AI đã để lại nhiều "dấu ấn" đối với nền y tế thế giới cũng như Việt Nam.
Cánh cửa rộng
Việt Nam đang từng bước áp dụng AI vào hệ thống y tế trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức về cơ sở hạ tầng và nhân lực. Một số bệnh viện lớn và trung tâm nghiên cứu đã tiên phong trong việc sử dụng AI để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và cải thiện quy trình quản lý bệnh nhân.
Các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện K… đã sử dụng các hệ thống AI trong việc phân tích hình ảnh y khoa và hỗ trợ chẩn đoán. Hệ thống này giúp bác sĩ phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư, tim mạch, cũng như những bệnh lý thần kinh thông qua phân tích dữ liệu từ các hình ảnh X-quang, CT scan, MRI.
Ngoài ra, trong điều trị, nhiều bệnh viện như: Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã triển khai sử dụng phần mềm IBM Watson for Oncology. Qua đó, giúp chẩn đoán, điều trị cho các bệnh nhân ung thư và đạt được những kết quả tốt.
Ngoài ra, AI cũng được áp dụng trong việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử và tối ưu hóa quy trình chăm sóc bệnh nhân. Các hệ thống AI có thể giúp dự đoán nhu cầu sử dụng giường bệnh, quản lý thuốc men, điều phối lịch khám chữa bệnh. Từ đó, giúp bệnh viện hoạt động hiệu quả hơn.
Một số nghiên cứu AI nổi bật ở Việt Nam là việc sử dụng để phân tích dữ liệu dịch tễ học và dự đoán sự lây lan của các dịch bệnh như sốt xuất huyết, viêm phổi và Covid-19. Hệ thống AI có khả năng thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như bệnh viện, phòng khám và cộng đồng. Từ đó, nhằm đưa ra các dự đoán về sự bùng phát của dịch bệnh, giúp chính phủ và cơ quan y tế có những biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia vào các dự án quốc tế về phát triển vắc-xin cũng như thuốc điều trị Covid-19. Trong đó, AI đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng và tối ưu hóa quy trình phát triển dược phẩm.
TS.BS Nguyễn Đình Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế nhận định, AI đã đang và sẽ tiếp tục cách mạng hóa ngành y tế, mang lại những thay đổi sâu sắc trong việc chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân. Từ việc cá nhân hóa liệu pháp điều trị, phát triển dược phẩm, đến cải thiện quản lý bệnh viện, AI đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành y tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, để AI thực sự phát huy được tiềm năng của mình trong y tế, cần phải giải quyết các thách thức liên quan đến bảo mật dữ liệu, tính minh bạch, và trách nhiệm pháp lý. Đồng thời, các hệ thống y tế cũng cần phải đầu tư vào việc nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực, nhằm đảm bảo rằng AI có thể được triển khai một cách hiệu quả và bền vững.
Cuối cùng, AI sẽ không thay thế hoàn toàn vai trò của bác sĩ và chuyên gia y tế. Song, AI sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị. Từ đó, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân.
Loại dần sai sót trong y khoa
Thực tế, ứng dụng AI trong việc khám, chữa bệnh đang là xu thế chung của toàn thế giới. Theo kết quả từ một nghiên cứu do Microsoft thực hiện, ngành chăm sóc sức khỏe đang sử dụng AI để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân và giảm bớt gánh nặng hành chính trên diện rộng. Trong đó, có 79% các tổ chức chăm sóc sức khỏe báo cáo đã áp dụng công nghệ AI ở một số khía cạnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, rất nhiều công nghệ mới đã được đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực y tế thế giới. Trong đó, bao gồm chiếc giường mát xa tự động tích hợp AI để chăm sóc cơ thể, được tùy chỉnh cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng cá nhân.
Cũng trong năm 2024, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) đã sử dụng AI để phát triển một công cụ có khả năng dự đoán liệu những người có dấu hiệu sớm của chứng mất trí có thể mắc bệnh Alzheimer hay không. Alzheimer chiếm khoảng 60 - 80% các trường hợp mất trí nhớ. Vì lý do này, việc phát hiện sớm là rất quan trọng. Bởi, các phương pháp điều trị được bắt đầu ở giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer có khả năng hiệu quả nhất.
Ông Pranav Rajpurkar, Phó giáo sư Tin - Sinh học tại Trường Y Harvard và đồng sáng lập a2z Radiology AI (nơi phát triển mô hình AI cho chụp cắt lớp vùng bụng và vùng chậu) tin rằng, một ngày nào đó tỷ lệ sai sót y khoa có thể bị loại bỏ hoàn toàn nhờ AI. Ông chia sẻ: “Tôi tin rằng với AI, có thể có một thế giới mà chúng ta không mắc sai lầm y khoa và không bỏ sót bệnh tật nào".
