Ukraine nhận "mưa" tiền Bitcoin, Ethereum từ quyên góp

GD&TĐ - Ukraine đã nhận được các khoản quyên góp bằng tiền điện tử như đồng Bitcoin hay Ethereum có giá trị lên tới hàng chục triệu USD kể từ khi xảy ra xung đột với Nga.

Cụ thể, kể từ khi chiến sự xảy ra hôm 24/2 đã có hơn 102.000 khoản quyên góp tiền điện tử, với tổng trị giá 54,7 triệu USD được chuyển cho chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky, theo báo cáo mới nhất từ Công ty phân tích blockchain Elliptic.

Các khoản quyên góp khổng lồ kể trên, bao gồm 18,2 triệu USD giá trị Ethereum, 17,2 triệu USD giá trị đồng Bitcoin, 9,5 triệu USD trong hỗn hợp Stablecoin. Đặc biệt còn có khoản quyên góp 5,8 triệu USD từ Gavin Wood - người sáng lập ra một loại tiền điện tử vẫn chưa được biết đến rộng rãi có tên gọi Polkadot.

Hầu hết các khoản quyên góp cho Ukraine là bằng đồng Bitcoin và Ether.

Hầu hết các khoản quyên góp cho Ukraine là bằng đồng Bitcoin và Ether.

Có nhiều cách để quyên góp tiền điện tử ủng hộ cho chính phủ, nhân dân và lực lượng vũ trang Ukraine như việc kraineDAO tổ chức bán đấu giá lá cờ Ukraine và bán được với giá 6,5 triệu USD giá trị Ethereum.

Công ty Elliptic còn nói rằng, thông qua việc kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội, chính phủ Ukraine cũng đã trực tiếp nhận được số tiền điện tử trị giá 46,7 triệu USD. Số tiền trên bao gồm trị giá đồng Bitcoin, Ethereum, Tron, Polkadot, Dogecoin và Solana từ 96.000 khoản quyên góp.

"Tiền điện tử đặc biệt phù hợp với hoạt động gây quỹ quốc tế vì nó không có ranh giới quốc gia và có khả năng chống kiểm duyệt" - ông Tom Robinson, nhà khoa học trưởng của Elliptic, công ty chuyên bán công cụ phân tích blockchain cho các ngân hàng và nền tảng tiền điện tử, cho biết: "Không đâu có thể chặn được các giao dịch tiền điện tử, kể cả để đáp trả lệnh trừng phạt".

Các nhà đầu tư nói chung đang xem Bitcoin và các loại tiền điện tử khác là một nơi tốt để lưu trữ lại tài sản.

Chuyên gia Kyle Waters của Coin Metrics, cho biết dữ liệu giao dịch tiền điện tử xác nhận rằng các sự kiện địa chính trị gần đây đã làm tăng nhu cầu về tiền điện tử “nói chung”, có thể được chuyển đến bất cứ đâu và không cần bên thứ ba.

“Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai, và chắc chắn có thể bao gồm cả những công dân Nga và Ukraine đang cố gắng thoát khỏi tình trạng đồng nội tệ mất giá", ông Waters nhấn mạnh.

Nhưng ngay cả khi mở ra những cách thức mới để kiếm tiền cho một quốc gia đang có xung đột, con số này cũng chẳng đáng là gì so với dòng tiền chảy vào các nước đồng minh như Mỹ.

Những ngày qua Mỹ luôn thể hiện sự sát cánh cùng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Ngoài khoản viện trợ quân sự 350 triệu USD, chính quyền Tổng thống Binden đang yêu cầu Quốc hội Mỹ viện trợ khẩn cấp 10 tỷ USD cho các hoạt động nhân đạo, an ninh, kinh tế ở Ukraine và các đối tác trung tâm châu Âu.

Trong khi đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã cam kết viện trợ nhân đạo thêm 54 triệu USD nữa cho Kiev.

Theo CNBC, Business Today

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