Tuyển sinh bổ sung lớp 10 tại TPHCM: Nơi nhộn nhịp, chỗ vắng bóng

GD&TĐ - Năm học 2024 - 2025, TPHCM có 36 trường THPT công lập tuyển bổ sung lớp 10 với 2.203 chỉ tiêu.

Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Ảnh: M.A
Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Ảnh: M.A

Theo ghi nhận, các trường khu vực ngoại thành, trường tốp dưới có tín hiệu khả quan, trong khi đó những trường tốp đầu lại lèo tèo vài hồ sơ, thậm chí nhiều nơi vắng bóng học sinh.

Tạo điều kiện cho trường vùng ven

Theo kế hoạch, thí sinh đăng ký tuyển bổ sung từ ngày 22 - 27/7, các trường công bố danh sách trúng tuyển vào ngày 6/8. Tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), chỉ tiêu tuyển bổ sung lớp 10 là 60 học sinh nhưng nhà trường đã nhận được 64 hồ sơ đăng ký. Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hảo cho biết, trong số 64 hồ sơ nhận được, chỉ có 6 hồ sơ điểm 13,5 còn lại từ điểm này trở lên. Do đó, nếu nhận đúng 60 chỉ tiêu thì dư 4 học sinh cùng mức điểm 13,5 nên nhà trường sẽ đề xuất với Sở GD&ĐT TPHCM cho tuyển 64 học sinh nói trên.

Tại Trường THPT Đa Phước (huyện Bình Chánh), nếu năm học 2023 - 2024 cơ sở này cần tuyển bổ sung hơn 100 chỉ tiêu nhưng chỉ có 27 học sinh đăng ký, đến năm nay tuyển 98 chỉ tiêu bổ sung lại có 145 em nộp hồ sơ. “Mức điểm xét tuyển vào trường khá thấp nên nhiều em đủ điều kiện đăng ký. Cụ thể, các trường trong khu vực Bình Chánh lấy 11,5 điểm, còn các trường ngoài khu vực lấy 12,25 điểm”, thầy Hiệu trưởng Lê Phú Hải cho biết.

Lý giải về tín hiệu khả quan của việc xét tuyển bổ sung lớp 10 năm học 2024 - 2025, cô Hoàng Thị Hảo cho rằng, năm nay Sở GD&ĐT TPHCM có quy định mới, tạo điều kiện cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu, còn học sinh có cơ hội học trường công lập.

Theo đó, điều kiện tham gia tuyển bổ sung lớp 10 là học sinh không trúng tuyển bất kỳ nguyện vọng nào vào các trường THPT công lập và phải có điểm thi lớp 10 của 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có) lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn nguyện vọng 3 của trường THPT công lập muốn đăng ký tuyển sinh.

Riêng học sinh đã học tại các trường THCS thuộc khu vực huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và TP Thủ Đức, nếu đăng ký vào các trường cùng khu vực với trường THCS thì tổng điểm thi tuyển sinh của thí sinh được xét theo điểm chuẩn nguyện vọng 1 của trường THPT công lập muốn đăng ký tuyển sinh.

Thầy Lê Phú Hải nhìn nhận, việc Sở GD&ĐT TPHCM thông báo sớm tuyển bổ sung lớp 10 ngay sau khi công bố điểm chuẩn đã tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh trong việc lên kế hoạch chọn trường cũng như các trường chủ động trong tuyển sinh.

Đặc biệt, điều này tạo cơ hội cho các em trượt 3 nguyện vọng tiếp tục được học lớp 10 công lập. Tuy nhiên, điều khiến thầy Hải lo lắng là tình trạng học sinh chuyển trường sau khi học hết lớp 10 vì nhiều lý do trong đó có khoảng cách địa lý. Để hạn chế tình trạng trên, trường mở thêm bán trú, tổ chức xe đưa đón học sinh trú tại Quận 8, Bình Tân và khu vực Bình Chánh.

tuyen sinh bo sung lop 10 tai tphcm (2).jpg
Phụ huynh và học sinh đến Trường THPT Đào Sơn Tây nộp hồ sơ tuyển sinh bổ sung lớp 10. Ảnh: Q.N

Vì sao trường tốp đầu “trắng tay”?

