Tuyển sinh sau đại học – cuộc chiến mới của người trẻ Trung Quốc

GD&TĐ - Gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc được đánh giá là một trong kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới.

Tân cử nhân Trung Quốc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học.
Tân cử nhân Trung Quốc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học.

Nhưng trong những năm trở lại đây, kaoyan, kỳ thi tuyển sinh sau đại học của Trung Quốc, đã vượt qua gaokao cả về độ khó lẫn mức độ cạnh tranh.

Năm 2022, 4,57 triệu người đăng ký kaoyan, tăng kỷ lục 21% so với năm 2021. Tuy nhiên, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học không theo kịp mức tăng đột biến này dẫn đến tỷ lệ nhập học giảm tới 24%.

Thể lệ tuyển sinh cũng không có nhiều thay đổi dẫn đến tỷ lệ chọi cao và khả năng trúng tuyển ngày càng khó. Trong 10 năm qua, tính cạnh tranh của kỳ thi sau đại học đã trở nên gay gắt đến mức những thí sinh dự thi coi nó là “gaokao phiên bản cấp cao”.

Từ khi Trung Quốc mở rộng hệ thống giáo dục đại học vào cuối những năm 1990, tỷ lệ nhập học đại học tăng từ 34% vào năm 1998 lên 92% vào năm 2021. Giờ đây, bằng đại học đã trở nên phổ biến tại xứ tỷ dân. Sinh viên muốn khẳng định vị thế cá nhân trên thị trường việc làm đã chuyển trọng tâm từ trúng tuyển đại học sang trúng tuyển trường hàng đầu như Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Số khác, những người chỉ trúng tuyển các trường đại học trung bình, khá, phải chuẩn bị cho kỳ thi sau đại học. Đây được coi là cơ hội thứ hai để chứng tỏ bản thân và giành “một chân” trong cuộc chiến tìm việc làm.

Theo khảo sát, ứng viên đăng ký dự thi kaoyan năm nay chủ yếu là tân cử nhân, những người trúng tuyển đại học vào năm 2018. Cùng năm, Trung Quốc đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh đại học lên 91.000 so với năm trước. Nhưng thị trường việc làm hiện nay bị thắt chặt do đại dịch Covid-19.

Giáo sư Wu Xiaogang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội ứng dụng, cho biết: Khi bằng đại học trở nên phổ biến, các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều tiêu chí tuyển dụng mới khiến nhu cầu học cao học bùng nổ. Các ứng viên trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn so với những đồng nghiệp lớn tuổi, vốn giàu kinh nghiệm. Bằng cấp đại học của các em cũng dần mất giá trị.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với thử thách là lực lượng lao động được đào tạo chuyên môn quá mức cần thiết. Hiểu một cách đơn giản, trình độ học vấn của một nhân viên Trung Quốc hiện nay đang vượt quá yêu cầu đối với công việc của họ.

Hiện tượng này cũng phổ biến ở các nước có nền kinh tế công nghiệp phát triển. Theo các nhà nghiên cứu, vào đầu thế kỷ 21, tỷ lệ học quá trình độ chuyên môn ở Mỹ là 20%, ở Vương quốc Anh là 22%. Đây là sản phẩm của việc lạm phát bằng cấp, cụ thể là lạm phát bằng đại học, trong 50 năm.

Giáo sư Wu Xiaogang cho biết: “Ở cấp độ cá nhân, học quá trình độ chuyên môn nghĩa là chúng ta được hưởng lợi ít hơn từ việc học và giảm mức độ hài lòng trước công việc phù hợp với bằng đại học. Ở cấp độ xã hội, học quá cao là sự lãng phí to lớn vào đầu tư vốn con người”.

Tuy nhiên, GS Xiaogang nhận định giáo dục mang ý nghĩa to lớn trong văn hóa Trung Quốc. Trong khi Mỹ, Anh đã giảm được vấn đề này khi ngày càng nhiều học sinh trung học chọn các hướng đi khác biệt thay vì học đại học. Ngược lại, tư duy của người dân Trung Quốc vẫn là học càng cao, ở bất kỳ lĩnh vực nào, càng tốt.

“Chính vì lý do này, người trẻ Trung Quốc sẽ luôn đuổi theo bằng đại học và cao học. Nếu tư duy “quan trọng hóa” bằng cấp không thay đổi, các kỳ tuyển sinh của Trung Quốc càng trở nên căng thẳng hơn”, ông Xiaogang bày tỏ.

Theo Sixth Tone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.