Sân Rizal Memorial, ngày 10/12/2019, đối thủ U22 Indonesia, SEA Games 30 tại Philippines. Chúng ta hãy nhớ những điều đó. Bởi hôm nay có thể là một ngày lịch sử bóng đá Việt Nam: Ngày U22 Việt Nam giành tấm HCV bóng đá nam SEA Games đầu tiên sau gần 3 thập kỷ chờ đợi.
SEA Games - hơn cả một giải đấu thể thao
Năm 1989, Việt Nam lần đầu góp mặt tại SEA Games. Với Việt Nam, SEA Games bên cạnh ý nghĩa thể thao, đã luôn là một cơ hội để Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực, là dịp để chúng ta giới thiệu tới bạn bè thế giới về một Việt Nam hòa bình, thân thiện và luôn mở rộng vòng tay.
Đại hội năm ấy, đoàn Việt Nam chỉ giành được 3 HCV, bóng đá chưa góp mặt, nhưng những giá trị hình ảnh mang về đã vượt quá tầm cỡ một sự kiện thể thao.
Khi ra đời, SEA Games được kỳ vọng trở thành đại hội thể thao tầm cỡ, lớn nhất khu vực và sự thật đã là như vậy. Ít người biết rằng Đông Nam Á là khu vực địa lý hiếm hoi không ở cấp châu lục có một giải đấu thể thao đa môn theo mô hình Olympic. Điều đặc biệt đó đã giúp SEA Games tạo dựng vị thế riêng và trở nên vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển chung của thể thao khu vực.
Với riêng Việt Nam, SEA Games từng là thước đo quan trọng nhất. Giống như Olympic với thế giới, SEA Games là nơi các nước Đông Nam Á sẽ mang tới những đội tuyển mạnh nhất, lực lượng tốt nhất, nơi họ sẽ nỗ lực để giành từng tấm huy chương.
Cũng bởi vậy, SEA Games trở thành cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam, khi ấy mới hội nhập, thu hẹp khoảng cách với những nền thể thao nhiều kinh nghiệm như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.
Giải đấu này dần trở thành cái nôi cho sự phát triển của thể thao Việt Nam với trọng điểm là các môn võ trong khoảng 15 năm đầu tiên và sau đó là nhóm môn Olympic ở thời kỳ hiện tại.
Liên tiếp trong 3 thập kỷ, SEA Games là đấu trường quan trọng nhất, động lực thúc đẩy thể thao Việt Nam phát triển. |
Nhiều môn thể thao đỉnh cao đã phát triển nhờ “hiệu ứng SEA Games”, điển hình là bắn súng, ban đầu được đầu tư để phục vụ SEA Games 2003 tại Hà Nội trước khi từng bước vươn lên tới đích cuối là tấm HCV Olympic của Hoàng Xuân Vinh.
Lấy SEA Games làm trọng tâm cũng là lựa chọn hợp lý trong giai đoạn hội nhập đầu tiên, khi nhóm môn cơ bản chưa kịp phát triển. Ở thời kỳ này, Việt Nam cũng chưa có đủ lực lượng để tranh tài tại Olympic hay Asian Games nên SEA Games trở thành động lực cho sự phát triển của hàng loạt môn thể thao.
2 năm một lần, xấp xỉ 1.000 VĐV Việt Nam có cơ hội tranh tài ở đấu trường khu vực. Đó vừa là cơ hội để họ nâng cao chuyên môn, vừa là nơi họ có thêm vinh quang, thu nhập, giúp họ trang trải cuộc sống, vượt qua những khó khăn trong tập luyện.
Với bóng đá, SEA Games cũng là giải đấu quan trọng nhất. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi Tiger Cup và sau này là AFF Cup mới ra đời từ năm 1996.
Trước đó, SEA Games là đấu trường quốc tế thường niên, được quan tâm nhất. Đây vốn là sân chơi của các đội tuyển quốc gia cho tới năm 1999. Tuyển Việt Nam đã 5 lần tham dự và có 2 tấm HCB vào các năm 1995, 1999. Á quân SEA Games 1995 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam có một danh hiệu ở tầm quốc tế.
Tức là với rất nhiều người, đặc biệt là thế hệ lớn lên và trưởng thành trong thập niên 90 của thế kỷ XX, SEA Games mới là giải đấu quan trọng nhất, đồng thời là thất bại day dứt, nỗi ám ảnh của bóng đá Việt Nam.
SEA Games và bóng đá Việt Nam
Có hai lý do khiến SEA Games từng là giải đấu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam.
Thứ nhất, đây là giải đấu vừa sức nhất với đội tuyển Việt Nam trong thời kỳ đầu hội nhập, chỉ ghi nhận sự góp mặt của khoảng chục quốc gia Đông Nam Á, với trình độ và phong cách bóng đá tương đối tương đồng, là môi trường vừa sức cho những bước tiến đầu tiên.
Thứ hai, do vòng loại World Cup và Asian Cup thường tổ chức theo thể thức loại trực tiếp, cộng với khoảng cách 4 năm kéo dài giữa mỗi kỳ và bất lợi bốc thăm do vị trí thấp trên bảng xếp hạng FIFA, những giải đấu này mang tới cho tuyển Việt Nam quá ít cơ hội cọ xát với chỉ 1 tới 2 trận đấu.
So với chu kỳ 2 năm của SEA Games, với 6 tới 8 trận nếu vượt qua vòng bảng, đây rõ ràng là cơ hội cọ xát quốc tế giá trị và thực tế hơn hẳn.
Ông Park và học trò đã tiến tới trận chung kết SEA Games đầu tiên của bóng đá Việt Nam trong thập kỷ này. |
Tính liên tục của SEA Games cũng cho phép bóng đá Việt Nam liên tục sản sinh và thử lửa những thế hệ mới. Từ Lê Huỳnh Đức, Trần Công Minh, Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh tới sau này là Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Quang Hải, những con người tốt nhất của bóng đá Việt Nam đều đã được tôi luyện qua SEA Games. Giải đấu này là nền tảng đầu tiên để bóng đá Việt Nam tiến ra thế giới.
Khát khao SEA Games càng mạnh mẽ và cháy bỏng hơn khi tuyển Việt Nam đã 5 lần bại trận trong các trận chung kết suốt từ năm 1995 tới nay. Nỗi ám ảnh đó càng trở thành độc nhất, điều duy nhất còn thiếu sau 2 lần vô địch AFF Cup của tuyển quốc gia.
28 năm, tính từ lần đầu bóng đá Việt Nam dự SEA Games, là khoảng thời gian chúng ta đã chờ đợi để có được tấm HCV SEA Games. Một hành trình dài bằng nửa đời người.
Càng chưa có thì càng khao khát, càng phải muốn có bằng được. Giấc mơ về một tấm HCV SEA Games hiển hiện trong từng suy nghĩ, hành động của những người làm bóng đá. Đó là danh hiệu duy nhất có thể khiến bầu Đức từ chức và kêu gọi VFF từ chức nếu không vô địch, là thứ có thể buộc HLV Park Hang-seo phải thay đổi kế hoạch vì “hiểu khát khao và mong đợi của người Việt Nam”.
Vô địch SEA Games 2019 vì thế trở thành trở thành nhiệm vụ quan trọng của HLV Park và U22 Việt Nam. Một danh hiệu của họ sẽ giúp bóng đá Việt Nam thoát khỏi nỗi ám ảnh, cho Việt Nam điều kiện để hướng tới những đấu trường lớn hơn, như cái cách Thái Lan đã làm nhiều năm nay.