Tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tăng hằng năm

GD&TĐ - Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên là giáo sư, phó giáo sư tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng.

Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Thành Đô trong giờ thực hành.
Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Thành Đô trong giờ thực hành.

Tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024, Bộ GD&ĐT thông tin: Cơ chế tự chủ cho phép các trường đẩy mạnh công tác tuyển dụng và nhân sự theo hướng nâng cao chất lượng.

Một số trường chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm, chủ động trong công tác tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc với những giảng viên có trình độ tiến sĩ và có năng lực nghiên cứu; đồng thời, sắp xếp, cơ cấu lại và giảm biên chế tuyển dụng các vị trí viên chức, hành chính và người lao động phục vụ.

Cơ sở giáo dục đại học công lập được giao tự chủ: quyết định hiệu trưởng và trình cơ quan có thẩm quyền công nhận hiệu trưởng; tự chủ trong việc bổ nhiệm các phó hiệu trưởng; quyết định các chức danh quản lý khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường; quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật;...

Việc này đã tạo điều kiện để các trường từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp, lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên và nhân viên) giảm xuống. Trong đó, các trường chú trọng hơn đến việc sử dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số hoặc thuê dịch vụ bên ngoài nhằm tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Bên cạnh đó, các trường đẩy mạnh phát triển đội ngũ có trình độ, chuyên môn cao, đặc biệt ưu tiên tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ, đào tạo bồi dưỡng giảng viên theo học các chương trình tại các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới.

Học hàm, học vị
Năm 2022
Năm 2023
Năm 2024
GS.TS
760
711
743
PGS.TS
5.331
5.292
5.629
TS
21.170
22.230
23.776
ThS
51.302
52.392
53.412
ĐH
6.175
6.551
6.105
Khác
1.310
1.201
1.632
Tổng
86.048
88.377
91.297

Số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian trong 3 năm gần đây. Nguồn: Số liệu từ Hệ thống HEMIS do các cơ sở đào tạo khai.

Trong thời gian gần đây, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng. Nhà nước hỗ trợ việc nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thông qua các Đề án được TTgCP phê duyệt trong thời gian qua, hiện tại là Đề án 89.

Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng dần đều hằng năm. Tỷ lệ trợ giảng có trình độ đại học giảm, điều này cho thấy các trường đã ý thức được việc nâng cao chất lượng giảng viên và thực hiện chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, do sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số thông qua Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các trường chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc tổ chức và quản lý đào tạo, quản trị nhà trường; dẫn đến nhu cầu nhân sự hành chính, phục vụ giảm đi.

Tuy có những kết quả khả quan về phát triển đội ngũ, nhưng tỷ lệ giảng viên được đi đào tạo nâng cao trình độ trong nước và nước ngoài theo Đề án 89 có tỷ lệ thấp so với mục tiêu của Đề án.

Việc triển khai Đề án chậm, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện rất ít so với chỉ tiêu được giao (theo đăng ký/cam kết ban đầu), ảnh hưởng rất lớn tới chỉ tiêu của các năm tiếp theo.

Việc tuyển dụng, thu hút nhà khoa học, giảng viên trình độ cao là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu, làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam rất hạn chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