Tuy nhiên, ông Pranav Rajpurkar cảnh báo, dù AI đã giúp phát hiện sớm hơn một số bệnh lý nhạy cảm với thời gian, nó vẫn chưa “giúp mọi người làm việc nhanh hơn”. Mục tiêu nghiên cứu của ông là phát triển các mô hình AI y khoa “tổng quát” - có thể thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ mà bác sĩ làm khi đọc và phân tích hình ảnh y khoa.
Hiện tại, AI đã có thể phát hiện các nốt bất thường trong phổi từ phim chụp X-quang ngực hoặc các tổn thương trên phim chụp nhũ ảnh. Song, ông Rajpurkar cho biết, một chuyên gia vẫn phải thực hiện 200 đến 400 nhiệm vụ khác trong quá trình chẩn đoán. Hiện, chưa có thuật toán nào có thể làm được hết những việc đó.
“Giá trị về mặt hiệu quả mà AI mang lại là điều mà chúng ta vẫn chưa hoàn toàn đạt được. Tuy nhiên, tôi tin rằng, chúng ta sắp đạt được điều này nhờ những tiến bộ công nghệ sắp tới,” ông nói.
Không thể thay thế con người
Theo các chuyên gia, ý tưởng về một AI có tri giác và tự nhận thức có khả năng tự cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe vẫn chỉ là khoa học viễn tưởng. Mặc dù các ứng dụng AI hiện tại trong chăm sóc sức khỏe có thể giúp cải thiện hiệu quả lâm sàng, thúc đẩy nỗ lực nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật chính xác, nhưng chúng là những công cụ được thiết kế để nâng cao công việc của con người.
“Với AI, chúng không thay thế trí thông minh của con người. Chúng thay thế những giờ làm thêm trên máy tính của con người”, ông Jason Warrelmann, Phó Chủ tịch ngành chăm sóc sức khỏe tại Công ty phần mềm UiPath cho biết.
Dữ liệu cho thấy, việc sử dụng AI trong chăm sóc sức khỏe sẽ được mở rộng đáng kể trong thập kỷ tới. Các nhà nghiên cứu dự đoán, AI sẽ tăng trưởng từ giá trị thị trường toàn cầu gần 27 tỷ USD vào năm 2024 lên hơn 613 tỷ USD vào năm 2034.
Ông Warrelmann dự đoán, AI sẽ giúp thúc đẩy giáo dục y khoa và đào tạo chuyên khoa. "Tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ thấy sinh viên y khoa được cấp chứng chỉ sớm hơn. Đồng thời, sẽ có các công cụ để làm việc hiệu quả hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe", ông nhận định.
Trong khi đó, ông Chris Darland - Tổng Giám đốc điều hành công ty chăm sóc sức khoẻ Peerbridge Health dự đoán, các ứng dụng AI có thể được sử dụng để tăng cường bảo mật dữ liệu bệnh nhân. "Để đào tạo các mô hình AI này và phát hiện các mẫu, chúng cần rất nhiều dữ liệu trên nền tảng đám mây và có những câu hỏi về cách chúng ta quản lý an toàn. Tôi tin rằng, AI sẽ khắc phục được điều đó".
Cả ông Darland và Warrelmann đều nhấn mạnh rằng, các hệ thống hỗ trợ AI được thiết kế để giảm bớt gánh nặng hành chính của bác sĩ lâm sàng. Những hệ thống hỗ trợ này sẽ có tác động lớn nhất đến chăm sóc sức khỏe trong tương lai gần.
Ông Darland giải thích, việc dành ít thời gian hơn cho quá trình lập hồ sơ và gửi mã thanh toán có thể giúp hạn chế tình trạng kiệt sức ở nhân viên y tế. "Tôi nghĩ rằng, việc giữ cho các bác sĩ luôn bận rộn và hứng thú với công việc của họ và giảm bớt gánh nặng công việc chân tay cho y tá sẽ có tác động lớn", ông Darla chia sẻ.
Trong khi đó, theo Warrelmann, nếu dân chủ hóa AI và làm cho các hệ thống thông minh hơn, trải nghiệm của bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ sẽ được cải thiện.
Giới chuyên gia nhận định, khi những tiến bộ của AI tiếp tục định hình lại thế giới, năm 2025 hứa hẹn sẽ mang lại những đột phá lớn hơn nữa, mở rộng ranh giới của công nghệ và vai trò của nó trong cuộc sống hằng ngày của con người.