Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học đã triển khai tự chủ tài chính, tài sản toàn diện và sâu rộng; đồng thời, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Qua đó, nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tăng cường kiểm soát các khoản chi, bảo đảm tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng nguồn lực.
Bộ GD&ĐT cho biết, hiện có 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,79% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên. Số trường chưa bảo đảm chi thường xuyên nhưng có kế hoạch tự đảm bảo chi thường xuyên trong thời gian sắp tới chiếm khoảng 16,38%. Tỷ lệ các trường đang được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên rất thấp (chỉ chiếm 3,45%).
Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ;
Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học; đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.
Bộ GD&ĐT ghi nhận, tự chủ đại học đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi. Quy mô tuyển sinh, sinh viên hệ đại trà sau tự chủ có xu hướng giảm. Thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh.