Ukraine có thể được Mỹ cung cấp tới 100 máy bay cường kích A-10?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Máy bay cường kích A-10 nếu được Mỹ cung cấp cho Ukraine với số lượng lớn sẽ tạo ra cơn ác mộng đối với lực lượng thiết giáp Nga.

Ukraine có thể được Mỹ cung cấp tới 100 máy bay cường kích A-10?

Tờ Washington Post đã xuất bản một bài phân tích chi tiết về các sắc thái của những cuộc đàm phán giữa Ukraine và Mỹ về khả năng cung cấp vũ khí cho quốc gia Đông Âu này.

Có một điểm thú vị cần đặc biệt lưu tâm, trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, Bộ Quốc phòng Ukraine đã yêu cầu Lầu Năm Góc chuyển giao tới 100 máy bay cường kích A-10 dư thừa, được bảo quản tại "nghĩa địa máy bay" - Căn cứ không quân Davis-Monthan ở Arizona.

Mặc dù vậy, Washington đã từ chối chuyển giao những phương tiện tác chiến nói trên, họ viện dẫn những lý do sau: Máy bay A-10 rõ ràng rất dễ bị tổn thương trước hỏa lực phòng không Nga, và về nguyên tắc, việc chuyển giao chúng là không có ý nghĩa và không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, trang The Drive nhấn mạnh rằng sự hiện diện của 100 máy bay A-10 tại căn cứ Davis-Monthan thực chất là một "con số có điều kiện". Bởi vì nhiều chiếc đã được sử dụng làm nguồn cung cấp phụ tùng thay thế cho những máy bay còn hoạt động, bởi việc sản xuất hàng loạt đã kết thúc vào năm 1984.

Như vậy, về cơ bản không có máy bay chiến đấu nào thuộc loại này có thể nhanh chóng được chuyển giao cho Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU).

Một vấn đề khác cần lưu tâm là vào đầu tháng 3 năm nay, ngay cả một số thành viên Quốc hội Mỹ cũng ủng hộ khả năng chuyển giao máy bay cường kích A-10 cho Ukraine.

Các nghị sĩ Mỹ đặc biệt chú ý đến cảnh một đoàn xe cơ giới Nga dài 40 km, bao gồm nhiều xe tăng và xe bọc thép bị "mắc kẹt" trên đường đến Kyiv và chúng thực sự là những mục tiêu lý tưởng cho Warthog, bởi phương tiện này được tạo ra để tiêu diệt thiết giáp đối phương.

Nhưng nếu xem xét kỹ hơn bài báo gốc của tờ Washington Post, chúng ta có thể thấy một điểm thú vị đáng được nhấn mạnh, đó là Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - ông Reznikov cũng cho rằng A-10 đã quá lạc hậu, chúng sẽ trở thành mục tiêu lý tưởng cho các hệ thống phòng không hiện đại của Nga.

Máy bay cường kích A-10 song hành cùng Su-25 trong một cuộc tập trận của NATO.

Máy bay cường kích A-10 song hành cùng Su-25 trong một cuộc tập trận của NATO.

Ngoài ra cần nhấn mạnh, 100 máy bay cường kích A-10 được viện trợ cùng lúc là nhiều hơn đáng kể so với tổng số máy bay chiến đấu mà Ukraine có vào cuối năm 2021.

Để duy trì hoạt động cho phi đội A-10 lớn như vậy cần có một số lượng lớn không kém đội ngũ kỹ thuật, kho dự trữ đạn dược và nhiên liệu hàng không. Điều này nghĩa là cần những nỗ lực hậu cần phi thường và chưa từng có để số chiến đấu cơ nói trên hoạt động với tình trạng đảm bảo.

Theo các nhà quan sát trên thực tế, giới lãnh đạo quân sự và chính trị Ukraine đã hành động theo nguyên tắc "yêu cầu càng nhiều càng tốt, và bạn sẽ nhận được những gì bạn muốn sau khi đã trừ hao".

Mặc dù từng từ chối viện trợ những chiếc A-10 Warthog nhưng chẳng có gì đảm bảo đề xuất của Ukraine sẽ bị bác bỏ một lần nữa, nhất là khi chúng ta nhìn vào thực tế xảy ra với hệ thống phòng không Patriot, NASAMS... hay cũ hơn là tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không vác vai Stinger.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