ y tế quản lý. Khi đại dịch kết thúc, sản phẩm sẽ thích hợp với những bệnh nhân suy tim, suy gan, suy thận, là giải pháp kết nối giữa bác sĩ gia đình với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính cần theo dõi.

Thầy Chu Ngọc Sơn chia sẻ: Robot phun sương khử khuẩn do học sinh sáng tạo nên vẫn còn thiếu độ tinh xảo của các chi tiết, động cơ và cần phải hoàn thiện rất nhiều. Tuy nhiên, đây là ý tưởng khởi nghiệp rất khả thi do tiềm năng thị trường lớn, khả năng hoàn vốn sớm, giá thành phù hợp với thị trường và các đối tượng khách hàng. Vật liệu dễ dàng tìm kiếm, thay thế, nhu cầu sử dụng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