U Minh xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Qua nhiều năm thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, U Minh (Cà Mau) bây giờ không còn cảnh heo hút bên vạt rừng tràm.

U Minh đang từng ngày vươn sức: đời sống mới, nông thôn mới đang dần hiện ra. Về U Minh ngày nay, không còn độc đạo chờ đò, thay vào đó là những tuyến lộ nhựa, lộ bê-tông trải rộng, xe ô-tô đã về đến trung tâm các xã. Trên nhiều tuyến ấp lâm phần, xe ô-tô tải đã đến tận nhà người dân thu mua nông sản.

Bên cạnh trồng rừng, nông dân huyện U Minh còn thực hiện hiệu quả mô hình trồng cây ăn trái mang lại thu nhập cao.

Bên cạnh trồng rừng, nông dân huyện U Minh còn thực hiện hiệu quả mô hình trồng cây ăn trái mang lại thu nhập cao.

U Minh là huyện có 5,7% hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), bao gồm dân tộc Khmer, Hoa, Thái, Mường, Chăm, Ê-đê, Tày. Trong đó, DTTS Khmer chiếm số lượng lớn nhất, phần lớn làm nghề nông, mua bán nhỏ và lao động phổ thông, tập trung đông nhất ở xã Khánh Lâm, Khánh Hoà, Nguyễn Phích và Khánh Thuận.

Qua rà soát hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới, huyện U Minh có tỷ lệ hộ nghèo DTTS 20,66% tổng số hộ dân tộc. Công tác xây dựng Nông thôn mới (NTM) luôn được chú trọng nhất là ở các xã vùng sâu vùng đồng bào dân tộc, hiện huyện có 4/7 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng để nhanh chóng đưa huyện U Minh về đích NTM trong thời gian tới.

Từng là “vùng trũng” của huyện U Minh, xã Khánh Thuận chủ yếu là nhờ vào phát triển kinh tế rừng, tuy nhiên giao thông khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của địa phương. Từ nguồn lực đầu tư của Chương trình 135 cơ sở hạ tầng nay đã thay đổi rõ nét, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Các trục đường chính từ huyện đến xã, xã xuống ấp và ấp nối liền ấp cơ bản đã được kết nối, tạo hệ thống giao thông thông suốt, giúp Nhân dân đi lại dễ dàng hơn, tạo điều kiện kết nối giao thương và thúc đẩy phát triển KT-XH.

Ông Hồ Tương Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận chia sẻ: Một trong những nguyên nhân giúp đời sống của người dân Khánh Thuận có nhiều thay đổi là kinh tế rừng những năm gần đây có nhiều chuyển biến. Hiện các khu vực lâm phần trên địa bàn xã, hầu hết người dân không còn cảnh để đất trống, mà được tận dụng lên liếp trồng rừng thâm canh.

Để phát triển kinh tế rừng hiệu quả, ngoài việc xác định gỗ là ngành hàng chủ lực, người dân còn sử dụng diện tích đất trống bờ bao để trồng hoa màu, cây ăn trái và tận dụng kênh mương để nuôi cá đồng. Thu nhập từ sản xuất kết hợp dưới tán rừng khá cao, lấy ngắn nuôi dài, cuộc sống từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương…

Mô hình tôm - lúa của nông dân huyện U Minh góp phần nâng cao đời sống người dân xứ tràm.
Mô hình tôm - lúa của nông dân huyện U Minh góp phần nâng cao đời sống người dân xứ tràm.

“Do đời sống được nâng lên nên hộ nghèo của xã ngày càng giảm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã là 3,4%, tương đương với 100 hộ. Mặc dù nghị quyết của xã đề ra đến năm 2025 xã Khánh Thuận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhưng với những tiền đề hiện có chúng tôi phấn đấu cuối năm 2022, đưa Khánh Thuận về đích nông thôn mới”, ông Hồ Tương Lai thông tin.

Ông Nguyễn Thanh Toản, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay là 4/7 xã, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,5 triệu đồng/năm. Để thực hiện tốt chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện tập trung chỉ đạo rà soát triển khai khai các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần tập trung tăng cường công tác vận động nhân dân, tập trung các nguồn lực xây dựng các xã sắp đạt chuẩn nhanh chóng đạt chuẩn NTM và công nhận trong năm 2022; duy trì, nâng cấp các xã đã đạt chuẩn, đầu tư nguồn lực cho các xã còn lại, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% trở lên, tương đương 399 hộ trở lên; hộ cận nghèo từ 0,3% tương đương 79 hộ; tiếp tục xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện trong năm 2022, để tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