Lối mở cho học sinh không trúng tuyển lớp 10

GD&TĐ - Nếu không trúng tuyển vào lớp 10 công lập, thí sinh còn nhiều cơ hội học ở các trung tâm GDNN - GDTX, trường nghề, trường ngoài công lập.

Bộ phận tuyển sinh Trường Cao đẳng Lý Tự trọng tư vấn về chương trình học cho học sinh. Ảnh: T.N
Bộ phận tuyển sinh Trường Cao đẳng Lý Tự trọng tư vấn về chương trình học cho học sinh. Ảnh: T.N

Vừa học văn hóa, vừa học nghề

Khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 của Hà Nội kết thúc, nhiều học sinh đã tìm đến các trường cao đẳng, trung cấp tìm hiểu ngành nghề, đăng ký xét tuyển học Chương trình 9+ (vừa học văn hóa chương trình THPT, vừa học nghề trình độ trung cấp).

Bà Nguyễn Hằng Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết, từ đầu mùa tuyển sinh năm 2024, nhà trường nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh tốt nghiệp THCS tìm hiểu các ngành học Chương trình 9+.

Năm nay, nhà trường được giao 315 chỉ tiêu tuyển sinh Chương trình 9+. Sau đợt thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội, nhiều thí sinh và phụ huynh tìm đến trường để tìm hiểu ngành nghề, đăng ký xét tuyển. Hiện, có hơn 300 học sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học Chương trình 9+ của trường.

Anh Nguyễn Huy Hoàng đăng ký cho con xét tuyển vào ngành Chăm sóc sắc đẹp của Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu nguyện vọng của con, tôi đã đăng ký ngành Chăm sóc sắc đẹp theo Chương trình 9+. Con vẫn được tham gia kỳ thi THPT để lấy bằng tốt nghiệp và cấp bằng trung cấp nghề; sau đó học liên thông lên cao đẳng nghề Chăm sóc sắc đẹp để nâng cao tay nghề”.

Có kết quả làm bài thi tuyển sinh lớp 10 không tốt như mong muốn nên em Trần Anh Dũng - quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Khi biết kết quả thi không trúng tuyển vào lớp 10, em rất buồn. Tuy nhiên, em thấy cơ hội còn nhiều phía trước. Em muốn học nghề sửa chữa ô tô và đã đăng ký vào Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Thông tin về những ngành học Chương trình 9+ được nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn, bà Nguyễn Hằng Nga cho hay: Năm nay, phụ huynh và học sinh đăng ký Chương trình 9+ trải đều 6 ngành. Tuy nhiên, có 2 ngành được lựa chọn nhiều nhất là Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa vì vừa sức với lứa tuổi học sinh mới tốt nghiệp THCS.

loi mo cho hoc sinh khong trung tuyen lop 10 (3).jpg
Giờ học của cô trò Trung tâm GDNN-GDTX quận Thanh Xuân. Ảnh: Vân Anh

Giáo dục thường xuyên “lên ngôi”

Băn khoăn vì con phải đi học nghề quá sớm, nhiều phụ huynh tìm đến các trung tâm GDNN, GDTX. Do lợi thế học sinh học song song THPT với học nghề miễn phí nên nhiều gia đình lựa chọn cho con theo học. Số thí sinh nhập học các trung tâm tăng lên rõ rệt so với những năm trước.

Bà Tô Thị Trà Ly - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, năm nay, nhà trường tuyển 5 lớp với 225 học sinh học văn hóa cấp THPT bằng hình thức xét tuyển học bạ. Từ tháng 4/2024, nhà trường đã nhận được nhiều hồ sơ và tuyển đủ chỉ tiêu.

Những năm gần đây, phụ huynh có xu hướng chọn các trung tâm GDTX để giảm áp lực cho con trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí. Ngoài ra, học sinh GDTX có nhiều lợi thế khi được học cả văn hóa lẫn nghề, có thời gian để theo đuổi mục tiêu phát triển bản thân các lĩnh vực thể thao, nghệ thuật.

