Những thay đổi cũng phải đồng thời phù hợp với lứa học sinh đầu tiên là “sản phẩm” của chương trình mới.
Thực hiện có chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức tuyển sinh đối với học sinh học Chương trình GDPT 2018; nội dung, chương trình của các môn học có sự thay đổi so với Chương trình GDPT 2006.
Để đáp ứng mục tiêu này, bà Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Sở GD&ĐT sẽ có chỉ đạo điều chỉnh nội dung, cấu trúc đề tuyển sinh cho phù hợp, bảo đảm tuyển được học sinh có đủ năng lực vào học lớp 10 các trường THPT. Văn bản hướng dẫn nội dung ôn thi vào lớp 10 THPT từ năm học 2025 - 2026, sở GD&ĐT dự kiến ban hành vào tháng 9/2024 để học sinh sớm có định hướng trong công tác ôn tập.
Về quy trình tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bà Đinh Thị Hường nhận định bảo đảm chặt chẽ, khách quan. Việc để xảy ra sai sót trong kỳ thi tuyển sinh năm 2024 như ở một số tỉnh có thể do thực hiện không đúng quy trình. Vì vậy, công tác tổ chức kỳ thi về cơ bản không cần thực hiện điều chỉnh, đổi mới. Tuy nhiên, để không xảy ra những sai sót trong công tác tuyển sinh, trước hết cần thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, thanh tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các khâu của quá trình tổ chức kỳ thi, như ra đề, coi thi, chấm thi. Cần chỉ đạo thành viên của các Hội đồng làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, đúng quy trình và phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh trong việc đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi.
Để tránh hạn chế, sai sót như đã xảy ra trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay, theo ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, trước tiên cần tiếp tục chú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của kỳ thi để có nhận thức đúng.
Cùng đó, cần làm tốt khâu tập huấn nghiệp vụ làm thi; thực hiện nghiêm Quy chế thi ở tất cả quy trình. Các khâu đăng ký, kết quả điểm thi, xét tuyển sinh phải công khai, minh bạch. Đặc biệt, cần làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan như: Công an, UBND cấp huyện, sở/ngành; thực hiện có chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra các khâu kỳ thi.
Với thầy Phan Trọng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre), điều quan trọng đầu tiên là cần đổi mới khâu ra đề sao cho đáp ứng được yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, tập trung đánh giá năng lực của học sinh. Ngoài các câu hỏi, bài tập về kiến thức, kỹ năng, cần tăng cường câu hỏi, bài tập về việc vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn đời sống. Ngoài ra, các khâu của tổ chức kỳ thi cần chặt chẽ, bảo đảm khách quan.
Góp ý cho phương án tuyển sinh vào lớp 10 từ 2025, ông Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên (Lai Châu) đề xuất 2 phương án. Phương án 1, có thể thi 2 môn Toán, Ngữ văn - những môn học cơ bản, nền tảng để học sinh tiếp cận giáo dục THPT chất lượng, không gây áp lực. Tuy nhiên, hạn chế là khó khăn cho học sinh khi vào THPT muốn định hướng nghề nghiệp, lựa chọn môn học lớp 10.
Phòng GD&ĐT huyện Than Uyên nghiêng về phương án này. Phương án 2 là thi 3 môn: Toán, Ngữ văn và 1 bài môn tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) do học sinh đăng ký. Bên cạnh ưu điểm linh hoạt hơn, tránh tập trung quá mức vào 2 môn Toán, Ngữ văn, thuận lợi hơn trong định hướng môn học khi vào THPT, hạn chế của phương án là tạo áp lực cho học sinh, mất nhiều thời gian khâu chuẩn bị tuyển sinh.
Về đề thi, theo ông Đoàn Văn Đạt, đối với đề thi môn Toán, tổ hợp (nếu có) nên thi trắc nghiệm khách quan (phù hợp định hướng kiểm tra đánh giá của Chương trình GDPT 2018); môn Ngữ văn thi tự luận. Các đề thi trắc nghiệm thí sinh làm bài trên máy tính sẽ bảo đảm chính xác, khách quan.
Bộ GD&ĐT có cần ban hành quy chế mới?
Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT đã được Bộ GD&ĐT ban hành cách đây nhiều năm. Năm 2025, lần đầu tiên tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018, ông Phùng Quốc Lập cho rằng, Bộ GD&ĐT cần ban hành quy chế mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Quy chế cần kế thừa việc Bộ GD&ĐT quy định về nguyên tắc, tạo khung để thống nhất trong quản lý, chỉ đạo trên toàn quốc; đồng thời phân cấp cho các địa phương thực hiện phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, quy chế mới cần quy định cụ thể hơn về những nội dung liên quan đến hình thức tuyển sinh; môn thi, thời lượng cho mỗi môn; yêu cầu cần đạt theo hướng phát triển năng lực học sinh; khung thời gian tổ chức thi; quy định rõ đối tượng tuyển thẳng, đối tượng và số điểm cộng ưu tiên, khuyến khích; tổ chức ra đề, coi thi, chấm thi, xét tuyển, chế độ thông tin, báo cáo, thanh tra, kiểm tra minh bạch.
Từ thực tiễn trường THPT, thầy Phan Trọng Hải cũng nhấn mạnh sự cần thiết ban hành mới Thông tư quy định tuyển sinh THCS, THPT để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018. Đây là cơ sở để các địa phương tổ chức thực hiện tuyển sinh THCS, THPT theo chương trình mới. Ngoài ra, có những vấn đề mới cần được cập nhật trong Thông tư hướng dẫn để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện thuận lợi hơn.
Đồng tình Bộ GD&ĐT cần có văn bản, hướng dẫn mới với tuyển sinh vào THPT, ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam lý giải: Quy định hiện hành đã ban hành trên 5 năm nên không theo kịp sự đổi mới giáo dục; lứa học sinh sẽ tham gia thi năm nay đã học trọn vẹn 4 năm THCS theo Chương trình 2018. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần quy định chặt chẽ hơn về xác định môn thi và hình thức thi; nên tăng cường kết hợp giữa thi và xét tuyển. Đồng thời, có thể vận dụng quy định trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vào kỳ thi này.
Cho rằng, thường thi gì sẽ học đó vì bản chất con người là làm việc hướng mục tiêu, thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị nhận định, lấy đổi mới thi cử làm khâu đột phá trong đổi mới dạy - học là lựa chọn đúng và khách quan của Bộ GD&ĐT trong những năm qua.
Nếu kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 vẫn làm theo cách cũ, thi Ngữ văn, Toán bắt buộc và chọn thêm một môn nào đó, học sinh THCS vẫn chỉ tập trung học những môn thi, các môn còn lại sẽ học sơ sài, chiếu lệ. Trong khi đó, ở THCS, học sinh cần được cung cấp tri thức phổ thông cơ bản, cần thiết phục vụ cho đời sống, học tập sau này.
Từ đó, thầy Lê Văn Hòa đề xuất năm 2025 nên tổ chức Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cùng lúc 5 bài thi: Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ. Kỳ thi này nhằm 2 mục tiêu: Đánh giá kết quả học tập của giai đoạn phổ thông cơ bản, công nhận tốt nghiệp lớp THCS. Căn cứ kết quả kỳ thi này các trường THPT lấy đó làm điểm tuyển sinh theo các tổ hợp môn học đã thiết kế sẵn cho học sinh lớp 10 và đây cũng là lối ra cho phân luồng sau THCS.
“Chắc chắn nhiều người cho rằng làm như vậy là áp lực, nặng nề cho học sinh và tốn kém. Nhưng theo tôi được nhiều hơn mất. Cái được thứ nhất và quan trọng nhất là học sinh THCS phải học đều các môn để có kiến thức cơ bản. Thứ 2, qua kỳ thi đánh giá đúng năng lực người học, chất lượng dạy học của các trường; đây cũng là cơ sở vững chắc để các em có thể tự tin chọn môn học ở THPT.
Thứ 3 là tạo động lực tích cực học tập cho học sinh ở THCS. Thứ 4, sau kỳ thi, phụ huynh cũng thấy được năng lực thực sự của con em để chọn giai đoạn học tập tiếp theo phù hợp với chủ trương phân luồng. Vấn đề ở chỗ muốn nhẹ nhàng thì chúng ta thiết kế đề thi bảo đảm nguyên tắc “cơ bản, vừa sức, phân hoá”.
Còn làm thế nào để không xảy ra tiêu cực? Tôi cho rằng, Quy chế thi đã chặt chẽ; các điều kiện ứng dụng công nghệ giám sát kỳ thi không thiếu; nhà giáo đã được quan tâm về chế độ lương, thưởng. Nơi nào, người nào để xảy ra tiêu cực trong thi cử cần phải xử lý thật nghiêm khắc”, thầy Lê Văn Hòa cho hay.