'Tuýt còi' hầu đồng không đúng quy định, chưa đủ!

GD&TĐ - Bộ VH,TT&DL gửi văn bản tới Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần chấn chỉnh ngay hoạt động hầu đồng không đúng quy định.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Nguyên do là, tại Liên hoan Hát văn, hát chầu văn tỉnh Bắc Ninh lần thứ II - năm 2024 có hoạt động diễn xướng hầu đồng mà theo Cục này, hoạt động đó vi phạm Luật Di sản văn hóa của Việt Nam; Điều 4 và 5 của Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định về nguyên tắc trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể, nguyên tắc trong sử dụng và khai thác di sản văn hóa phi vật thể ngoài hoạt động thực hành.

Năm ngoái, Cục Di sản văn hóa cũng có văn bản gửi tới Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế do tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam trong đó có hoạt động trình diễn trang phục hầu đồng, minh họa trích đoạn một vài giá hầu đồng trên sân khấu làm sai lệch di sản khi đưa ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành, sử dụng các thành tố để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản…

Việc “tuýt còi” này thể hiện sự sát sao của cơ quan quản lý đối với hoạt động diễn xướng hầu đồng ở các địa phương đang diễn ra khá phong phú, sôi nổi, nhất là từ khi Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.

Không chỉ thế, Cục Di sản văn hóa còn thông tin về trường hợp vi phạm nghiêm trọng Công ước 2003 và nguyên tắc đạo đức về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO “nếu được thể hiện trong báo cáo quốc gia gửi UNESCO có thể bị nhắc nhở, thậm chí xem xét, rút danh hiệu”.

Có thể thấy, việc tăng cường giám sát và nhanh chóng đưa ra cảnh báo như thế là rất cần thiết. Qua đó nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác quản lý, tuyên truyền tới cộng đồng việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhân loại Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, trong đó có hoạt động diễn xướng hầu đồng là nghi lễ chính, trung tâm.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả hơn nữa, đừng sa vào tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” thì cơ quan chức năng rất cần có những quy định, chế tài rõ ràng, cụ thể; nhất là về cách thức, đối tượng tham gia, không gian trình diễn di sản hay thực hành tín ngưỡng vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Khi đó, cộng đồng mới có căn cứ để tuân thủ thực hiện đúng, góp phần vào việc phát huy di sản, lan tỏa giá trị tốt đẹp của hoạt động diễn xướng dân gian đặc sắc, độc đáo hầu đồng, là: Cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc; thể hiện khát vọng trong cuộc sống thường ngày, hướng con người đến lòng từ bi bác ái như là nền tảng của những nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường THPT Lục Ngạn số 1 tự hào chặng đường 60 năm.

60 năm âm vang tiếng trống hiếu học

GD&TĐ - 60 năm trôi qua cũng là từng ấy năm các thế hệ thầy trò Trường THPT Lục Ngạn số 1 (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) không ngừng phấn đấu vươn lên.