Ngoài ra, các trung tâm có cơ sở vật chất rộng rãi, khang trang, thiết bị dạy học hiện đại, học theo Chương trình GDPT 2018 với học phí chỉ 217.000 đồng/tháng, được miễn phí học nghề; có nhiều hoạt động tập thể, hội thi văn hóa, thể thao, câu lạc bộ, các chuyên đề về phương pháp học tập, trí tuệ cảm xúc dành cho học sinh.

Nói thêm về lợi ích khi theo học chương trình GDTX, ông Hoàng Trọng Tài - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ: Nhiều năm nay, học sinh trên địa bàn huyện có xu hướng lựa chọn các trung tâm GDTX để hoàn thành chương trình THPT. Chương trình học được giảm tải chỉ 7 môn bắt buộc, học văn hóa 5 buổi/tuần.

Học phí của các trung tâm GDNN - GDTX được thực hiện theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội đối với các trường công lập. Ngoài ra, học sinh được học trung cấp nghề miễn phí. Sau 3 năm học, các em được dự thi cấp bằng tốt nghiệp THPT và bằng tốt nghiệp trung cấp nghề; tham gia xét tuyển ở các trường CĐ, ĐH theo quy định.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho các trung tâm GDNN - GDTX năm học 2024 - 2025. Theo đó, sở giao chỉ tiêu cho 29 trung tâm tuyển mới 259 lớp và 11.540 học viên, tăng 1.235 chỉ tiêu so với năm ngoái.

loi mo cho hoc sinh khong trung tuyen lop 10 (2).jpg
Học sinh nhập học tại Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Trường nghề tăng ca nhận hồ sơ

Với đặc thù tuyển sinh quanh năm, nhưng mùa tuyển sinh hệ 9+ cao điểm nhất của các trường trung cấp, cao đẳng nghề bắt đầu từ giữa tháng 6 đến hết tháng 8. Đặc biệt, khoảng thời gian sau khi TPHCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10, rất đông phụ huynh gọi điện để được tư vấn hay trực tiếp đến các cơ sở này để tìm hiểu, nộp hồ sơ cho con.

Có mặt tại Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (TPHCM) cùng con trai để được tư vấn, chị T.P (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, dù đạt điểm thi vào lớp 10 gần 20 nhưng con chị trượt cả ba nguyện vọng. Dẫu có chút buồn nhưng mối quan tâm lớn hơn của chị và con là tìm hướng đi khác.

Chị nhắm đến các trường nghề, cho con theo học chương trình vừa học nghề, vừa học văn hóa. “Hai băn khoăn lớn của tôi là chương trình học và học phí. Về chương trình học, tôi muốn có sự cân bằng giữa học nghề và học văn hóa. Về học phí, tôi phân vân không biết có nên dành thêm tiền cho con học trường nghề tư thục hay công lập”, phụ huynh này cho hay.

Sau khi Sở GD&ĐT TPHCM công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10 công lập, Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (TPHCM) trở nên nhộn nhịp hơn với hàng loạt cuộc gọi, tin nhắn từ phía phụ huynh có nguyện vọng được tư vấn.

Ông Lâm Gia Huy - Giám đốc trung tâm cho biết, sự quan tâm của phụ huynh, học sinh tăng vọt kể từ 14 giờ ngày 3/7 khi có điểm chuẩn vào các trường THPT công lập. Cũng từ thời điểm đó, trung tâm sáng đèn đến hơn 21 giờ để đón phụ huynh trực tiếp đến trường tìm hiểu.

Còn tại Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (TPHCM), năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh hệ 9+ của nhà trường trên 400 học viên. Đặc biệt, khoảng thời gian ngay sau khi TPHCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10, rất đông phụ huynh đến trường nộp hồ sơ cho con học hệ này. ThS Hoàng Quốc Long - Hiệu trưởng cho biết: “Bộ phận tuyển sinh của nhà trường phải làm việc 3 ca và xuyên suốt thứ 7, Chủ nhật để tiếp nhận hồ sơ của phụ huynh”.

