1. Chuẩn bị đồ dùng
Chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cần thiết để làm bài trắc nghiệm. dưới đây là một số đồ dùng cần chuẩn bị:
· Hai bút chì HB loại tốt;
· Hai bút bi cùng loại, cùng màu xanh hoặc đen ( không dùng bút đỏ, bút nhũ, hay bút có mực đặc biệt);
· Một gọt bút chì;
· Một tẩy;
· Một thước kẻ nhỏ;
Bút chì và tẩy dùng để khoanh hoặc tô đậm ô cần chọn trên tờ phiếu trả lời. bút chì HB vừa đủ độ đậm, vừa đủ độ cứng để không bị gẫy khi làm. Các dụng cụ khác đảm bảo khi bút gãy, hỏng thì ta có dụng cụ thay thế.
2. Một số lưu ý khi vào phòng thi
· Tuyệt đối không mang điện thoại di động hay các thiết bị truyền phát vào phòng thi;
· Tuân thủ quy chế thi;
· Khi nhận được bài thi, kiểm tra ngay xem số trang có đủ không, chất lượng in có tốt không;
· Kiểm tra xem mã đề ghi trên mỗi trang của bài thi có giống nhau không. (Nếu có bất cứ vấn đề gì về bài thi, báo ngay cho giám thị);
· Tô chính xác số báo danh và mã đề lên phiếu trả lời;
· Tuyệt đối không quay cóp, tập trung làm bài.
3. Một số kỹ thuật làm bài trắc nghiệm tiếng Anh
a. Xử lý đề thi:
- Nắm vững lời chỉ dẫn ”instructions” của từng phần thi, gạch dưới các thông tin quan trong trong lời chỉ dẫn.
- Lướt qua toàn bài để xem bố cục và tỷ trọng điểm của từng phần. Các phần có tỷ trọng điểm cao như đọc, từ vựng, ngữ pháp cần được ưu tiên phân bổ thời gian.
Khi làm bài, các em chú ý làm bài theo từng phần (đọc hiểu, viết, ngữ pháp và từ vựng, phát âm). Mỗi phần đều có kỹ thật làm bài riêng. Với mỗi phần trong đề thi, các em chú ý:
- Các đáp án đã cho trong dạng câu trắc nghiệm thường rơi vào 3 nhóm là:
+ Đáp án đúng (chỉ có 1);
+ Đáp án sai hoàn toàn (thường chỉ có 1 và dễ xác định);
+ Đáp án sai đánh lạc hướng (thường có 2 hoặc hơn, có những đặc điểm dễ làm cho thí sinh tưởng là đáp án đúng);
- Khi làm bài, các em phân tích kỹ chỗ trống cần điền v, áp dụng phép loại suy: loại bỏ ngay những phương án sai hoàn toàn, tập trung xem xét những phương án còn lại để chọn ra câu trả lời đúng;
- Bắt đầu làm bài từ câu đầu tiên, khẩn trương làm lượt 1, bỏ qua những câu khó, ưu tiên những câu dễ và chắc chắn. Làm hết đến câu cuối cùng của bài. Sau đó quay lại khẩn trương làm bài lượt hai. Thí sinh cần chú ý làm hết, không nên bỏ lại câu nào.
- Điền thẳng câu trả lời vào phiếu trả lời, Chú ý tô đậm, tròn trịa, sắc rõ phương án được chọn. Đối chiếu số của từng câu (giữa bài thi và phiếu trả lời) để không bị lệch hay lẫn số thứ tự ;
- Nếu sai, tẩy nhẹ và kỹ phần sai, tô lại phần phương án được chọn.
b. Cách làm bài đọc và điền từ vào chỗ trống:
- Bước 1: đọc nhanh cả bài từ đầu đến cuối, không dừng lại khi gặp từ mới hay thông tin chưa hiểu. Mục đích của lần đọc này là tìm hiểu ý chính, cách tổ chức thông tin. Thời gian cho đọc lần một khoảng 30 giây - 1 phút.
