Đây là nhận định đầy lạc quan của ông Terence English - bác sĩ phẫu thuật người Anh đã thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên tại Anh cách đây 40 năm.
Nguồn cung nội tạng phục vụ phẫu thuật cấy ghép đặc biệt khan hiếm trên toàn thế giới. Do đó, lâu nay, các nhà nghiên cứu và giới bác sĩ hy vọng thách thức này sẽ được giải tỏa nếu có thể sử dụng nội tạng của động vật để cấy ghép cho người, tức là tiến hành cấy ghép dị chủng.
Trên thực tế, lợn được coi là "ứng cử viên tiềm năng" cung cấp các bộ phận cấy ghép cho người, bởi loài động vật này có những đặc điểm kích thước và chức năng sinh lý gần giống với người.
Theo bác sĩ English, dự kiến, trong năm nay, nhóm của ông sẽ tiến hành ca phẫu thuật đầu tiên trên thế giới cấy ghép thận của lợn cho người. Bác sĩ English nêu rõ nếu kết quả cuộc cấy ghép này thành công, giới khoa học hoàn toàn có thể tiến tới dùng tim lợn cấy ghép cho người trong vài năm tới, và cấy ghép dị chủng có thể là hướng đi giúp dòng dài người đang mòn mỏi chờ các bộ phận cấy ghép hiến tặng.
Trước đó, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế bao gồm các nhà khoa học Anh phát hiện việc đưa một mảnh nhỏ phân tử di truyền microRNA-199 vào tim từng bị tổn thương sẽ giúp các tế bào tim phục hồi. Nghiên cứu được thực hiện với tim lợn mắc chứng nhồi máu cơ tim và kết quả nghiên cứu cho thấy chức năng tim của lợn hoàn toàn bình phục sau 1 tháng.
Tác giả nghiên cứu trên, Giáo sư Mauro Giacca thuộc trường King"s College ở London cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên tìm ra cách thức phục hồi chức năng tim ở một loài động vật cỡ lớn sau khi các phương pháp điều trị bằng tế bào gốc đều thất bại.
Theo Giáo sư Giacca, phát hiện này tạo tiền đề cho các nghiên cứu phương pháp phục hồi chức năng tim bằng một loại thuốc di truyền, góp phần đẩy mạnh việc khôi phục chức năng ở những loài động vật lớn có cấu trúc tim và sinh lý học giống với người.
Tuy nhiên, Giáo sư Giacca cho rằng cần thêm thời gian để nghiên cứu trước khi có thể thử nghiệm lâm sàng.