Ứng dụng CNTT trong dạy học: Thay đổi tư duy cũ

GD&TĐ - Giáo án điện tử đã trở nên khá phổ biến đối với giáo viên tại Nghệ An. Tuy nhiên trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, mỗi thầy cô giáo cần nỗ lực, chịu khó sáng tạo, trăn trở và đam mê, để giáo án điện tử không nằm trên máy, mà đến được với từng học sinh một cách sinh động, phù hợp.

Cô trò Trường THCS Đội Cung trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: T.G
Cô trò Trường THCS Đội Cung trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: T.G

Thay đổi trong từng tiết dạy

Tiết dạy môn Lịch sử của cô Lê Thị Hạnh (Trường THPT Anh Sơn 2, huyện Anh Sơn, Nghệ An) tại lớp 12D được HS theo dõi chăm chú, sôi nổi. Giáo viên không giảng giải nhiều, thay vào đó là giới thiệu những hình ảnh, nhân vật lịch sử hoặc các đoạn clip liên quan đến bài học trên máy chiếu. Cùng với âm thanh, hình ảnh là các lời bình, chú thích ngắn gọn bên cạnh. Cô Hạnh chỉ tập trung nêu lên và giảng vấn đề quan trọng. Cô cho HS phát biểu ý kiến và tổng hợp lại để các em ghi nhớ kiến thức, có sự so sánh với bài học trước trong tiến trình lịch sử.

“HS rất thích học các bài giảng như thế này vì trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, hình ảnh trực quan, nhiều câu chuyện thú vị. Về phía giáo viên cũng tận dụng được thời gian hơn, để trong 45 phút có thể cung cấp cho các em đầy đủ, sinh động kiến thức bài học. Nếu như giảng “suông” như trước kia, nhiều tiết cô bị “cháy giáo án”. Nhưng đổi lại, để soạn được một bài giảng điện tử thì thời gian chuẩn bị của cô vất vả và công phu hơn, cô Lê Thị Hạnh chia sẻ.

Tại Trường THPT Anh Sơn 2, qua hơn 10 năm triển khai đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy, từ chỗ giáo án điện tử chỉ ứng dụng ở các môn Ngoại ngữ, Tin học thì hiện nay phần lớn các môn học đều đã áp dụng phương pháp giảng dạy này. Đặc biệt, những môn học được xem như khó để dạy hay trước kia như: Lịch sử, Giáo dục công dân, Toán, Vật lý… cũng đã được các thầy, cô tạo thành những giờ học hứng thú.

Thầy Nguyễn Kim Hiếu – giáo viên Trường THCS Đội Cung (huyện Đô Lương, Nghệ An) là một trong những người đi đầu sử dụng giáo án điện tử, khẳng định: Môn học nào cũng phải đổi mới. Với môn Toán, việc sử dụng kiến thức của Tin học, các phần mềm vẽ hình để soạn giáo án có tác dụng rất tích cực trong dạy học. Nhất là dạy những bài toán liên quan đến hình học động, đến chuyển động của 2 vật thể…

Ví dụ như bài học về sự tương giao giữa đường thẳng với đường tròn ta có thể vận dụng hình ảnh mặt trời nhô lên khỏi mặt biển. Xem mặt biển là một đường thẳng và mặt trời là một đường tròn từ khi nó tiếp xúc đến lúc rời xa nhau. Hay như vẽ bài toán liên quan đến đo khoảng cách để khẳng định một tính chất toán học nào đó, thì sử dụng hình ảnh động trong dạy học rất tuyệt vời, giúp học sinh dễ hình dung, học một cách hứng thú không gò bó, khô khan.

Đối với phần Đại số, nhiều khi giảng một phương trình rất khó, nhưng dùng kỹ thuật không gian để thấy được sự tương giao của 2 đồ thị, học sinh sẽ thấy được ngay phương trình có nghiệm hay không có nghiệm. Vừa tiết kiệm được thời gian, công sức để vẽ một hình ảnh lên bảng, vừa chính xác, thậm chí đỡ phần độc hại cho thầy và trò.

