Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Việt Nam vẫn tăng cao

GD&TĐ - Theo TTƯT.GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, dù đã có nhiều khuyến cáo được đưa ra, nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì vẫn tăng cao.

TTƯT.GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế.
TTƯT.GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế.

Phát biểu tại Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần 3 diễn ra mới đây, TTƯT.GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2017 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành 2 văn kiện trong cùng ngày 25/10, hoạch định những chiến lược quan trọng về công tác y tế.

Đó là Nghị quyết số 20/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21/2017 về công tác dân số trong tình hình mới.

Trong đó, Nghị quyết 20 có nêu: Khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, nguồn nguyên liệu, khẩu vị của người Việt.

Triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, người cao tuổi.

Nghị quyết 21 cũng nhấn mạnh: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, thể lực người Việt Nam…

Mới đây, tháng 1/2024, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Chiến lược nêu ra một trong những nhiệm vụ chủ yếu là: Thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng nhóm, địa phương, vùng, miền, dân tộc.

“Như vậy có thể thấy, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo, ưu tiên cho công tác y tế nói chung và có chiến lược cụ thể để nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực của người Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Văn Thuấn, tình trạng nhiều người béo phì đa số bắt nguồn từ việc không biết ăn sao cho vừa, tập sao cho hợp lý.

Nói chính xác hơn là còn không ít người dân chưa quan tâm đến việc thực hành dinh dưỡng một cách khoa học và rèn luyện thể dục hợp lý.

“Nỗ lực truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về dinh dưỡng và vận động đã phát huy hiệu quả tích cực. Ngày càng có nhiều các hội nhóm tập luyện thể thao và ăn uống cùng nhau. Trên mỗi con phố, trong công viên, mọi người đi tập thể dục nhiều hơn. Ngày càng có nhiều sự kiện cộng đồng để lan tỏa năng lượng tích cực từ những người ưa vận động. Nhưng có lẽ là chưa đủ”, GS Thuấn cho biết.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ mong đợi các phong trào tự rèn luyện sức khỏe bản thân ngày càng lan rộng trong xã hội, góp một phần không nhỏ vào công tác truyền thông y tế như Nghị quyết 21/2017 đã nêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