TEXAS (Mỹ): “Thủ đô” tiền điện tử toàn cầu

GD&TĐ - Lệnh cấm khai thác tiền điện tử của Chính phủ Trung Quốc đã buộc những người đầu tư vào bitcoin phải bỏ trốn ra nước ngoài.

TEXAS (Mỹ): “Thủ đô” tiền điện tử toàn cầu

Nhiều người đang tìm đến Texas, nơi nhanh chóng trở thành “thủ đô tiền điện tử toàn cầu” mới. 

Cuộc di dân hoành tráng

Bitcoin là tiền kỹ thuật số vô hình, nó chỉ tồn tại và được trao đổi mua bán trên mạng. Chúng được tạo nên khi một máy tính “đào” ra tiền bằng cách giải quyết một loạt các bài toán. Đó là cách các thợ đào bitcoin (bitcoin miners) vận hành các máy tính để kiếm tiền.

Nhưng hoạt động này cũng tốn nhiều năng lượng. Là một dạng tiền mới vượt qua ranh giới quốc gia, nên tiềm ẩn nhiều bối rối và nguy cơ vi phạm luật pháp địa phương, vì vậy hai yếu tố được các doanh nhân bitcoin coi trọng là điện giá rẻ và môi trường pháp lý thoải mái.

Khi Trung Quốc vừa công bố lệnh cấm, ông Kevin Pan, Giám đốc điều hành Công ty tiền ảo Poolin đã bay ngay ra nước ngoài vào ngày hôm sau. “Chúng tôi quyết định ra đi mãi mãi và không bao giờ quay lại Trung Quốc nữa” - Pan nói với truyền thông.

Có trụ sở chính đặt tại Hồng Kông, Poolin là công ty khai thác bitcoin lớn thứ hai thế giới. Hầu hết hoạt động của nó được tiến hành tại Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là quê hương của 70% lượng điện tiêu thụ (power) của hoạt động khai thác bitcoin toàn cầu, ít nhất là cho đến khi quyết định chống tiền điện tử của chính phủ khiến giá bitcoin đi xuống và những người khai thác nó không kịp trở tay. Hậu quả là “những người tị nạn bitcoin” (bitcoin refugees) của Trung Quốc phải vất vả tìm quê mới, tại nước láng giềng Kazakhstan, Nga hay Bắc Mỹ.

“Đối với những người khai thác bitcoin, thời gian là tiền bạc. Chúng tôi phải tìm nhanh một địa điểm mới cho các máy đào mỏ (bitcoin mining machine), ông Alejandro De La Torres, Phó Chủ tịch Poolin nói - Vì mỗi phút máy không hoạt động tiền sẽ không vào”.

Trong cái gọi là “Cuộc di cư khai thác vĩ đại”, ban giám đốc Poolin thuộc số rất nhiều thợ đào bitcoin hạ cánh xuống một nơi từng nổi tiếng là “Miền Tây hoang dã” của nước Mỹ. Đó là thủ phủ Austin của bang Texas.

“Quê hương” mới của bitcoin

TEXAS (Mỹ): “Thủ đô” tiền điện tử toàn cầu ảnh 1

Đối với Pan, Texas tạo ấn tượng tốt giống như nhà mình. Vài ngày sau khi đến, ông được tặng một khẩu súng trường AR-15 và hy vọng sẽ sớm dùng nó săn heo rừng từ trực thăng! Trong khi các trường bắn và các quán thịt nướng ở Texas là nơi được ưa thích và thân thiện, thì việc pháp luật tiểu bang bảo vệ cho các hoạt động kinh doanh lại là điểm quan tâm chính của những người khai thác bitcoin.

Texas có điện giá rẻ và môi trường pháp lý thoải mái. Ông De La Torre nói: “Những khó khăn chúng tôi gặp ở Trung Quốc sẽ không gặp ở Mỹ”. Thống đốc Texas Greg Abbott thuộc số người ủng hộ mạnh mẽ tiền điện tử.

“Texas sẽ lãnh đạo tiền điện tử” – ông viết trên twitter vào tháng 6 vừa qua, tháng mà “Lone Star” trở thành bang thứ hai của Mỹ sau Wyoming công nhận blockchain và tiền điện tử trong luật thương mại của bang, mở đường cho các doanh nghiệp tiền điện tử hoạt động thoải mái.

