Tạm ngừng cấp điện...
Ngày 22/3/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành kế hoạch chấm dứt hoạt động lò nung vôi thủ công, theo đó đến hết ngày 31/12/2018 sẽ dừng hoạt động này trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, sau đó HĐND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định lùi thời hạn đóng cửa lò nung thủ công đến ngày 31/1/2019 và tháo dỡ xong trước ngày 30/3/2019.
Như vậy, đến nay đã quá thời hạn đóng cửa lò nung vôi thủ công, nhưng các hộ sản xuất vẫn chưa thể dừng hoạt động vì lý do mức tiền hỗ trợ mà phía chính quyền TP Uông Bí đưa ra là chưa hợp lý. Bởi họ cho rằng, với mức hỗ trợ đó thì nhiều hộ dân sau khi dỡ bỏ lò nung vôi sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ, người lao động sau khi nhận tiền hỗ trợ cũng sẽ trở thành thất nghiệp.
Để bắt buộc các hộ dân phải thực hiện theo Kế hoạch mà UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề ra từ năm 2016. Ngày 2/2, Điện lực TP Uông Bí đã ra Thông báo số 31/ĐLUB-KD về việc tạm ngừng cấp điện để các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn TP Uông Bí thực hiện tháo dỡ lò vôi. Theo thông báo này, thời gian mà Điện lực tạm ngừng cung cấp điện từ 14h00’ ngày 3/2/2019.
Sau khi nhận được thông báo của Điện lực TP Uông Bí gửi đến, ngày 2/2, ông Hoàng Quốc Chiến – chủ cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn phường Phương Nam đã gọi điện đến đường dây nóng của Báo GD&TĐ phản ánh về việc Điện lực TP Uông Bí vi phạm hợp đồng.
Ông Chiến bức xúc nói: “Chúng tôi không thể chấp nhận được việc Điện lực TP Uông Bí làm như vậy, khi chúng tôi không vi phạm bất cứ điều, khoản nào về hợp đồng đã ký với ngành điện. Họ đang thực hiện việc tạm ngừng cấp điện mà không căn cứ theo Luật Điện lực và các văn bản khác”.
Điện lực TP Uông Bí thực hiện cắt điện với khách hàng theo chỉ đạo của UBND TP Uông Bí. |
Có đúng quy định?
Sau khi nhận được phản ánh của ông Chiến, ngày 2/2, PV Báo GD&TĐ đã liên hệ với ông Đặng Xuân Toàn – Giám đốc Điện lực TP Uông Bí để làm rõ những thông tin mà bạn đọc phản ánh. Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Toàn cho biết: “Chúng tôi đang thông báo để các hộ nắm được chương trình theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh và TP. Ngoài việc căn cứ theo NQ 146 của HĐND tỉnh và Văn bản 9592 của UBND tỉnh Quảng Ninh thì chúng tôi còn căn cứ theo buổi làm việc ngày hôm nay về việc cắt điện trước 15h ngày mai (tức 3/2 – PV) theo văn bản chỉ đạo của UBND TP”.
Khi được hỏi về việc, trong trường hợp người dân không vi phạm hợp đồng hoặc theo quy định của luật Điện lực và quy định khác thì bên điện lực vì sao lại ngừng cung cấp điện cho người dân, ông Toàn trả lời: “Chúng tôi cũng đang cố gắng đề làm sao cho cả khách hàng và bên điện lực cùng đồng thuận việc đấy”.
PV tiếp tục đặt câu hỏi, nếu người dân không đồng thuận thì bên Điện lực TP Uông Bí vẫn đơn phương chấm dứt hợp đồng và ngừng cung cấp điện, ông Toàn nói: “Đến lúc đó chúng tôi sẽ phải báo cáo tiếp”.
Ông Toàn lý giải thêm, vì hôm nay là TP yêu cầu luôn và thứ hai là nội dung liên quan đến việc cắt điện đó nếu về khiếu kiện của khách hàng thì TP sẽ chịu trách nhiệm.
Khi được hỏi về trách nhiệm của bên Điện lực Uông Bí, ông Toàn trả lời: “Về trách nhiệm, chúng tôi sẽ cố gắng đế đúng với quan hệ hợp đồng mà mình đã ký với khách hàng, sẽ cố gắng hết mức. Còn khi tỉnh hoặc thành phố có chỉ đạo thì lúc đó chúng tôi sẽ tiếp tục xin ý kiến của cơ quan chủ quản là Công ty Điện lực Quảng Ninh”.
“Chúng tôi cũng biết nội dung này có những cái vượt khả năng, nên đều phải xin ý kiến. Chúng tôi sẽ cố gắng để không vi phạm điều gì và cũng muốn khách hàng ủng hộ và chia sẻ với ngành điện nội dung đấy. Cũng rất là khó cho ngành điện lực. Vì những nội dung này ngoài thẩm quyền nên sẽ phải xin chỉ đạo từ cấp trên và thực hiện tất cả các nội dung theo chỉ đạo của cấp trên” - ông Toàn cho biết thêm.
Trước đó, Báo GD&TĐ đã có những bài viết liên quan đến việc tỉnh Quảng Ninh ban hành kế hoạch xóa sổ lò vôi thủ công nhưng không được người dân đồng tình vì họ không chấp thuận với mức tiền hỗ trợ mà chính quyền đưa ra.
Như vậy, việc Điện lực TP Uông Bí ra thông báo và thực hiện như vậy liệu có đúng với quy định của Luật Điện lực và các quy định khác?