Tác hại dễ nhận thấy nhất của thói quen trì hoãn là trẻ sẽ khó hoàn thành công việc cũng như những mục tiêu trong cuộc sống. Điều này sẽ làm đánh mất hoặc bỏ lỡ những cơ hội tốt của trẻ, tạo nên nét tính cách thiếu tích cực.
Vậy, để giúp trẻ bỏ thói quen trìhoãn, bạn hãy thử áp dụng 5 tuyệt chiêu dưới đây:
1. Lắng nghe lý do của trẻ
Trẻ không học bài, làm việc ba mẹ giao có thể vì trẻ có lý do của mình. Vì vậy, bố mẹ hãy trò chuyện để trẻ chia sẻ lý do của việc trì hoãn.
Nếu đó là những lý do chính đáng như vì bài vở quá khó, trẻ không thể làm được hay vì việc đó trẻ không biết làm, vượt ngoài khả năng của trẻ… bố mẹ nên hỗ trợ giảng bài cho con. Ngược lại, nếu vì ham chơi, mê xem tivi, làm biếng… thì bạn nên yêu cầu trẻ học bài, hoàn thành việc đã được giao.
2. Tạo cho trẻ thói quen học tập, sinh hoạt khoa học
Một trong những lý do khiến trẻ có thói quen trì hoãn vì trẻ chưa có thói quen học tập, sinh hoạt khoa học. Bố mẹ nên hỗ trợ, hướng dẫn trẻ biết cách lập thời khóa biểu cho mỗi ngày. Điều này sẽ giúp trẻ biết cách sử dụng thời gian hiệu quả và có ý thức hơn về trách nhiệm của mình.
3. Thảo luận khi giao việc cho trẻ
Khi giao cho trẻ làm việc gì, ba mẹ nên dành thời gian thảo luận với trẻ về những bước cần làm, thời gian hoàn thành công việc được giao. Đồng thời, cho trẻ biết rằng mình sẽ thường xuyên kiểm tra về tiến độ hoàn thành công việc của trẻ. Nếu trẻ có thắc mắc gì, bố mẹ nên giải thích hay hướng dẫn ngay để trẻ bắt tay vào công việc được giao.
4. Chia nhỏ công việc giao cho trẻ
Nếu đã giao cho trẻ học, làm bài hay phụ bố mẹ, ông bà làm công việc trong nhà nhưng trẻ vẫn tìm mọi cách để trì hoãn, bạn hãy khoan nản lòng. Thay vào đó, nên chia nhỏ công việc ra để trẻ thực hiện.
Chẳng hạn, nếu yêu cầu trẻ dọn dẹp phòng của mình, bạn nên chia nhỏ thành yêu cầu dọn bàn học, sau đó dọn phòng ngủ, tủ quần áo… Lúc này trẻ sẽ không có lý do để trì hoãn cũng như cảm thấy vừa sức, thoải mái hơn với yêu cầu được giao.
5. Cho trẻ thấy hậu quả của việc trì hoãn
Chẳng hạn, khi đã nhắc nhở trẻ học/làm bài nhưng con vẫn trì hoãn, bố mẹ hãy thử để trẻ trải nghiệm hậu quả của việc mình gây ra. Trẻ sẽ không học/làm bài kịp, không thuộc, làm bài không tốt… bị thầy cô nhắc nhở, nêu gương trước lớp, bài kiểm tra điểm không cao… Cảm giác này sẽ nhắc nhở trẻ có ý thức hơn, dần dần từ bỏ thói quen thích trì hoãn.
Với 5 “tuyệt chiêu” đơn giản nêu trên, bố mẹ sẽ dần giúp con từ bỏ thói quen trì hoãn và hình thành nên thói quen tốt, thực hiện công việc một cách nhanh chóng, khoa học, có trách nhiệm, góp phần hoàn thiện nhân cách và thành công hơn trong cuộc sống.