Tận dụng cơ hội và an toàn, nhiều công ty bitcoin của Trung Quốc đã tìm đến Texas. Cụ thể, Công ty BIT Mining có trụ sở tại Thâm Quyến lên kế hoạch đầu tư 26 triệu USD xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Texas.

Trong khi Bitmain có trụ sở tại Bắc Kinh mở rộng cơ sở tại Rockdale (Texas), thị trấn nhỏ với khoảng 5.600 dân và hiện nổi danh là “trung tâm khai thác bitcoin toàn cầu mới”.

Theo De La Torre, đồng bitcoin và người dân Texas chia sẻ các giá trị giống nhau. “Chính quyền và những người khai thác bitcoin cùng nhìn chung hướng. Người dân Texas rất coi trọng quyền tự do và quyền cá nhân; giới kinh doanh bitcoin cũng vậy”.

Nhiều chuyên viên tin rằng việc quản lý bitcoin của Trung Quốc có mục đích chính là kiểm soát chặt chẽ hơn các thị trường tài chính, nhưng lại có lợi cho nước Mỹ.

Giáo sư Kevin Desouza, giảng dạy kinh doanh tại Đại học Công nghệ Queensland và chuyên nghiên cứu chính sách tiền tệ kỹ thuật số của Trung Quốc, nhận định: “Làn sóng di cư của những người khai mỏ bitcoin từ Trung Quốc sẽ giúp đưa nhân tài đến Mỹ. Đổi lại, các thợ đào bitcoin được tiếp cận một cộng đồng phát triển, sáng tạo và nguồn vốn đa dạng hơn”.

Tiềm ẩn những nguy cơ

Tuy nhiên cũng có rủi ro về năng lượng và chính trị trước làn sóng di dân. Ngoài môi trường pháp lý ổn định, ngành công nghiệp khai mỏ bitcoin đói năng lượng rất cần điện giá rẻ, và Texas là nơi có một số giá năng lượng rẻ nhất thế giới.

Người dùng điện có nhiều nhà cung cấp để lựa chọn hơn, nên giá điện phải giảm nếu muốn cạnh tranh. Thậm chí, trong thời gian cao điểm dùng điện, các “trang trại” khai thác bitcoin có thể bán lại nguồn điện chưa sử dụng cho mạng lưới điện của bang.

Ông De La Torre nhận định: “Dù El Salvador có kế hoạch trở thành quốc gia đầu tiên dùng bitcoin làm tiền tệ quốc gia, nhưng những người khai thác bitcoin lại thích Texas hơn vì cơ sở hạ tầng điện phát triển tốt”.

Tuy nhiên một số nhà phân tích cảnh báo “Cuộc đại di dân khai mỏ” (Great Mining Migration) có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khi một số thành phố và thị trấn ở Texas còn phải vật lộn trước việc thiếu lượng điện.

Vào tháng 2/2021, mất điện sau trận bão tuyết đã khiến hàng triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh ảnh hưởng nhiều ngày và hơn 200 người chết. Việc các công ty Trung Quốc hoạt động ở Mỹ bị tăng cường giám sát cũng có thể là mối quan tâm của những doanh nhân bitcoin mới đến.

Texas vừa thông qua luật “ngăn chặn các tác nhân nước ngoài” tiếp cận cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả lưới điện. Luật mới nhắm vào kế hoạch xây dựng một trang trại điện gió ở Tây Nam Texas của một tỷ phú Trung Quốc mà một số người cho rằng “có thể ảnh hưởng đến một căn cứ quân sự Mỹ gần đó”.

Giáo sư Desouza nhận định: “Dù nguy cơ an ninh lưới điện không liên quan đến những người khai thác bitcoin trong ngắn hạn, nhưng nguy cơ chính trị sẽ tăng”.

Trong khi một trang trại bitcoin mới mất hơn 5 tháng để xây dựng ở Trung Quốc, thì sẽ cần đến 18 tháng ở Texas. Giá vận tải biển toàn cầu tăng vọt do đại dịch cũng khiến việc vận chuyển máy khai thác bitcoin từ Trung Quốc sang Mỹ tốn kém hơn.

Tuy nhiên, bất chấp những bất cập về thời gian và chi phí, Pan vẫn tin tưởng công ty ông sẽ trụ vững tại Texas. “Đó là vùng đất tự do có rất nhiều bitcoin. Quan trọng hơn là chúng tôi có cảm giác được đoàn tụ gia đình”.

Theo The Washington Post 9.2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.