Kỳ thi Gaokao 2019 diễn ra vào 2 ngày ngày 7-8/6 vừa qua tiếp tục có tên thí sinh Yao Keliang tham dự, cùng với 10 triệu thí sinh khác.
"Bỏ nhiều công sức cho kỳ thi, tôi không muốn kết thúc khi chưa đạt thành tích mong muốn", ông Yao Keliang chia sẻ lý do thi lần thứ tư.
“Không có kết thúc cho sự học và tôi hi vọng sẽ đạt được điểm số tốt trong năm nay để có thể trở thành một sinh viên ngành Văn học”, ông nói thêm.
Ông Yao đã viết một số bài báo về cuộc đời của mình khi nghỉ hưu và năm 2001 đã hoàn thành một cuốn tiểu thuyết 300.000 từ.
Trước đó, ông Yao từng tham gia 3 kỳ thi gaokao vào các năm 2012, 2014 và 2018 với mục tiêu đỗ vào một trong những trường hàng đầu Trung Quốc, như Đại học Bắc Kinh hoặc Đại học Sư phạm Bắc Kinh nhưng không đủ điểm.
Không từ bỏ, quyết định thi lại vào năm nay. Yao cho biết, có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng ông tham gia kỳ thi "khắc nghiệt nhất thế giới" này.
Cụ ông không tham gia lớp ôn luyện nào, ông cho rằng sách là giáo viên tốt nhất của mình.Ông dành khoảng 4 giờ mỗi ngày để ôn luyện. Mắt kém, không còn nhìn rõ chữ nên ông Yao phải dùng kính lúp học bài.
"Tôi phải làm việc nhà. Tôi xem TV vào ban đêm, chú ý đến các vấn đề xã hội", ông nói. Môn học khó nhất đối với cụ ông 85 tuổi là toán học. "Nếu tôi có thể vượt qua môn toán, các môn học khác dễ hơn nhiều”, thí sinh cao tuổi chia sẻ.
Con của cụ ông Yao Keliang ủng hộ quyết tâm của bố mình. Bây giờ ông sống một mình và không lo lắng về kỳ thi. Năm nay, Yao vui mừng vì được thi cùng cháu gái, nhưng không coi đó là cuộc cạnh tranh.
Sự bền bỉ của Yao khiến cộng đồng khâm phục, đặt biệt danh cho ông là "Ông ngoại gaokao". Còn Yao hi vọng những gì đang làm sẽ truyền cảm hứng cho mọi người về tinh thần học tập.
Địa điểm thử nghiệm cách nhà cụ ông Yao Keliang khoảng 1km và ông dự định đến đó bằng xe buýt.
Gaokao được xem là kỳ thi quan trọng nhất ở Trung Quốc, quyết định tương lai của hầu hết người trẻ Trung Quốc, san bằng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
Thí sinh sẽ thi 4 môn, mỗi môn 3 tiếng, gồm: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh, Hóa, Lý), hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa, Sử, Chính trị).
Trước đây, Gaokao giới hạn thí sinh tham gia phải dưới 25 tuổi và chưa kết hôn. Từ năm 2001, quy định này được bãi bỏ, không ít người đã đăng ký tham dự kỳ thi nhiều lần để thực hiện ước mơ đỗ đạt vào đại học.