Tăng tiền hỗ trợ
Để bảo đảm việc hoàn tất tháo dỡ các lò nung vôi thủ công trước ngày 31/12/2018, ngày 27/10/2017, UBND TP Uông Bí đã phê duyệt đề án hỗ trợ người lao động và các chủ cơ sở sản xuất vôi với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng, bao gồm: Chi phí tháo, dỡ, khôi phục mặt bằng; hỗ trợ cho người lao động và dự phòng.
Ngày 28/12/2018, UBND TP Uông Bí đã ban hành Quyết định số 8108/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Đề án “Hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn TP Uông Bí”. Theo văn bản này, UBND TP Uông Bí đã nâng mức hỗ trợ người lao động và chủ cơ sở sản xuất vôi từ hơn 11 tỷ đồng lên gần 26 tỷ đồng.
Cụ thể, UBND TP Uông Bí sẽ hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất vôi 13,2 tỷ đồng tiền tháo dỡ, khôi phục mặt bằng và hơn 540 triệu đồng để 51 chủ cơ sở chuyển đổi nghề khác. UBND TP Uông Bí sẽ hỗ trợ cho những người lao động thường xuyên 10.590.000 đồng và lao động không thường xuyên là 5.295.000 đồng.
Ngày 4/1, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Hoàng Huy Toàn – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Uông Bí, cho biết: “Số tiền gần 26 tỷ đồng được UBND TP lấy từ ngân sách để hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất vôi tháo dỡ lò và chuyển đổi nghề. Đối với những lao động thường xuyên và không thường xuyên, TP cũng hỗ trợ cho họ 3 tháng lương tối thiểu. Ngoài ra, TP còn đề nghị tỉnh hỗ trợ cho bà con vay theo ngân hàng chính sách với lãi suất thấp, để tạo công ăn việc làm tiếp theo”.
Trả lời câu hỏi của Báo GD&TĐ về việc, tại sao trước đó UBND TP Uông Bí chỉ đưa ra con số hơn 11 tỷ đồng nhưng sau đó lại nâng gần 26 tỷ đồng, ông Toàn nói: “Trước đây, TP lập đề án từ nguồn của thành phố là hơn 11 tỷ đồng, nhưng sau đó TP đề nghị tỉnh xem xét ban hành một cơ chế cho chắc chắn và cũng đề nghị tỉnh tăng mức hỗ trợ lên. Chỉ trong vòng 1 năm chúng tôi làm việc liên tục, để vừa rồi tỉnh họp HĐND đã ban hành Nghị quyết 146, từ đó chúng tôi lập lại đề án điều chỉnh lên gần 26 tỷ đồng”.
Nói về đề án sắp xếp chuyển đổi công việc cho người dân, ông Toàn cho hay: “Ngay đề án trước, chúng tôi đã họp và trao đổi với người dân rằng ai có nhu cầu chuyển đổi gì thì đăng kí. TP đã giao cho Phòng LĐ-TB&XH và các phường, ghi nhận ai có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp thì nộp đơn lên phường để được hướng dẫn, nhưng chưa có hộ dân nào làm đơn”.
Vẫn chưa đồng thuận
Trước việc UBND TP Uông Bí nâng mức hỗ trợ cho người dân để xóa bỏ lò nung vôi thủ công, ông Lê Văn Thủy – chủ cơ sở sản xuất vôi tại phường Phường Nam nói: “Mỗi gia đình chúng tôi đầu tư mấy tỷ đồng, lúc đầu còn nhiều khó khăn do chưa biết làm, giờ chúng tôi mới bắt đầu biết làm thì lại cấm. Tại sao chính quyền biết chúng tôi làm mà không ngăn chặn ngay từ lúc đầu. Hơn nữa, số tiền mà chính quyền hỗ trợ chúng tôi dỡ lò là không đủ, vì số tiền để dỡ lò lớn hơn thế nhiều. Chúng tôi muốn chính quyền hỗ trợ một cách thỏa đáng”.
Cũng theo ông Thủy, từ khi có các lò sản xuất vôi trên địa bàn, mỗi năm các chủ lò vôi chi trả cho người lao động gần 50 tỷ đồng tiền lương. Điều mà ông Thủy cũng như các chủ lò vôi khác lo lắng, nếu xóa bỏ lò vôi đi, chính quyền có tạo được công ăn việc làm cho bà con để hàng nghìn người có thu nhập ổn định như vậy không?
Ông Thủy cũng chia sẻ thêm, hiện gia đình đang nợ ngân hàng gần 600 triệu đồng, nếu không cho sản xuất nữa, chính quyền cũng không hỗ trợ được gì. Sau này nếu đi làm công ăn lương mỗi ngày 100 - 200 nghìn đồng thì bao giờ mới trả được nợ cho ngân hàng?
Ông Hoàng Quốc Chiến – một chủ cơ sở sản xuất vôi trên địa bàn phường Phương Nam, cũng bày tỏ: “Nếu muốn chúng tôi chuyển đổi nghề nghiệp thì chính quyền nên định hướng. Giờ chúng tôi chưa biết phải làm gì hay chuyển đổi nghề nghiệp gì sau khi xóa bỏ lò vôi. Còn chính quyền nói về vấn đề ô nhiễm môi trường là do lò sản xuất vôi”.
Trò chuyện với Báo GD&TĐ, về mức hỗ trợ hơn 10 triệu đồng để người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, dừng làm công việc sản xuất vôi, bà Phạm Thị Thân (55 tuổi, trú tại tổ 1, khu Đá Bạc, phường Phương Nam) đang lao động tại lò sản xuất vôi chia sẻ: “Mức bồi thường này chỉ giúp chúng tôi đủ ăn 1 tháng. Sau khi hết tiền, chúng tôi sẽ như thế nào, khi mà tuổi đã cao. Còn về mức hỗ trợ, chúng tôi không đòi hỏi mà chỉ mong chính quyền tạo điều kiện để được lao động thêm một thời gian nữa tại lò vôi, đến khi hết tuổi lao động”.