Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là xu hướng tất yếu

GD&TĐ - Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dù không tới trường nhưng với sự hỗ trợ của điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính kết nối internet… thầy và trò trong cả nước vẫn tiếp tục việc học tập, đảm bảo kế hoạch năm học.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM được phép sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học trong một số tiết học. Ảnh NTCC
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM được phép sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học trong một số tiết học. Ảnh NTCC

Hiện nhiều trường học TP.HCM, học sinh vẫn có thể sử dụng các thiết bị nói trên để phục vụ cho việc học tập, tìm kiếm tài liệu, làm bài tập ở nhà. Nhiều phụ huynh cũng rất tin tưởng giao điện thoại thông minh, máy tính cho con em mình để thuận lợi hơn trong việc học.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM) từ 5 năm qua, trường đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, ipad trong một số tiết học trên lớp.

Song song với ứng dụng CNTT vào dạy học, nhà trường đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá như cho học sinh làm bài kiểm tra giữa kỳ trực tuyến trên máy tính. Các giáo viên cũng sử dụng phần mềm trực tuyến giao bài tập về nhà cho học sinh.

Để quản lý, trường đặt ra nội quy về sử dụng điện thoại trong giờ học. Ngoài giờ học cho phép, giáo viên phát hiện học sinh lén sử dụng điện thoại thì sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.

Chính vì vậy, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, với điểm mới quy định trong thông tư 32 ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học-học sinh được sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học nếu giáo viên cho phép đó là bước đột phá, phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay.

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhiều nhà trường đã chủ động dạy học trực tuyến. Vì thế điều chỉnh này hữu ích để phát huy những nền tảng đã có sẵn của các nhà trường trong việc ứng dụng CNTT dạy học.

Việc cho phép học sinh sử dụng smartphone hay có thể máy tính bảng, ipad trong giờ học-như vậy đây trở thành một dụng cụ học tập hữu ích, hữu dụng. Xa hơn điện thoại thông minh như “cuốn sách điện tử”.

Người học có thể truy cập, cập nhật những kiến thức mới, hơi thơi của thời đại. Giáo viên có thể tương tác, giải đáp những thắc mắc của học sinh một cách nhanh chóng. 

Một ví dụ cụ thể, khi học Khí hậu, thời tiết chẳng hạn, thay vì những lời nói, miêu tả, những minh hoạ thầy cô và SGK đưa ra, học sinh truy cập vào một clip được ghi lại hậu quả một cơn bão, sức gió… hay là những tác động của hạn hán chẳng hạn sẽ có cái nhìn trực quan, nhớ, hiểu và thậm chí là thấu hiểu sự khó khăn của người dân khi phải gánh chịu hậu quả của cơn bão, của hạn hán.

Giáo viên sẽ tận dụng những dụng cụ học tập này để chia nhóm thảo luận, thay đổi trong cách dạy học truyền thống.

Thầy Phú nhắn gửi, trước những thay đổi chúng ta nên nắm rõ tinh thần của thông tư, hiểu một cách thấu đáo về mặt tích cực để thực hiện có hiệu quả trong dạy học. Cán bộ quản lý, các nhà giáo hơn ai hết chính là những người trực tiếp cụ thể hoá tinh thần của thông tư vào trường học.

Từ chỉ đạo chung của ngành, những người làm công tác quản lý sẽ đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng ví dụ cho phép giáo viên sử dụng điện thoại thông minh trong những tiết học phù hợp, cần thiết.

Có quy định, nội quy và xử phát rõ ràng với các em học sinh nếu sử dụng điện thoại thông minh sai mục đích.

Chúng ta nên bỏ suy nghĩ, sợ không quản lý được thì… cấm. Quan trọng chính là các nhà quản lý, các giáo viên thực hiện triển khai hiệu quả và kiểm soát tốt. Đồng thời nêu cao ý thức của học sinh trong các giờ học và sử dụng điện thoại đúng mục đích.

Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang, Quận 5, TP.HCM làm bài kiểm tra giữa kỳ trực tuyến bằng các thiết bị thông minh. Ảnh minh hoạ
Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang, Quận 5, TP.HCM làm bài kiểm tra giữa kỳ trực tuyến bằng các thiết bị thông minh. Ảnh minh hoạ

Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Quận Thủ Đức) cho hay, với các học sinh THPT thì sử dụng điện thoại  thông minh, máy tính bảng trên lớp để phục vụ việc học là cần thiết. Bên cạnh là phương tiện để liên lạc với ba mẹ, giờ giấc đón, trao đổi… thì nó còn giúp các em tra cứu tài liệu nhanh, chính xác. Đơn cử như với môn tiếng Anh, học sinh có thể dùng điện thoại để tra từ điển hoặc tìm thông tin ở các môn học khác. 

Chính vì vậy, từ trước tới nay, nhà trường đã giao quyền cho giáo viên quyết định vấn đề này. Như vậy trong tiết học, nếu giáo viên quy định không sử dụng điện thoại thì học sinh sẽ không được phép. Nếu giáo viên cho phép thì giáo viên phải kiểm soát được việc sử dụng điện thoại để giúp tiết học bổ ích hơn.

Trong quá trình học sinh tạm nghỉ học để phòng dịch ở học kỳ 2 năm học vừa qua, nhà trường, học sinh không gặp khó khăn gì trong việc triển khai học trực tuyến.

Theo thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1, cho hay hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là xu hướng tất yếu và nhiều trường đã triển khai thực hiện.

Từ nhiều năm trước, nhà trường đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để triển khai một số hoạt động học tập và giáo viên hoàn toàn có thể kiểm soát vấn đề này.

Thời gian qua đã xây dựng thư viện thông minh, trang bị hệ thống hơn 60 máy tính có đường truyền internet tốc độ cao, kho sách, phòng đọc - có thể thực hiện giảng dạy. 

Không chỉ đơn thuần đến đọc sách, tìm sách mà các em còn được học trên thư viện, được sử dụng trang thiết bị, các phần mềm học thuật hiện đại của các nước phát triển, điển hình như Zpace. Đặc biệt, học sinh có thể khai thác tài nguyên thư viện tại nhà bằng việc truy cập vào website với một mã tài khoản riêng.

Ngoài ra, tài nguyên trong thư viện cũng là điều kiện để giáo viên ứng dụng phương pháp giảng dạy mới và soạn giảng mới giúp nâng cao chất lượng giáo dục.

Đây còn là nơi giáo viên cập nhật bài giảng lên thư viện điện tử. Thầy và trò có thể tương tác bài học ngay trên thư viện điện tử, đặc biệt là các môn như Toán, tiếng Anh, Công nghệ, Khoa học… Giúp trò có thể học mọi lúc mọi nơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