- Bước 2: Phân tích chỗ trống cần điền, thí sinh đọc không chỉ câu có chứa chỗ trống cần điền, mà cả câu trước và sau nó để nắm rõ ý và xác định từ cần điền đóng vai trò ngữ pháp là gì, nghĩa là gì, có thể là từ loại nào.
Sau đó phân tích phân tích đáp án cho sẵn, loại đáp án sai, tìm đáp án đúng. Thời gian làm bài khoảng 3 phút-4 phút cho mỗi bài đọc hiểu.
- Bước 3: kiểm tra lại từ đầu đến cuối, tìm sai sót và sửa nếu có. Thời gian khoảng 30 giây - 1 phút.
c. Cách làm bài đọc hiểu
Bài đọc hiểu, với những loại văn bản có nội dung, độ dài, độ khó khác nhau, với mục đích đọc khác nhau thì kỹ thuật làm bài đọc hiểu cũng khác nhau.
Đối với bài đọc hiểu trong đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học và Cao đẳng môn tiếng Anh, các em cần chú ý:
1. Mục đích đọc là tìm thông tin để trả lời các câu hỏi cho trước, không phải là để học từ vựng, ngữ pháp, lại càng không phải là để hiểu hết tất cả các thông tin mà bài cung cấp;
2. Thí sinh phải làm bài trong điều kiện sức ép thời gian và không được sử dụng phương tiện hỗ trợ;
3. Nội dung thuộc một chủ đề quen thuộc nhưng trong bài có một số từ mới;
4. Bài đọc dài. Số lượng câu hỏi nhiều (10 câu hỏi/bài đọc)
Với đặc điểm này, chúng tôi xin hướng dẫn các em luyện tập và làm bài theo các bước như sau:
- Bước 1: Hãy đọc một mạch thật nhanh từ đầu đến hết bài đọc, không dừng lại khi có từ mới. 1 phút để thực hiện bước này và trả lời 2 câu hỏi:
+ Chủ đề của bài này là gì?
+ Các sự kiện của bài diễn ra trong quá khứ hay hiện tại?
+ Bài có mấy khổ, mỗi khổ nói về chủ đề gì?
+ Các em có khoảng 1 phút -1,5 phút để làm bước 1.
+ Mục đích của lần đọc thứ nhất là nắm được nội dung chính của bài, thời gian và bố cục của bài. Việc này giúp các em rất nhiều trong việc suy luận và chọn ra câu trả lời đúng.
- Bước 2: Đọc từng câu hỏi một. Với mỗi câu hỏi, xác định xem thông tin cần tìm trong bài là gì, xác định vị trí thông tin trong bài đọc. Xem cả 4 đáp án đã cho và lựa chọn ra đáp án đúng. Chú ý không dừng lâu ở những câu khó mà bỏ qua.
- Bước 3: kiểm tra lại đáp án và xử lý câu hỏi khó.
d. Cách làm bài viết dạng tìm lỗi
Bài xác định lỗi trong câu cho sẵn của đề thi tốt nghiệp THPT gồm 5 câu. Mỗi câu có 4 từ hoặc cụm từ được gạch dưới. Các lỗi mà các em phải xác định đều phản ánh những nội dung chính về từ vựng, ngữ pháp mà các em đã học, được ứng dụng vào viết câu.
Để làm được loại bài tập này, thí sinh phải ứng dụng các kiến thức đã học về ngữ pháp và từ vựng, chứ không chỉ là kỹ năng viết. Các em cũng cần nắm vững các nhóm lỗi thường gặp trong tiếng Anh.
Dưới đây là một số nhóm lỗi mà các em cần chú ý khi làm bài tập hoặc bài thi dạng này.
