Xóa sổ lò vôi thủ công
Căn cứ Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngày 22/3/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 1460/KH-UBND về việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh.
Lộ trình của Quảng Ninh là giảm dần và đến hết năm 2018 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất vôi bằng các loại lò nung thủ công. Thay vào đó, tỉnh sẽ xây dựng và phát triển ngành sản xuất vôi theo hướng công nghiệp hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, quá trình sản xuất sẽ bảo đảm kiểm soát an toàn vệ sinh lao động, giảm ô nhiễm môi trường.
Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, ngày 30/8/2016, UBND TP Uông Bí đã ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND về việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò thủ công trên địa bàn. Ngày 27/10/2017, UBND TP Uông Bí ra Quyết định Phê duyệt Đề án hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn thành phố. Mục tiêu của đề án này nhằm xóa bỏ toàn bộ lò sản xuất vôi thủ công, bảo đảm môi trường và sức khỏe người dân.
Theo đó, từ thời điểm đưa ra đề án đến hết tháng 12/2018, UBND TP Uông Bí sẽ xóa bỏ, tháo dỡ toàn bộ các lò vôi. Cụ thể, có 8 lò với 14 ống lò đã dừng hoạt động và 61 lò với 96 ống lò đang hoạt động trên địa bàn 2 phường Phương Đông và Phương Nam. Sau khi xóa bỏ, UBND TP sẽ thực hiện hỗ trợ về chế độ, chính sách, chuyển đổi ngành nghề đối với các chủ cơ sở và người lao động địa phương.
|
Nguy cơ vỡ nợ
Báo GD&TĐ nhận được đơn kêu cứu của nhiều hộ dân sản xuất vôi thủ công tại phường Phương Nam, TP Uông Bí về việc gia đình họ sắp rơi vào cảnh vỡ nợ và hàng nghìn người dân địa phương sẽ thất nghiệp do kế hoạch xóa sổ các lò sản xuất thủ công trong năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Uông Bí. Theo người dân, hầu hết các lò được xây dựng từ năm 2013, đi vào hoạt động từ năm 2014. Quá trình xây dựng lò, các hộ đã phải vay mượn một khoản tiền rất lớn để đầu tư, đến nay vẫn chưa trả hết.
Giấy khen của UBND TP Uông Bí tặng các hộ sản xuất vôi |
Trao đổi với Báo GD&TĐ chiều 26/12, ông Trần Xuân Dưỡng - Chủ cơ sở sản xuất vôi tại khu Vành Kiệu 1, phường Phương Nam, Uông Bí, cho biết: “Ngay sau khi UBND tỉnh và UBND Thành phố ban hành kế hoạch, chúng tôi đã trình bày nếu như các lò vôi bị dừng trong năm 2018 thì bà con cực kỳ khó khăn, không đủ thời gian để chuyển đổi lao động, chủ cơ sở cũng không đủ thời gian để thu hồi vốn trả tiền vay ngân hàng và vay ngoài”.
Còn ông Hoàng Quốc Chiến - một chủ lò vôi khác tại khu Vành Kiệu 1, buồn bã nói: “Theo kế hoạch đến ngày 31/12/2018, chúng tôi phải dỡ bỏ lò, nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm, sản phẩm bà con sản xuất ra tiêu thụ rất khó. Khách hàng không dám ký hợp đồng vì họ có kế hoạch theo tháng hoặc năm. Vôi của tôi sản xuất ra 3 ngày nay không tiêu thụ được, tở hết rồi. Mỗi tấn vôi trị giá 1 triệu đồng, giờ mấy chục tấn bị hỏng”.
Ông Chiến cho biết thêm, anh Cường và anh Thiện, cũng là chủ các lò vôi đã phải bỏ quê, không biết đang ở đâu vì bị người đòi tiền nhiều quá. Nếu tỉnh và thành phố quyết tâm thực hiện kế hoạch xóa bỏ các lò vôi trong năm 2018 thì ít nhất 80% các gia đình làm vôi rơi vào cảnh vỡ nợ, không còn chốn nương thân. Bà con ở đây đều dùng nhà cửa làm tài sản thế chấp cho ngân hàng, để vay vốn sản xuất vôi.
Trước kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, ông Đặng Kiên Cường, cũng là chủ lò sản xuất vôi, mong muốn: “Kính mong các cơ quan của tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí, cũng như các cơ quan chức năng giúp đỡ người dân tháo gỡ cho bà con được sản xuất đến hết năm 2020 như kế hoạch của Bộ Xây dựng. Bằng cách đó, bà con có đủ thời gian chuyển đổi ngành nghề và các chủ cơ sở có đủ thời gia thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng, trả nợ tiền vay ngoài”.
Nỗi lo thất nghiệp
Cùng chung lo lắng với các chủ cơ sở sản xuất vôi, ông Phạm Quang Tùng (40 tuổi, trú tại khu Hồng Hải, phường Phương Nam, TP Uông Bí), công nhân lái máy xúc tại khu sản xuất vôi, cho hay: “Điều mà tất cả những công nhân làm việc tại lò vôi này lo lắng là mất việc. Lò vôi mà nghỉ thì tất cả những người đang làm ở đây đều mất việc. Đa số công nhân làm việc ở đây đều đã nhiều tuổi, nếu xin việc ở chỗ khác cũng không có nhà máy nào nhận”.
Bà Phạm Thị Thường - (64 tuổi, trú tại Khu Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí), cũng tỏ ra lo lắng vì sẽ không biết làm gì khi tuổi đã lớn. Bà Thường phân bua: “Tuổi các cô đã cao, đi công ty nào người ta cũng chẳng nhận. Lò vôi cũng cách xa làng quãng hơn cây số, không ảnh hưởng môi trường của làng, vì vậy nguyện vọng của chúng tôi là được lao động lâu dài. Họ tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người như chúng tôi. Chính dân chúng tôi là người hô hào đề nghị chủ cơ sở xây dựng lò để chúng tôi có việc làm”.
Bà Phạm Thị Thường công nhân làm việc lại khu sản xuất vôi thủ công lo sẽ thất nghiệp sau khi lò vôi bị xoá sổ |
Còn theo ông Đặng Duy Thịnh - Chủ tịch UBND phường Phương Nam, vừa rồi HĐND tỉnh đã quyết định lùi thời hạn đóng cửa lò nung thủ công đến ngày 31/1/2019 và tháo dỡ xong trước ngày 30/3/2019. “Vì nhiều lao động ở đây là phụ nữ lớn tuổi, nên khi dừng sản xuất vôi chính quyền tỉnh và TP sẽ có những chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp. Những lao động già không chuyển đổi được nghề, sẽ về tham gia sản xuất tại địa phương như trước lúc chưa có lò vôi” - ông Thịnh cho biết thêm.
Chiều ngày 27/12/2018 UBND phường Phương Nam đã mời các chủ lò vôi đóng trên địa bàn tới họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết chế độ chính sách cho chủ cơ sở và người lao động khi chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn.
UBND phường đưa ra phương án hỗ trợ như đang tìm một số cơ sở sản xuất để nhận bà con vào làm; đề nghị ngân hàng chính sách cho vay vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề... nhưng người dân không đồng tình các phương án này và chỉ đề nghi chính quyền địa phương cho lùi thời gian phá dỡ lò đến thời hạn năm 2020 như quy định của Bộ Xây dựng.