Ngược lại với tín hiệu khả quan trong xét tuyển bổ sung của các trường tốp sau, một số trường THPT thuộc tốp đầu đều không nhận được bất cứ hồ sơ xét bổ sung nào. Cụ thể, tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), dù chỉ tiêu tuyển bổ sung là 40 nhưng không có học sinh đăng ký xét tuyển. Tình trạng này cũng diễn ra tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) khi nhà trường tuyển bổ sung 15 chỉ tiêu nhưng kết thúc thời hạn nộp hồ sơ vẫn không nhận được hồ sơ nào.

Tương tự, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) cần tuyển bổ sung 12 chỉ tiêu nhưng không có học sinh đến đăng ký. Thầy Trần Công Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận cho rằng, điều này dễ hiểu vì điểm chuẩn nguyện vọng 3 của trường là 24 điểm.

Trên thực tế, nguồn tuyển bổ sung của các trường tốp đầu khan hiếm, thậm chí không có học sinh. Bởi, chỉ những em có năng lực học tập giỏi mới có thể tự tin lựa chọn những trường tốp đầu là nguyện vọng 1. Trong khi đó, khi đăng ký 3 nguyện vọng lớp 10, học sinh đã chọn theo tiêu chí tốp trường giảm dần. Chính vì vậy, khi không trúng tuyển nguyện vọng 1 ở những trường tốp đầu, các em đã trúng tuyển các nguyện vọng sau đó với mức điểm thấp hơn.

Thế nên, việc học sinh có điểm thi lớp 10 cao và chưa trúng tuyển nguyện vọng nào hầu như không có. Chẳng hạn, với Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), nếu muốn xét bổ sung lớp 10, thí sinh cần có điểm thi ít nhất là 26 điểm. Trường hợp này hy hữu, bởi khó có học sinh đạt điểm này mà chưa trúng tuyển lớp 10.

Chia sẻ về thực tế này, thầy Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết, trước khi đề xuất chỉ tiêu tuyển bổ sung, bộ phận học vụ nhà trường có liên hệ với phụ huynh học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học để nắm bắt tình hình.

Trong đó có những học sinh đã đỗ vào học Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM), có em du học hay đã học tại trường tư và thi chỉ vào lớp 10 công lập để “trải nghiệm”… Qua thống kê của trường, trong số 40 em trúng tuyển mà không nhập học có đến 80% là học sinh của một trường phổ thông tư thục tại TPHCM. Khi học sinh trúng tuyển, phụ huynh có đến tìm hiểu và được biết trường công lập không tổ chức nội trú nên đã từ chối nhập học.

“Mùa tuyển sinh năm tới, trường sẽ đề xuất với sở GD&ĐT, sau khi xác định điểm chuẩn và có danh sách học sinh trúng tuyển thì lọc thống kê trong đó có bao nhiêu học sinh đang học trường tư. Từ đó có thể dự phòng thêm, tạo cơ hội cho những học sinh xấp xỉ điểm chuẩn ngay từ ban đầu, tránh tình huống trường tuyển chưa đủ mà nhiều học sinh lại mất cơ hội”, thầy Lâm Triều Nghi nói.

Chị N.H.X., phụ huynh vừa đăng ký cho con tuyển bổ sung vào lớp 10 tại Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (Quận 3) chia sẻ: “Gia đình rất vui khi biết Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm tuyển bổ sung chỉ 38 chỉ tiêu. Tuy nhiên, khi đến nộp hồ sơ thì số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường vượt nhiều lần nên cảm thấy lo lắng. Bởi, điểm số con gái đạt được là 15,5 trong khi đó mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường là 15. Ban đầu, tôi rất lo lắng nên đã đăng ký một trường ở huyện Củ Chi để chắc suất. Tuy nhiên lại quá xa, do đó sau khi cân nhắc, gia đình tôi quyết định nộp hồ sơ, chỉ mong con trúng tuyển. Trong trường hợp không đỗ, tôi sẽ cho cháu học trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường tư thục gần nhà”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) tích cực ứng dụng công nghệ và phần mềm học tập trực tuyến để đổi mới các tiết dạy. Ảnh minh họa: INT

Giáo dục trong Kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Đường lối chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng đối với ngành Giáo dục là luôn đề cao, ưu tiên các chính sách để phát triển giáo dục...