Với nhiều cách làm mới, thực chất chắc chắn sẽ giúp cha mẹ, học sinh lựa chọn được hướng đi phù hợp nhất.
Hỗ trợ phụ huynh “chuyển đổi số”
Năm học 2023 - 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh khối 10 tại Điện Biên là 189 lớp, 7.485 học sinh, tỷ lệ 39,6 học sinh/lớp. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Điện Biên, trong quá trình tổ chức tuyển sinh, tùy tình hình thực tế, ngành sẽ có điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp.
Năm 2023, TPHCM ứng dụng chuyển đổi số trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Mọi khâu trong đăng ký nguyện vọng đều được sử dụng công nghệ thông tin. Vì vậy muốn làm tốt, tận dụng được tối đa hiệu quả của công nghệ số mang lại, trước hết phụ huynh cần nắm vững và hiểu rõ cách thức mới này.
Tại Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp), trước khi sở GD&ĐT mở cổng đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường đã họp phụ huynh khối 9 để tuyên truyền những điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay. Theo cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Thu, qua nắm bắt thực tế, nhiều phụ huynh chia sẻ sự hoang mang khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh lớp 10. Nhất là những cha mẹ không sử dụng điện thoại thông minh, nên khi được hỗ trợ những thắc mắc đã giúp họ chủ động hơn trong việc đăng ký nguyện vọng cho con mình.
“Năm học 2022 - 2023, khối 9 của trường có 297 học sinh. Điểm mới năm nay là việc tải app về đăng ký nguyện vọng. Nhà trường nhận định phụ huynh sẽ gặp phải không ít khó khăn. Bởi, thực tế tại trường vẫn còn nhiều trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc có em ở với ông bà lớn tuổi, cuộc sống khá vất vả.
Do đó, nhà trường đã lên kế hoạch hướng dẫn cho phụ huynh tải và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 qua app như: Tạo clip hướng dẫn phụ huynh thực hiện các thao tác cài đặt phần mềm hoặc bố trí một nhóm giáo viên hướng dẫn phụ huynh cài đặt app và thực hiện các thao tác chọn nguyện vọng vào cuối buổi chiều ở một số buổi trong tuần”, cô Thu chia sẻ.
Tương tự, Trường THCS Minh Đức (Quận 1) cũng xây dựng bộ phận tư vấn hỗ trợ phụ huynh có con em khối 9 đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 trực tuyến. Đội ngũ này gồm giáo viên chủ nhiệm và những thầy cô có kỹ năng về công nghệ thông tin. Cùng với đó là mở cửa phòng máy của trường để hỗ trợ phụ huynh gặp khó khăn khi đăng ký nguyện vọng.
Còn tại Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), trong công tác tư vấn phân luồng và đăng ký nguyện vọng đối với học sinh khối 9, năm 2023 này, lần đầu tiên đơn vị triển khai hình thức họp 1 giáo viên và 1 phụ huynh (1-1). Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên môn Ngữ văn, chủ nhiệm lớp 9/7, chia sẻ: “Do phụ huynh đăng ký nguyện vọng qua app nên cần sự hướng dẫn nhiều hơn từ giáo viên chủ nhiệm. Với hình thức họp 1-1 sẽ dễ dàng hướng dẫn, giúp cha mẹ nắm bắt rõ các thao tác để đăng ký nhanh chóng, chính xác nguyện vọng cho con em mình”.
Năm học 2022 - 2023 chưa kết thúc, song những thông tin tuyển sinh đầu vào THPT năm học mới được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm tìm hiểu. Mới đây, ngành Giáo dục Điện Biên đã ban hành Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024, với không ít thay đổi.
Theo đó, kỳ thi tuyển sinh vào 10 dự kiến diễn ra từ ngày 2 - 3/6. Ngoài 11 trường có truyền thống thi tuyển, 3 trường bổ sung năm học 2022 - 2023, ngành tiếp tục tăng thêm 5 trường ở các địa bàn vùng khó. Đó là Trường THPT Tủa Chùa, Nậm Pồ, Trần Can, Mường Chà, Mường Nhé.
Học sinh lớp 9 Trường PTDTBT THCS Nà Bủng tham dự buổi truyền thông tuyển sinh vào lớp 10. |
Ngoài ra, đối tượng tuyển sinh cũng mở rộng hơn. Nhiều trường THPT cấp huyện trước đây chỉ bó hẹp tại một số khu vực, xã, thị trấn, nay được tuyển sinh trên toàn địa bàn. Riêng 4 trường: THPT chuyên Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh, TP Điện Biên Phủ và PTDTNT tỉnh tuyển sinh trong toàn tỉnh. Để chủ động trong công tác tuyển sinh, ngay khi nhận được kế hoạch của ngành, các trường THPT đã bắt tay xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp tình hình và nhu cầu thực tế.