- Nhóm 1 - Lỗi chọn từ: nghĩa của từ, từ loại;
- Nhóm 2 - Lỗi liên quan đến thời của động từ, sử dụng và kết hợp thời;
- Nhóm 3 - Lỗi về thành ngữ, động từ thành ngữ;
- Nhóm 4 - Lỗi liên quan đến mệnh đề và dạng câu.
Với hầu hết các dạng lỗi đều đòi hỏi việc ứng dụng kiến thức ngữ pháp và từ vựng vào viết câu. Nắm chắc kiến thức đã học và làm quen với cách phân tích câu sẽ giúp các em làm bài tốt.
Với mỗi câu dạng tìm lỗi, các em có thể thực hiện 3 bước sau:
- Bước 1: đọc cả câu để nắm rõ:
+ Nghĩa cần truyền đạt;
+ Thời và cấu trúc câu/loại câu;
- Bước 2: Dựng câu đúng trên cơ sở đã phân tích;
- Bước 3: so sánh từ/cụm từ được gạch dưới với câu đúng mà mình vừa dựng, xác định lỗi dựa trên các nhóm lỗi chính đã học.
Cả 3 bước này đều diễn ra trong đầu và diễn ra rất nhanh trong vòng khoảng 1 phút/ một câu hỏi thi. Vì thế để làm quen dạng bài này các em nhớ thường xuyên luyện tập.
Các bài tìm lỗi trong câu của đề thi tuyển sinh ĐH và CĐ môn tiếng Anh cũng có các nhóm lỗi như trên và có thêm nhóm 5 là kết hợp nhiều lỗi trong cùng một cụm từ hoặc từ gạch dưới. Số lượng lỗi cần xác định cũng nhiều hơn (2 lỗi trong mỗi câu).
e. Cách làm các câu trắc nghiệm điền chỗ trống.
Các câu trắc nghiệm dạng chọn từ/cụm từ điền vào chỗ trống bao gồm cả phần kỹ năng viết, trắc nghiệm từ vựng, trắc nghiệm ngữ pháp và trắc nghiệm chức năng giao tiếp.
- Bước 1: đọc cả câu để nắm rõ:
+ Nghĩa cần truyền đạt;
+ Thời và cấu trúc câu/loại câu;
- Bước 2: Phân tích chỗ trống cần điền, thí sinh đọc không chỉ câu có chứa chỗ trống cần điền, mà cả câu trước và sau nó để nắm rõ ý và xác định từ cần điền đóng vai trò ngữ pháp là gì, nghĩa là gì, có thể là từ loại nào.
- Bước 3: đọc kỹ cả 4 đáp án đã cho và chọn đáp án đúng : phân tích phân tích đáp án cho sẵn, loại đáp án sai, tìm đáp án đúng.
- Bước 4: kiểm tra lại từ đầu đến cuối, tìm sai sót và sửa nếu có.
Các em lưu ý đây là cách luyện tập và làm bài mà chúng tôi khuyến nghị, nhưng không phải là cách tốt nhất cho mỗi thí sinh.
Để có được kỹ năng làm bài tốt và phân bổ thời gian hợp lý, các em có thể vào trang web của Bộ Giáo dục:
http://www.thituyensinh.vn/?page=1.8 để tải các đề thi từ các năm trước và luyện tập định kỳ.
Khi làm bài, nhớ làm theo thời gian mà bài thi quy định và trong môi trường yên tĩnh, không bị gián đoạn để có thể làm bài liên tục như trong môi trường thi thật. Trong quá trình luyện tập, các em hãy cố gắng tìm ra các kỹ thuật tốt nhất cho bản thân mình.
Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học và cao đẳng môn tiếng Anh trong những năm gần đây đều rất cơ bản, bám sát nội dung học của chương trình THPT.
Cách ra bài thi không có các câu hỏi bẫy hay đánh đố. Nếu các em ôn tập tốt, làm quen với dạng bài thi và chuẩn bị kỹ càng cho ngày thi, các em hoàn toàn có thể đạt điểm tốt.