Giờ học Lịch sử tại Trường THPT Anh Sơn 2. Ảnh: T.G
Giờ học Lịch sử tại Trường THPT Anh Sơn 2. Ảnh: T.G 

Cần nỗ lực, đam mê của giáo viên

Cũng theo thầy Nguyễn Kim Hiếu, bản thân thầy được đào tạo ngành Toán - Tin nên có lợi thế hơn một số đồng nghiệp trong thao tác máy tính, tuy nhiên, thực tế dạy học luôn cần sự sáng tạo. Trên máy tính có một số phần mềm chung để giáo viên làm slide trình chiếu; nhưng mỗi bài cần có mỗi sự sáng tạo thiết kế riêng cho phù hợp: Dạy cái gì, vận dụng hình ảnh nào cho sinh động, dễ hiểu, và tùy vào từng HS, từng lớp học... Làm được điều này thì bản thân phải tìm tòi, cố gắng nỗ lực, vừa dạy và vừa học. Nhất là khi kiến thức của học sinh ngày càng phong phú, nhiều học trò “thông minh hơn thầy”.

Thầy Nguyễn Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường THCS Đội Cung (huyện Đô Lương, Nghệ An) cho hay: “Trước yêu cầu của đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết số 29 thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học luôn được nhà trường chú trọng. Đây không chỉ là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu, mà là nhu cầu bức thiết của trường học, của giáo viên. Làm được điều này, đầu tiên là cán bộ giáo viên phải nỗ lực học hỏi, tránh tư tưởng bao cấp, ỷ lại sau khi đã được vào biên chế.

Về phía nhà trường, đầu năm học chúng tôi tổ chức khảo sát, cho giáo viên thực hành luôn trên máy tính, không đánh giá dựa vào bằng cấp hay chứng chỉ. Qua đó, tác động đến tinh thần tự đổi mới, giáo viên ngày càng sử dụng giáo án điện tử thành thạo hơn. Nhưng thực tế cơ sở vật chất nhà trường còn gặp hạn chế. Toàn trường chỉ có 2 máy chiếu, 2 phòng Tin, trong khi có nhiều môn học cần đến phòng có máy chiếu như: Tiếng Anh, Địa lý, Lịch sử… Vì vậy, hiệu quả sử dụng chưa được như mong muốn”.

Trên toàn tỉnh Nghệ An, việc sử dụng giáo án điện tử cũng đã được nhiều trường học áp dụng. Quá trình triển khai cũng khẳng định, việc dạy và học theo giáo án điện tử là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng dạy - học. Những năm trước, ngành Giáo dục Nghệ An cũng tổ chức chấm các bài giảng điện tử như một hình thức để đánh giá năng lực giáo viên, đánh giá được chất lượng của các nhà trường trong thực hiện đổi mới giáo dục.

Một số trường ở vùng thuận lợi đang hướng tới mô hình “trường học thông minh” theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, hiện Nghệ An chỉ mới 31,2% giáo viên tiểu học, 69,1% giáo viên THCS có chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản thì việc triển khai đại trà, thường xuyên đang còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều trường học điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nên việc tiếp cận các bài giảng điện tử vẫn còn hạn chế. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa ICBM Hwasong 15 của Triều Tiên.

Báo Mỹ viết về bóng ma hạt nhân

GD&TĐ - Theo Wall Street Journal, căng thẳng toàn cầu gây lo ngại lớn nhất về bóng ma hạt nhân kể từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Minh họa/INT

Chốt mục tiêu tấn công

GD&TĐ - Khu vực Trung Đông vẫn chưa hết thấp thỏm về màn trả đũa của Israel nhằm vào Iran trong khi Tel Aviv tuyên bố đã chốt mục tiêu.

Các trường đại học Australia mất đi sức hút trên thị trường quốc tế.

Đại học Australia tụt hạng

GD&TĐ - Giáo dục đại học Australia có nguy cơ giảm cạnh tranh vì gần một nửa ngành học nước này tụt hạng trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới năm 2025.