Nâng chất giáo dục từ chuyển đổi số

GD&TĐ - Chuyển đổi số và năng lực số là vấn đề đặt ra cho các trường phổ thông trong bối cảnh số hóa hiện hữu... 

Giờ học trong phòng máy tính và thiết bị trình chiếu ở Trường THCS Hải Sơn (Hải Hậu).
Giờ học trong phòng máy tính và thiết bị trình chiếu ở Trường THCS Hải Sơn (Hải Hậu).

Nhà trường thúc đẩy năng lực số

Trường THPT C Hải Hậu (Nam Định), đã chủ động hướng dẫn, tập huấn kỹ năng tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến, xây dựng và khai thác học liệu, tìm kiếm thông tin trên Internet, sử dụng phần mềm trình chiếu, dạy học, soạn bài giảng E-learning, soạn câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, thí nghiệm ảo, khai thác sử dụng thiết bị công nghệ… cho đội ngũ giáo viên. Tất cả hướng tới mục tiêu, giúp thầy cô đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

“Sở dĩ quyết tâm và nỗ lực trong việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ giáo viên bởi nhà trường quan điểm, thầy cô phải có kỹ năng chuyển đổi số, ứng dụng số trong dạy học, thì mới triển khai các hoạt động dạy và học hiệu quả, chất lượng…”, thầy Phạm Văn Chiểu, Hiệu trưởng trao đổi.

“Năng lực số là yếu tố không nhỏ quyết định chất lượng chuyển đổi số trong hoạt động dạy học. Chính vì vậy, Phòng GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường không ngừng nâng cao năng lực số cho giáo viên. Đây được xem như một trong những nhiệm vụ, tiêu chí quan trọng các nhà trường phải thực hiện để đảm bảo triển khai Chương trình GDPT mới hiệu quả…”, ông Nguyễn Thế Lâm cho biết.

Trưởng phòng GĐ&ĐT TP Nam Định (Nam Định), ông Nguyễn Thế Lâm cũng chia sẻ: Khi thầy cô có năng lực số tốt, biết ứng dụng công nghệ, khai thác kho tài nguyên số… sẽ góp phần làm sinh động, hấp dẫn giờ dạy; giúp quá trình triển khai xây dựng trường học thông minh hiệu quả, tạo đột phá trong đổi mới hoạt động quản lý và dạy học; hỗ trợ tương tác giữa phụ huynh và nhà trường để quản lý học tập của học sinh tại trường và ở nhà…

NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cũng khẳng định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của nhà trường tỉnh Nam Định và bắt đầu từ ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin trong hoạt động dạy - học, quản trị và quản lý Nhà nước về giáo dục. Năng lực số với thầy cô đã trở thành yếu tố tiên quyết để đảm bảo hiệu quả chuyển đổi số…

Tuy nhiên theo ông Hùng, với điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực mỗi trường khác nhau, Sở đã yêu cầu Ban giám hiệu các trường quyết tâm thực hiện thành công chuyển đổi số ở đơn vị mình theo điều kiện thực tế; phát huy tính năng động, sáng tạo trong quá trình triển khai. Để làm được điều này, các trường cần kiện toàn tổ chuyển đổi số, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong cha mẹ học sinh....

Ứng dụng công nghệ số ở giờ học Toán ở Trường THPT C Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: TG

Ứng dụng công nghệ số ở giờ học Toán ở Trường THPT C Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: TG

Chủ động thích nghi, nhập cuộc

Theo TS Lương Việt Thái, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam: Trong thế giới toàn cầu hóa với nhiều thách thức, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì vấn đề giáo dục công dân là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Các tiêu chí, chỉ số về công dân toàn cầu trong trường phổ thông Việt Nam đã được nghiên cứu, đề xuất, với nhiều nội dung liên quan đến yếu tố toàn cầu và trải nghiệm khám phá. Khi hoạt động giáo dục và một số môn học được chú trọng số hóa càng đòi hỏi giáo viên, nhà trường nhanh chóng thích nghi, nhập cuộc.

Cùng đề cập đến tổ chức dạy học trực tuyến, đánh giá kĩ năng chuyển đổi số trong các trường tiểu học Việt Nam, ThS Nguyễn Hồng Liên, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam khẳng định, đã có sự vào cuộc nhanh chóng song cần tính đến hiệu quả nhiều hơn. Bởi theo quan điểm của ThS Liên, số hóa trong dạy và học không chỉ là làm quen máy tính bảng hay học tập qua trình chiếu… mà cần có chiến lược cụ thể từ Bộ GD&ĐT, nâng cao năng lực giáo viên, tăng cường sự phối hợp với cộng đồng.

Từ thực tế hoạt động, TS Thạch Lan Anh, Trường TH, THCS & THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục cũng cho rằng, kỹ năng chuyển đổi số cho học sinh tiểu học cần đặc biệt quan tâm. Ở lứa tuổi và bậc học này, kiến thức hoàn toàn mới, học sinh làm quen với ứng dụng số vừa ham thích nhưng cũng đầy bỡ ngỡ. Như vậy, với nhà trường, việc phát triển kĩ năng số cho học sinh là chia sẻ các hoạt động giáo dục tiêu biểu liên quan đến chuyển đổi số; đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển kĩ năng số. Đây là thách thức nhưng đồng thời là giải pháp của các nhà trường trong việc thúc đẩy kĩ năng chuyển đổi số cho học sinh.

ThS Lương Đình Hải, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng chỉ ra, học sinh rất tích cực với hoạt động chuyển đổi số trong học tập. Từ sự yêu thích đó đã giúp các em sử dụng thành thạo và thường xuyên. Chuyển đổi số tác động đến học tập cũng như các hoạt động cuộc sống, sự đa dạng và mức độ tham gia học tập trực tuyến… của học sinh. Vấn đề đặt ra là, các thầy cô cần vào cuộc kịp thời để định hướng giáo dục chuyển đổi số đạt được mục đích, mong muốn là nâng cao chất lượng dạy học.

Cần tạo sự thay đổi từ chính con người, “Chuyển đổi số” không phải là số hóa tài liệu, số hóa các nội dung giáo dục mà cần ứng dụng công nghệ số để dạy học hiệu quả. Chuyển đổi số là quá trình lâu dài và có tác động trực tiếp đến tư duy, thói quen người sử dụng, bắt đầu từ việc ứng dụng những giải pháp về CNTT trong hoạt động dạy và học, công tác quản trị, quản lý Nhà nước về giáo dục. Chuyển đổi số giúp tạo ra môi trường, con người có năng lực làm việc và tương tác trong môi trường số để hoạt động dạy học, quản lý nhà trường hiệu quả… - NGƯT Cao Xuân Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