Bất ngờ và băn khoăn với nguyện vọng tuyển sinh
Thay đổi liên quan đến nguyện vọng đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 mới được UBND TP.Hà Nội phê duyệt. Trong đó, quy định học sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 theo hộ khẩu thường trú, phân theo khu vực tuyển sinh khiến nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn.
Ở những mùa tuyển sinh trước, Hà Nội quy định để làm căn cứ cho việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển, toàn thành phố được phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh hoặc phụ huynh có hộ khẩu thường trú ở khu vực tuyển sinh nào, được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đó.
Tuy nhiên, năm nay, kế hoạch tuyển sinh vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 19/2 quy định mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường THPT công lập thay vì 2 nguyện vọng như trước. Tuy nhiên, quy định nêu rõ nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú. Thành phố vẫn phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh nhưng học sinh không được đổi khu vực tuyển sinh.
Quy định này khiến nhiều phụ huynh, học sinh bất ngờ và băn khoăn vì nếu căn cứ theo các khu vực tuyển sinh thì không phải khu vực nào cũng có các trường THPT công lập chất lượng tương đương nhau. Nếu quy định bắt buộc phải đăng ký 2 nguyện vọng trong khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú thì cơ hội lựa chọn trường THPT công lập theo nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 sẽ giảm đi.
Những tiêu chí chọn trường cần lưu ý
Với kinh nghiệm chọn trường cho ba con (sinh 3) vào lớp 10 năm học vừa qua, cô Hứa Thu Huyền (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) cho biết: Là người công tác lâu năm trong ngành giáo dục, tôi luôn an tâm về chất lượng giáo dục đại trà. Do vậy, đối với các con của mình, tôi hướng các cháu tập trung học tập tốt nhất ở bất kỳ môi trường nào. Việc chọn trường để chuyển cấp, ưu tiên đầu tiên của chúng tôi luôn là gần nhà để thuận tiện việc đi lại.
“Các con tôi đều có học lực khá tốt, có đủ khả năng để đăng ký xét tuyển vào các trường gọi là có “danh tiếng” nhưng các cháu đều vui vẻ, phát triển tốt ở một trường THPT gần nhất với nơi ở của gia đình, với cự li chưa đầy 1km. Và tôi chưa khi nào không hài lòng với những gì các con học được ở “trường làng”, thậm chí còn tự tin vì với đủ thứ tiết kiệm mà các con không hề thua kém học sinh bất cứ đâu.”, cô Hứa Thu Huyền chia sẻ.
Trước những băn khoăn của nhiều phụ huynh về đăng ký nguyện vọng theo khu vực tuyển sinh, NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam khẳng định, đây là những trăn trở rất thực tế và phải nhìn nhận để cùng với Sở GD-ĐT Hà Nội tháo gỡ. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay phụ huynh đang chỉ chăm chăm tìm trường, chọn trường nhưng cơ bản phụ huynh cần phải lưu ý nhìn nhận và đánh giá năng lực, sở trường của con mình cũng như hoàn cảnh của mỗi gia đình.
Theo đó, ngoài việc Sở GD-ĐT Hà Nội cần tiếp thu các ý kiến nhưng ngược lại, trong vai trò là khoa học nghiên cứu, tôi kiến nghị các phụ huynh cần suy nghĩ lại để làm sao tác động đúng với năng lực từng học sinh. Đây là điều quan trọng nhất. Trường nào giúp cho con em mình phát triển được, tạo ra sự thuận lợi cho các em, tạo ra sự tự tin để các em phấn đấu và chưa chắc các trường bình thường lại không tạo cho các em sự tự tin để chứng tỏ năng lực bản thân.
Chị Bùi Thị Hoà, sinh năm 1982 (Gia Lâm, Hà Nội) kể, thời của chị, phụ huynh không ai phải nghĩ đến chọn trường cấp 3 cho con, trường công lập là lựa chọn duy nhất. Cả huyện quê chị chỉ có một trường cấp 3 duy nhất, huyện nào rộng mới có hai trường và phân tuyến theo cụm xã. Tuy nhiên, nhiều bạn bè của chị cùng bao nhiêu thế hệ học sinh đều rất thành đạt.
Dù xu thế phụ huynh ngày nay có nhiều thay đổi song, con gái chị Hoà năm nay chuẩn bị vào lớp 10 nhưng chị không quá băn khoăn về vấn đề đăng ký nguyện vọng. Bởi chị nghĩ, khu vực tuyển sinh nào cũng có trường tốt phù hợp với con mình. Tiêu chí trường gần nhà cũng là ưu tiên đầu tiên chị Hoà đề nghị con cân nhắc bởi đi lại xa sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con trong cả quãng thời gian học tập dài, con sẽ được tự lập không phải ai đưa đón. Bên cạnh đó, chị để con tự đăng ký nguyện vọng dựa vào sức học của con mình, không đăng ký theo bạn bè vì ngôi trường đó phù hợp với bạn chứ chưa chắc phù hợp với mình.
Đồng tình với quan điểm của chị Hoà, T Nguyễn Tùng Lâm cho rằng hiện tại nhiều phụ huynh đang bị tâm lý đua vào các trường được cho là tốp theo tâm lý đám đông. Vì vậy, TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên hữu ích, các phụ huynh đừng nên mê tín chọn trường mà hãy chọn thầy, đồng thời phải căn cứ vào năng lực của con em mình, hoàn cảnh gia đình mình.