UBTVQH chốt các nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn

UBTVQH chốt các nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn

(GD&TD)-Theo nghị trình, từ ngày 23-25/11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn trực tiếp năm Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến kinh tế-xã hội của đất nước.

>>>Báo cáo của MTTQVN về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân (Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII)

Trước đó, UBTV Quốc hội đã có văn bản xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung chất vấn. Trên cơ sở đó, có 121 chất vấn tập hợp được đến thời điểm này, cũng như các ý kiến của cử tri về những vấn đề bức xúc đang nổi lên trong đời sống xã hội.

Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc và quyết định lựa chọn các nhóm vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Đây  chính là cơ sở để Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn. Theo đó, các nhóm vấn đề được đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn như sau:

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Thực trạng và giải pháp để hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, nhất là tại các TP lớn; các giải pháp của Bộ nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trong điều kiện phải kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công;

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, phòng, chống biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông sản, an toàn thực phẩm…;

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Làm sao nâng cao chất lượng giáo dục, giảm học thêm, dạy thêm; quản lý mầm non công lập tốt hơn;

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Các vấn đề liên quan đến quản lý giá cả, xăng dầu, điện, than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; giải pháp giảm bội chi ngân sách, đầu tư công có hiệu quả;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Làm thế nào để tái cơ cấu ngân hàng cho hiệu quả; chính sách tiền tệ như thế nào để vừa thắt chặt tín dụng và chống được lạm phát…;

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Vấn đề về quản lý kinh tế-xã hội năm 2012, tập trung vào thể chế kinh tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng…

Theo bản xin ý kiến dự kiến nội dung chất vấn, có 220/257 đại biểu nhất trí với việc không đưa sân golf vào chương trình. Với các vấn đề khác có liên quan như Vinashin thì đại biểu vẫn có quyền đưa ra chất vấn.

Chiều ngày 20/11, Văn phòng Quốc hội đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo của Bộ Tài chính về vấn đề đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong thời gian qua, hiệu quả hoạt động, trong đó có đầu tư trái ngành của tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn là vấn đề được đặt ra tại nhiều kỳ họp Quốc hội.

Theo đó, đến cuối năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư gần 22.000 tỷ đồng vào các lĩnh vực ngoài ngành.

Cụ thể, các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư 3.576 tỷ đồng vào chứng khoán, 2.236 tỷ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm, 5.379 tỷ đồng vào bất động sản, vào quỹ đầu tư 495 tỷ đồng; riêng lĩnh vực ngân hàng vượt trội với 10.128 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số liệu đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính từ 2006 - 2009 cũng được nêu tại báo cáo.

Theo đó, các con số lần lượt các năm đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán là 707 tỷ đồng, 1.328 tỷ đồng, 1.697 tỷ đồng và 986 tỷ đồng.

Đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm từ 2006 - 2009 là 758 tỷ đồng, 2.655 tỷ đồng, 3.007 tỷ đồng và 1.578 tỷ đồng.

Với quỹ đầu tư, các con số đầu tư lần lượt là 600 tỷ đồng, 1.050 tỷ đồng, 1.424 tỷ đồng và 694 tỷ đồng.

Lớn hơn cả vẫn là các con số đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với 3.838 tỷ đồng của năm 2006, năm 2007 đã là 7.977 tỷ đồng, 11.427 tỷ đồng là con số của 2008 và 2009 là 8.734 tỷ đồng.

Tại báo cáo, Bộ Tài chính cho biết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cơ cấu để giảm dần tỷ lệ vốn góp vào các lĩnh vực nêu trên. Tuy nhiên việc thoái vốn ở những lĩnh vực này chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra của Chính phủ. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới và trong nước suy giảm.

Báo cáo cho biết, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước làm chủ sở hữu vào cuối năm 2011. Theo đó quy định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp, việc huy động vốn, đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, việc phân phối thu nhập…

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.