Ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh - động lực tạo sự thay đổi

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong tuyển sinh giúp giảm áp lực cho cả nhà trường và phụ huynh.

Trong các giờ học, giáo viên giúp học sinh khai thác tài nguyên trên mạng tại Trường THPT Trần Nhân Tông, Nam Định.
Trong các giờ học, giáo viên giúp học sinh khai thác tài nguyên trên mạng tại Trường THPT Trần Nhân Tông, Nam Định.

Tuy nhiên, khu vực miền núi, vùng kinh tế - xã hội khó khăn vẫn cần có thêm thời gian để chuyển đổi số phát huy vai trò.

Giá trị của chuyển đổi số

Mùa tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10 năm nay, nhiều địa phương đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ số trong tuyển sinh. Ghi nhận chung là đã tạo sự chuyển biến hết sức tích cực. Công tác tuyển sinh chính xác và minh bạch hơn. Điều đó tạo nhiều thuận lợi cho phụ huynh, học sinh trong đăng ký tuyển sinh, nhận kết quả, xác nhận nhập học.

Có thể thấy như tại Hà Nội, kết quả đăng ký xét tuyển đều công khai tại cổng thông tin tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội. Theo kết quả, tính đến ngày 9/7, thành phố có 149.560 hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tuyến thành công vào lớp 6, chiếm 91,47% trong tổng số 163.507 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 năm học 2023 - 2024. Cấp tiểu học có tỷ lệ hồ sơ đăng ký thành công vào lớp 1 đạt 88%. Những phụ huynh và các nhà trường đều đánh giá cao hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ đã hỗ trợ công tác tuyển sinh rất nhiều.

Còn tại TPHCM, không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký xét tuyển sinh đầu cấp, mà sẽ thí điểm áp dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) tại TP Thủ Đức, Quận 8 và quận Tân Bình. Theo đó, học sinh sẽ được học tại trường gần nơi cư trú, việc bố trí chỗ học có thể xem xét không phân theo địa giới hành chính của phường như lâu nay.

Căn cứ dữ liệu tuyển sinh của phụ huynh trên hệ thống, ban tuyển sinh các quận sẽ sắp xếp, phân bổ chỗ học cho học sinh, có thể áp dụng bản đồ GIS để tham khảo. Phòng GD&ĐT sẽ cập nhật toàn bộ kết quả lên hệ thống tuyển sinh đầu cấp và phụ huynh nộp hồ sơ nhập học cho con em mình.

Không chỉ có các đô thị lớn, năm học 2023 - 2024 lần đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Giang áp dụng tuyển sinh trực tuyến đầu cấp ở tất cả các trường. Phụ huynh và học sinh có thể sử dụng ứng dụng Zalo trên điện thoại cá nhân, tìm kiếm Zalo OA của Sở GD&ĐT, sau đó đăng ký tuyển sinh vào các lớp đầu cấp với thông tin là số Căn cước công dân hoặc mã định danh.

Triển khai tiếp nhận đăng ký tuyển sinh vào các cấp bằng nền tảng Zalo, Sở GD&ĐT đã nhận được hơn 56.592 lượt đăng ký tuyển sinh trong 22 ngày. Từ các thông tin cập nhật, Sở GD&ĐT Hà Giang đã có những tính toán và điều chỉnh để việc tuyển sinh thông suốt, hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các giờ học ở Trường THPT Hoàng Quốc Việt, Quảng Ninh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các giờ học ở Trường THPT Hoàng Quốc Việt, Quảng Ninh.

Tăng cường ứng dụng

Quảng Ninh đã đẩy mạnh sử dụng phần mềm tuyển sinh đầu cấp và mang lại hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục. Cô Vũ Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt cho biết: Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhờ ứng dụng công nghệ, thí sinh đăng ký dự tuyển, nhận kết quả thi trực tuyến, thay vì phải đến trường. Với cách làm này, các thông tin cá nhân, kết quả học tập của học sinh được tự động kết xuất từ cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT tỉnh sang phần mềm tuyển sinh, chính xác và đơn giản cho nhà trường.

Tại Nam Định, công nghệ thông tin được ứng dụng vào các khâu của kỳ thi, trong đó có công tác đăng ký dự thi và nhận kết quả thi trực tuyến, góp phần tạo thuận lợi tối đa cho học sinh, hạn chế việc nhập thông tin thủ công, giảm thiểu hồ sơ giấy và các sai sót trong quá trình nhập liệu.

Thầy giáo Lại Tiến Đẩu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân tông, huyện Nghĩa Hưng cho biết: Các trường THPT toàn tỉnh dùng chung một phần mềm tuyển sinh. Thay vì phải trực tiếp đến trường như những năm trước, năm nay các học sinh có thể xem kết quả thi trực tuyến. Những đổi thay tích cực này đã và đang tạo tâm lý thoải mái, được dư luận xã hội đánh giá cao, tránh những áp lực, căng thẳng không đáng có cho cả nhà trường và phụ huynh vào mỗi mùa tuyển sinh.

Mặc dù vậy, không phải nơi nào cũng thuận lợi. Như ở Đắk Lắk, ngay vùng ven TP Ban Mê Thuột, thầy Phạm Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn cho biết: Phần mềm tuyển sinh trực tuyến thực hiện qua cổng dịch vụ công tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh trong đăng kí tuyển sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn số ít phụ huynh, không đăng kí tuyển sinh hoặc đăng kí tuyển sinh quá thời hạn. Phần mềm tuyển sinh trực tuyến vẫn còn một số bất cập gây khó khăn khi tổ chức xét tuyển. Cơ sở vật chất, kĩ thuật của phụ huynh và học sinh chưa đáp ứng yêu cầu nên quá trình đăng kí tuyển sinh trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết: Với phương thức đăng ký trực tuyến và sử dụng cơ sở dữ liệu ngành giúp học sinh thuận tiện khi thực hiện, hạn chế tối đa việc nhập thông tin thủ công, giảm hồ sơ giấy và các sai sót trong quá trình nhập liệu. Học sinh và gia đình không phải đến trường để nộp hồ sơ như trước đây. Từ ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 THPT đã thấy tính hiệu quả cao. Đặc biệt là Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ứng dụng công nghệ thông tin đã hỗ trợ các thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến đối với học sinh lớp 12 thông qua tài khoản là số CCCD/CMND hoặc mã định danh đã tạo thuận lợi cho thí sinh giảm áp lực về tâm lý cho các em rất nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.