Lấy ví dụ từ Trường ĐH Vinh, theo GS Đinh Xuân Khoa, nhà trường đào tạo đa ngành, trong đó có 14 ngành đào tạo giáo viên các bậc học có trình độ đại học. Trước đây, hàng năm trường tuyển khoảng 2.000 chỉ tiêu sư phạm. Nhưng giai đoạn 2010 đến 2015, chỉ tiêu sư phạm giảm dần.
Năm 2016, Trường ĐH Vinh được giao 810 chỉ tiêu sư phạm. Năm 2017, tiếp tục thực hiện chủ trương cắt giảm chỉ tiêu sư phạm (giảm 20%), trường được giao 650 chỉ tiêu sư phạm.
"Thông kê, đợt I, Trường ĐH Vinh có có 638 thí sinh hệ sư phạm đến xác nhận nhập học; trong đó có 44 thí sinh có điểm thi dưới 18 điểm chiếm 7%; 594 thí sinh có điểm xét tuyển trên 18 điểm chiếm tỷ lệ 93%.
Những ngành cơ hội tìm việc cao, nhu cầu tuyển dụng lớn thì điểm chuẩn cao, ví dụ ngành Sư phạm Mầm non lấy 27 điểm; Sư phạm Tiểu học 22 điểm" - GS Đinh Xuân Khoa cho hay.
Trao đổi về việc dư luận xã hội băn khoăn về điểm chuẩn các ngành sư phạm thấp, từ số liệu nêu trên, GS Đinh Xuân Khoa khẳng định không phải tất cả đều thấp. Với việc điểm chuẩn thấp, do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do cơ hội tìm việc sau tốt nghiệp giảm.
"Chúng tôi thừa nhận điểm chuẩn thấp thì khó khăn hơn trong đào tạo. Tuy nhiên, xác định được khó khăn đó chúng ta sẽ có giải pháp để đào tạo tốt. Vấn đề là đào tạo có đáp ứng chuẩn đầu ra của nhà trường hay không?
Ở Trường ĐH Vinh, đối với ngành sư phạm, khi vào trường, sinh viên sẽ được học bổ túc thêm kiến thức. Nhà trường thực hiện chương trình, quy trình đào tạo nghiêm túc kết hợp với rèn nghề, thực tế, thực tập,...
Những em tốt nghiệp ra trường đáp ứng tốt yêu cầu của phổ thông. Nhiều sinh cựu sinh viên của trường đang là giáo viên cốt cán ở các bậc học, giáo viên giỏi các bộ môn" - GS Đinh Xuân Khoa chia sẻ.
Bàn về giải pháp, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho rằng, trong tình hình hiện nay cần thực hiện ngay việc quy hoạch hệ thống đào tạo giáo viên. Đồng thời, kiểm soát chặt chỉ tiêu; tạm dừng hoặc không giao chỉ tiêu những cơ sở không có uy tín, nhất là các trường cao đẳng, trường trung cấp...