Trường nghề và doanh nghiệp: Cần thêm cơ chế gắn kết

GD&TĐ - Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời đại 4.0, không chỉ có giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mà đây đồng thời cần có sự tham gia của cả xã hội. Trong đó, đặc biệt là mối liên hệ gắn kết doanh nghiệp và nhà trường. Thúc đẩy mối quan hệ này, các trường đang rất cần những hanh lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo nhân lực.

Thực hành kỹ thuật tại Trường Cao đẳng công nghiệp Bắc Ninh
Thực hành kỹ thuật tại Trường Cao đẳng công nghiệp Bắc Ninh

Doanh nghiệp tham gia đào tạo

Mô hình đào tạo giáo dục nghề nghiệp theo mô hình “đào tạo nghề kép” được thực hiện bởi Trường Cao đẳng Viglacera, với sự phối hợp tham gia của các doanh nghiệp (DN) đã và đang cho thấy sự phù hợp và trở thành xu hướng tất yếu sau khi Luật GDNN có hiệu lực.

Theo đó, giảng viên nhà trường phối hợp cùng cán bộ kỹ thuật Công ty Sứ Viglacera Bình Dương trao đổi thông tin và thống nhất nội dung chương trình đào tạo tại hiện trường sản xuất; Kiểm tra chặt chẽ, sâu sát chất lượng của sinh viên, thực hiện phương pháp đánh giá từ bên ngoài, từ góc độ là người sử dụng lao động, kết hợp với đánh giá bên trong là nhà trường.

Với mô hình đào tạo này, người lao động sau khi được đào tạo đã có thể bắt tay ngay vào công việc mà hầu như không còn bỡ ngỡ với tất cả những công đoạn sản xuất cũng như những kỹ năng làm việc thực tế.

Gắn kết DN hợp tác với cơ sở GDNN là một yếu tố quyết định đến chất lượng lao động sau khi tốt nghiệp. Nguồn lao động chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo và gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp. Với sự phát triển trong tiếp xúc với doanh nghiệp gần đây của các cơ sở GDNN, nhận thức và chuyển động của nhà trường đã xác định việc hợp tác gắn bó với doanh nghiệp là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo nghề nghiệp tại cơ sở. Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi.

Chính sách chưa được cụ thể hóa

Đối với mô hình gắn kết đào tạo với doanh nghiệp của Trường Cao đẳng Viglacera hiện nay mới chỉ là một điểm sáng. Để mô hình đào tạo này có thể được mở rộng đến các cơ sở đào tạo, các ngành nghề khác, đang cần thêm những cơ chế chính sách để gắn kết doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Thầy Trần Ngọc Tính, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Viglacera cho biết: Hiện nay, các văn bản quy định vấn đề gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường chưa được cụ thể hóa, cũng như doanh nghiệp còn nặng tư tưởng sản xuất kinh doanh là quan trọng hơn, hoạt động đào tạo DN không có nghĩa vụ, chức năng, không nhất thiết phải tham gia, DN vẫn sẵn sàng tuyển dụng và thực hiện đào tạo lại.

Theo khảo sát thông tin từ một số doanh nghiệp, thực tế các khoản chi phí mà DN dùng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực đều được tính vào chi phí của DN, như vậy, DN sẽ có xu hướng tiết kiệm chi phí, hạn chế đào tạo.

Một trong những giải pháp cụ thể mà thầy Tính đưa ra trong vấn đề đổi mới quản lý Nhà nước để khuyến khích nhà trường gắn kết với doanh nghiệp là: Đầu tiên cần đổi mới và tăng cường công tác quản lý Nhà nước để định hướng, khuyến khích và hỗ trợ sự gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp; Cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa nhà trường và DN. Tăng quyền tự chủ cho nhà trường, chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi tài chính,...; Khuyến khích cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo để tăng động lực phát triển giữa các trường về chất lượng sản phẩm đào tạo, uy tín cũng như hình ảnh, thương hiệu của cơ sở GDNN.

Theo thầy Trần Ngọc Tính, quản lý Nhà nước chưa có những cơ chế, chính sách cụ thể để ràng buộc, thúc đẩy và khuyến khích DN tham gia hoạt động GDNN, sự phối hợp giữa các Bộ ngành cùng đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN đồng thời giám sát và quản lý chất lượng GDNN khi DN và nhà trường cùng tổ chức đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.