Tuyển sinh lớp 10: Ai chịu trách nhiệm? (Bài 2)

GD&TĐ - Bất thường trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại một số địa phương thời gian qua khiến dư luận bức xúc...

Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2024 của TP Hải Phòng. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2024 của TP Hải Phòng. Ảnh: gdtd.vn

Dư luận đòi hỏi cần xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm Quy chế tuyển sinh.

Sai đâu xử lý đó

Theo bà Tăng Thị Ngọc Mai – đại biểu Quốc hội khóa XIV, những thay đổi kết quả sau khi chấm phúc khảo của một số thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập ở Thái Bình, Hải Phòng cho thấy bất cập từ công tác tổ chức, trong đó có khâu chấm thi.

Dù ở công đoạn nào nhưng để xảy ra hạn chế, thiếu sót, vi phạm, trách nhiệm trước hết thuộc hội đồng chấm thi, phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; trong đó có người đứng đầu sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, để làm rõ, cần mở cuộc điều tra nhằm truy cứu trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.

Nhấn mạnh, mỗi quy trình, công đoạn của kỳ thi đều được phân vai, giao nhiệm vụ rõ ràng đến từng bộ phận, cá nhân. Do đó, quan điểm của bà Tăng Thị Ngọc Mai là, cá nhân nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Sai đâu xử lý đó, lỗi ở đâu thì khắc phục triệt để nhằm lấy lại niềm tin của thí sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.

Trước mắt, các địa phương cần xây dựng Quy chế thi chặt chẽ, với quy trình, công đoạn tường minh, kín kẽ. Tuy nhiên, dù quy chế chặt chẽ đến đâu cũng chỉ là văn bản trên giấy nên nếu con người chủ ý, cố tình sai phạm thì không khó để họ “ra tay, can thiệp”.

Vì thế, bà Tăng Thị Ngọc Mai nhìn nhận, khâu lựa chọn nhân sự tham gia vào các công đoạn “nhạy cảm” của kỳ thi như: Ra đề, coi thi, chấm thi là yếu tố quan trọng, then chốt. Chỉ khi nào các cán bộ làm thi nhận thức đầy đủ trách nhiệm, có lương tâm và tự trọng nghề nghiệp thì “những bất thường” mới không xảy ra.

Ở thời điểm này, dư luận chưa nên vội vàng kết luận các cá nhân liên quan có hành vi tham nhũng, làm sai lệch kết quả thi. TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) trao đổi, mọi việc sẽ được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Khi đó, cá nhân sai phạm (nếu có) sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm sai phạm là biện pháp răn đe cho những địa phương và kỳ thi khác rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, để xảy ra lùm xùm nêu trên, có trách nhiệm không nhỏ của chính quyền địa phương; trong đó gồm cả người đứng đầu sở GD&ĐT.

Ai chiu trach nhiem (2).jpg
Ông Phạm Văn Nghiêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình kiểm tra một điểm thi tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 trên địa bà. Ảnh: thaibinhtv.vn

Làm rõ trách nhiệm của các khâu liên quan

Cho rằng, hiện tượng điểm phúc khảo thi vào lớp 10 ở một số địa phương tăng đột biến với nhiều trường hợp là điều bất thường, TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) đặt vấn đề, cơ quan chức năng đã vào cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân và sẽ có hướng giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu chấm phúc khảo tăng giảm 1 - 2 điểm và chỉ xảy ra ở một vài trường hợp thì có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, kết quả chấm phúc khảo ở nhiều trường hợp tăng lên đến 6 - 7 điểm, khiến thí sinh từ trượt thành đỗ là câu chuyện bất thường; thậm chí có dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật.

So sánh giữa điểm được công bố với điểm chấm phúc khảo của thí sinh có sự chênh lệch nhau, LS Đặng Văn Cường mong muốn, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu kết quả xác minh cho thấy, cán bộ sai do trình độ năng lực yếu, kém khiến thí sinh từ trượt thành đỗ hoặc đỗ thành trượt thì cần xem xét, bố trí lại vị trí việc làm cho phù hợp và có thể xem xét xử lý kỷ luật. Tình huống này thường xảy ra với những người chấm lần đầu do bất cẩn hoặc năng lực hạn chế. Với trường hợp khi xác minh cho thấy, có hành vi gian lận, tiêu cực, không khách quan khi chấm bài dẫn đến kết quả sai lệch, nghĩa là có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (theo Điều 356 Bộ luật Hình sự).

Cụ thể, Điều 356 Bộ luật này quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân làm trái công vụ, gây thiệt hại đến uy tín, tài sản của cơ quan tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. “Do đó, nếu người chấm thi hoặc các bộ phận vào điểm, lên điểm, công bố điểm… làm trái công vụ gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành Giáo dục, cơ sở giáo dục thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, LS Đặng Văn Cường nói.

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp tin tưởng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân để xảy ra sự cố nêu trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các khâu liên quan đến hoạt động coi thi, chấm thi, khảo thí… Cùng đó, xác định trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo LS Đặng Văn Cường, nếu hành vi được xác định là vi phạm kỷ luật thì sẽ bị xử lý kỷ luật. Nếu hành vi ở mức vi phạm pháp luật hình sự sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu cơ quan chức năng xác định đơn vị có sai phạm, người đứng đầu cơ quan đơn vị đó phải có trách nhiệm theo nguyên tắc về trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm trong công tác quản lý.

TS Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận, gốc rễ của sai phạm là do cạnh tranh vào lớp 10 công lập khá căng thẳng, khốc liệt. Do đó, cần có chính sách phân luồng và phát triển hệ thống giáo dục phổ thông nhằm giảm sức ép cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập. Ngoài ra, cần tăng cường năng lực khảo thí, chọn lọc kỹ lưỡng nhân sự có kinh nghiệm, nghiêm túc, cẩn thận, năng lực chuyên môn giỏi tham gia trông thi, chấm thi.

Bài 1: Tuyển sinh lớp 10: Những chuyện gây bức xúc

Bài cuối: Tuyển sinh lớp 10: 'Vá' lỗ hổng cách nào?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.