Tương tự, TS Đinh Văn Đệ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng cũng đưa ra những con số cụ thể, năm học 2024 - 2025, nhà trường tuyển 3.235 chỉ tiêu hệ 9+. Như những năm trước, trong thời gian cao điểm tháng 7 và tháng 8, để phục vụ tốt công tác tuyển sinh, nhà trường đã linh hoạt tăng cường thêm nhiều nhân sự hỗ trợ cho bộ phận tuyển sinh.

loi mo cho hoc sinh khong trung tuyen lop 10 (4).jpg
Bình quân mỗi ngày bộ phận tuyển sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (TPHCM) tiếp nhận 40 hồ sơ đăng ký nhập học. Ảnh: MT

Trường tư đủ chỉ tiêu sớm

Sau khi có điểm chuẩn lớp 10 là thời điểm đông đảo phụ huynh đến Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp, TPHCM) để đăng ký học cho con vào lớp 10. Chia sẻ thông tin, thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thuyên cũng cho hay, chỉ tiêu của trường năm học 2024 - 2025 này là 350 học sinh với phương thức xét tuyển học bạ.

Thời điểm trước khi có điểm chuẩn, nhà trường tiếp nhận gần 150 hồ sơ đăng ký nhập học. Tuy nhiên từ khi có điểm chuẩn bình quân mỗi ngày có hơn 20 phụ huynh, học sinh đến nộp hồ sơ. “Khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi mà Trường THPT Lý Thái Tổ luôn đạt chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10”, thầy Nguyễn Thuyên chia sẻ.

Tại Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Bình Tân, TPHCM), bắt đầu tuyển sinh từ 1/6 với 360 chỉ tiêu trong năm học 2024 - 2025. Học sinh đăng ký học tại trường phải đạt kết quả rèn luyện từ khá trở lên, kết quả học tập từ trung bình trở lên. Trước kỳ tuyển sinh lớp 10 vào các trường công lập TPHCM, đa phần phụ huynh chỉ đến tìm hiểu và tham quan trường.

Tuy nhiên sau khi TPHCM công bố điểm chuẩn lớp 10, đông phụ huynh đến nộp hồ sơ. Ông Trần Văn Minh - Phụ trách tuyển sinh của trường cho biết: “Sau ngày công bố điểm chuẩn vào lớp 10 TPHCM, bình quân mỗi ngày có khoảng 40 phụ huynh, học sinh đến nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10. Giữa tháng 7 nhà trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu”.

Thầy Huỳnh Linh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (TPHCM) nhìn nhận, gần đây, các trường phổ thông tư thục không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục. Nhiều trường đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là tổ chức đa dạng nhóm môn học tự chọn theo Chương trình GDPT 2018, trong đó có môn Âm nhạc, Mỹ thuật được nhiều học sinh yêu thích, lựa chọn.

“Cùng với trang bị kiến thức, nhiều trường tư thục chú trọng công tác giáo dục kỹ năng cho học sinh. Việc triển khai nhiều chương trình trải nghiệm bổ ích, hoạt động câu lạc bộ đã giúp trò phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Đa dạng hình thức học tập, chất lượng dịch vụ tốt, thầy cô tận tình, chăm sóc học sinh chu đáo, ngày càng nhiều học sinh đăng ký theo học trường tư thục, trong số đó có khá nhiều em khá, giỏi...

Đó là những cơ sở tin cậy để trường tư thục nâng cao uy tín và vị thế của mình. Có thể khẳng định, trường tư thục đã không còn cái “mác” trường chỉ dành cho học sinh yếu, chưa ngoan, không đỗ hoặc không học nổi trường công lập. Những học sinh không may trượt lớp 10 công lập hoàn toàn có thể cân nhắc, an tâm lựa chọn trường phổ thông tư thục phù hợp để theo học”, thầy Sơn cho hay.

Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, nếu không trúng tuyển nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập, học sinh có thể lựa chọn các môi trường học tập khác với gần 50.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, địa phương này có 30 trung tâm GDNN -GDTX, trung tâm GDTX, phân hiệu bổ túc văn hóa, trung tâm bảo trợ dạy nghề và đào tạo việc làm với 11.686 học sinh; 7 trường cao đẳng, trung cấp với 10.135 chỉ tiêu và 83 trường THPT tư thục, trường có yếu tố nước ngoài tuyển với 28.000 chỉ tiêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.