Năm học tới, Trường THPT huyện Nậm Pồ được giao chỉ tiêu tuyển sinh 252 học sinh lớp 10, tăng 22 em so với năm học 2022 - 2023. Thầy Hiệu trưởng Lương Đình Tuấn cho biết: Năm đầu triển khai thi tuyển thay vì xét tuyển nên đơn vị chủ động từ sớm để kịp thời nắm bắt nhu cầu, xử lý vướng mắc phát sinh nếu có.
Theo đó, nhà trường đã thành lập các đoàn giáo viên về từng trường THCS, UBND xã trong toàn huyện. Bên cạnh việc thông tin các điểm mới đáng chú ý trong kế hoạch tuyển sinh của ngành, nhà trường, thầy cô còn có nhiệm vụ quan trọng là nắm bắt tâm lý, tuyên truyền, vận động.
“Việc đầu tiên chúng tôi xác định là phải làm tốt công tác thông tin và tuyên truyền. Vừa để phụ huynh, học sinh nắm bắt được những thay đổi này, đồng thời tạo sự đồng thuận. Bước đầu ghi nhận, một số học sinh, phụ huynh có tâm lý lo lắng. Nhà trường phải động viên, ổn định tâm lý”, thầy Tuấn chia sẻ.
Sau khi nắm bắt những thông tin này, cũng như nhiều học sinh khác, em Vàng A Bình, Trường PTDTBT THCS Nà Bủng vừa mừng vừa lo. Bình cho hay: Tâm lý chung của học sinh vùng khó là sợ thi cử. Tuy nhiên, khi lắng nghe các thầy cô phân tích, em yên tâm hơn. Đồng thời cũng lên kế hoạch cho chặng đường học tập của bản thân.
“Mục tiêu của em là cố gắng để thi vào trường THPT huyện. Tuy nhiên, nếu không được cũng không sao. Khi được thầy cô tuyên truyền, giải thích thì em hiểu đó không phải là con đường duy nhất. Lực học của em hơi yếu, nếu không thi được vào lớp 10, em sẽ đi học nghề. Tại đó, em vẫn có thể hoàn thành chương trình THPT, lại sớm có việc làm, thu nhập”, Bình cho hay.
Tiết dạy của thầy Võ Kim Bảo. |
Tư vấn chuyên sâu để chọn đúng và trúng
Cũng theo thầy Võ Kim Bảo, cái hay của hình thức họp phụ huynh 1-1 là giáo viên chủ nhiệm sẽ tiếp cận từng người để có thể tư vấn dựa theo nhu cầu, mong muốn. Tất nhiên phải dựa trên kết quả học tập cũng như tính cách, khả năng, năng lực chịu áp lực của học sinh đó để từ đó chọn ra 3 nguyện vọng phù hợp nhất.
Giáo viên chủ nhiệm cũng dựa vào kinh nghiệm, hiểu biết của mình về trường các em chọn để vạch ra hướng cho phụ huynh nắm rõ. Đặc biệt đây cũng là dịp để phụ huynh gặp trực tiếp thầy cô và phụ huynh khác, từ đó có cái nhìn đầy đủ hơn khi chọn trường cho con.
Chia sẻ rõ hơn về hình thức họp 1-1, cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cho hay, với hình thức họp đại trà trước đây, phụ huynh thường ngại đặt câu hỏi cho giáo viên chủ nhiệm. Có rất ít trường hợp ở lại gặp riêng giáo viên hỏi sâu về tình hình học tập của con để đăng ký nguyện vọng, nhất là với những phụ huynh mà con có sức học yếu, trung bình. Do vậy, hằng năm vẫn còn tình trạng phụ huynh học sinh đăng ký chưa sát với năng lực học tập của con, đăng ký theo cảm tính hơn là nguyện vọng của con.
“Nhà trường luôn hướng đến việc giúp phụ huynh học sinh khối 9 nhận diện được năng lực học tập và chọn lựa môi trường học phù hợp nhất cho con mình. Điều này rất khó khăn vì quan niệm của một số ba mẹ vẫn luôn mong cho con học tại các trường THPT công lập tốt mà chưa quan tâm đến sức học.
hận diện được năng lực học tập và chọn lựa môi trường học phù hợp nhất cho con mình. |
Đổi hình thức tư vấn theo hướng chuyên sâu 1-1 sẽ giúp giáo viên, phụ huynh cùng nắm bắt và hiểu rõ hơn về tâm tư nguyện vọng, năng lực để hỗ trợ học sinh chọn hướng học tập phù hợp nhất. Ngoài ra, hình thức này cũng giúp giáo viên chủ nhiệm cung cấp rõ ràng thông tin về những thay đổi ở bậc THPT theo Chương trình GDPT 2018 để phụ huynh quan tâm khi lựa chọn nguyện vọng”, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du trao đổi.
Còn theo cô Hoàng Thị Thu, trong công tác tư vấn chọn nguyện vọng, đôi khi phụ huynh chưa hiểu hết được năng lực học tập của con, nên đưa ra quyết định chưa phù hợp. Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng thông tin để ba mẹ hiểu rõ rằng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 không đơn giản, mà là một cuộc cạnh tranh.
Vì thế, vào buổi họp cuối học kỳ II, thầy cô chủ nhiệm sẽ thông tin cho từng phụ huynh nắm rõ trường THPT có điểm chuẩn đầu vào của năm học trước ở tốp đầu, tốp 2, tốp 3, qua đó tư vấn chọn nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 phù hợp năng lực của học sinh. Đặc biệt, giáo viên cũng lưu ý phụ huynh khi chọn 3 nguyện vọng phải có khoảng cách về điểm chuẩn nhằm tránh việc khi chọn nguyện vọng các trường lại có điểm đầu vào gần bằng nhau, dễ dẫn đến việc học sinh mất cơ hội vào lớp 10.
“Xác định tư vấn là một quá trình dài hơi, vì vậy ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu đã triển khai từng bước rất chặt chẽ. Nhờ làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, phụ huynh đã cùng con mình chọn nguyện vọng đúng khả năng học tập. Vì vậy, hằng năm, trường luôn có tỷ lệ học sinh đậu vào lớp 10 công lập trên 80%/tổng số thí sinh dự thi”, cô Thu thông tin.
Trường THCS Gò Vấp tổ chức họp phụ huynh thông tin những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023. |
Nâng dần chất lượng giáo dục ở vùng khó
Năm thứ 2 tổ chức thi tuyển thay vì xét tuyển nên Trường THPT huyện Tuần Giáo vừa đúc rút được kinh nghiệm, đồng thời bước đầu có đánh giá từ sự thay đổi này. Thầy Hoàng Xuân Bình, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Từ năm học 2022 - 2023, trường giảm quy mô, thực hiện thi tuyển với 350 chỉ tiêu (giảm từ 20 - 50 em so với các năm trước).
“Qua bước sàng lọc này, nhà trường đã lựa chọn được học sinh có động lực học tập tốt hơn. Tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng của khối lớp 10 năm nay giảm hẳn so với những năm trước. Đồng thời cũng tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018”, thầy Bình nhìn nhận.
Ngoài ra, trước đây, nhà trường chỉ tuyển theo vùng là khu vực thị trấn; các xã: Quài Cang, Quài Nưa, Nà Sáy, Mường Thín, Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng. Tuy nhiên, kỳ thi tới đây, đơn vị được mở rộng tuyển sinh trên toàn địa bàn. Vì thế, trường kỳ vọng chất lượng đầu vào tiếp tục được nâng lên khi có sự canh tranh, chọn lọc.
Còn theo Hiệu trưởng Trường THPT huyện Nậm Pồ, việc thi tuyển sẽ tạo áp lực, song cũng mang lại nhiều thuận lợi. Đặc biệt là việc chủ động hơn trong triển khai Chương trình GDPT mới. “Trong quá trình đăng ký thi tuyển đồng thời cũng cho học sinh đăng ký, lựa chọn tổ hợp môn. Nhờ đó, trường sẽ nắm bắt được nhu cầu của các em để chủ động sắp xếp, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho năm học”, thầy Tuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, cho biết: Để không tạo áp lực và gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh, học sinh, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm tới đây sẽ không có sự thay đổi quá lớn. Đối với các trường THPT và PTDTNT cấp huyện vẫn duy trì 3 môn thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Tuy nhiên, ngành xác định mục tiêu sẽ nâng dần chất lượng giáo dục THPT.
Theo định hướng của Bộ GD&ĐT tối đa 70% học THPT và 30% học nghề. |
Vì thế, bên cạnh việc tăng dần số lượng trường tổ chức thi tuyển đầu vào, mở rộng địa bàn tuyển sinh để có sự chọn lọc thì kỳ thi năm nay sẽ có một số thay đổi nhất định. Riêng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thi thêm 1 môn chuyên. Các môn Toán, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; môn Tiếng Anh kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm, với việc thi kiến thức ngôn ngữ cùng 3 kỹ năng nghe, đọc, viết.
“Những thay đổi này hướng tới nâng cao chất lượng toàn diện ở các cơ sở giáo dục và đảm bảo phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS theo định hướng của Bộ GD&ĐT (tối đa 70% học THPT và 30% học nghề). Với định hướng này, các năm tới ngành tiếp tục mở rộng thêm các trường thi tuyển và thay đổi chỉ tiêu, đối tượng, môn thi... phù hợp với tình hình. Thông qua kết quả tuyển sinh vào lớp 10, ngành cũng có đánh giá sát thực nhất về chất lượng các trường THCS. Từ đó xây dựng giải pháp đào tạo hiệu quả hơn”, ông Đoạt cho hay.
“Họp phụ huynh 1-1 với nhiệm vụ quan trọng nhất là chọn trường, nguyện vọng cho sát, tránh tối đa tình trạng trò bị rớt cả 3 nguyện vọng. Cách đây 2 năm, nhà trường có 1 trường hợp học lực tốt, nhưng do chọn nguyện vọng khá cao, trong khi đó khi đi thi tâm lý không ổn định nên kết quả bài thi kém dẫn đến trượt cả 3 nguyện vọng. Với em này, nhà trường, thầy cô cũng rất tiếc”, thầy Võ Kim Bảo chia sẻ.