Ánh sáng từ quasar có khả năng làm lu mờ tất cả các ngôi sao trong thiên hà. Quasar vẫn luôn là đối tượng thiên văn bí ẩn, tuy nhiên các nhà khoa học đã tập hợp được những sự kiện mới liên quan đến bản chất của quasar. Hóa ra, quasar có thể biến đổi màu sắc!
Khi quan sát qua kính viễn vọng quang học, các nhà thiên văn học thấy rằng phần lớn các quasar có sắc xanh da trời. Số còn lại có màu đỏ do sự xuất hiện của bụi vũ trụ. Các nhà thiên văn học đặt câu hỏi về sự khác biệt về màu sắc này.
Các quasar có thể xoay khiến cho phần lớn ánh sáng đi qua đám mây bụi vũ trụ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy màu sắc của quasar là kết quả tiến hóa của chúng, chứ không phải là định hướng trong không gian. Các nhà thiên văn học đã tập hợp dữ liệu về 10.000 quasar đỏ và xanh, xuất hiện từ 7 - 11 tỷ năm trước. Họ khẳng định, sự định hướng trong không gian của những quasar này không có ý nghĩa gì đối với màu sắc của chúng.
Theo các nhà khoa học, tất cả các quasar đỏ phải trở thành quasar xanh. Hoạt động của siêu lỗ đen khiến dòng năng lượng lớn “chảy ra” thiên hà và kết thúc bằng sự phát tán các đám mây bụi. Sau khi loại bỏ bụi, quasar có màu xanh.
“Cho đến nay, sự phát triển của quasar là một bí mật. Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các quasar trải qua giai đoạn chuyển tiếp ngắn ngủi, thay đổi màu sắc từ đỏ sang xanh da trời khi nhô ra khỏi bức màn khí và bụi bao quanh. Chúng tôi cho rằng, đây là bước chuyển hiếm gặp nhưng quan trọng trong sự tiến hóa các quasar” – bà Lizelke Klindt ở ĐH Durham (Anh), tác giả chính của công trình nghiên cứu, cho biết như vậy.
Sự thay đổi màu sắc không chỉ là đặc điểm của thiên hà, mà còn kéo theo những hậu quả quan trọng. Gió sao (dòng vật chất) từ lỗ đen sưởi ấm và phát tán khí liên sao, giúp hình thành các ngôi sao mới. Điều đáng chú ý là những ngôi sao màu đỏ tồn tại lâu hơn những ngôi sao màu xanh, do vậy cùng với thời gian thiên hà sẽ quay trở về với màu sắc ban đầu.