Tuyển sinh kiểu “phá đáy”: Hệ lụy khôn lường

GD&TĐ - Được quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhiều trường ĐH thực hiện nhiều phương thức tuyển sinh theo đề án đã công bố. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan ngại là, một số trường ĐH thông báo ngưỡng “điểm sàn” quá thấp (gọi là “phá đáy”) để tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Các chuyên gia cảnh báo, tuyển sinh đầu vào thấp, không chỉ dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho chính các trường ĐH, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương và xã hội.

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019.	Ảnh: T.G
Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: T.G

Có nên tuyển sinh bằng mọi giá?

Theo thông báo của Trường ĐH Cửu Long, ngoại trừ nhóm ngành Khoa học sức khỏe, mức “điểm sàn” xét tuyển hệ ĐH chính quy đối với phương thức tuyển sinh dựa trên điểm thi THPT quốc gia 2019 là 12,5 điểm. Mức điểm này bao gồm tổng điểm thi 3 môn xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên khu vực và điểm ưu tiên đối tượng.

Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên thông báo điểm trúng tuyển ĐH Khoa Quản lý tài nguyên với mức điểm thi THPT quốc gia là 13 điểm/tổ hợp 3 môn xét tuyển. Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường cũng thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia từ 13 - 13,5 điểm (đối với cơ sở Hà Nội, trừ ngành Kinh tế tài nguyên thiên nhiên - với 15 điểm). Riêng phân hiệu tại tỉnh Thanh Hóa mức “điểm sàn” là 13 điểm ở tất cả các ngành đào tạo.

Trên thực tế, một số trường ĐH hạ “điểm sàn” xuống thấp với mục đích tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Tính - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho rằng, đầu vào có tốt thì đầu ra mới tốt, bởi “có bột mới gột nên hồ”. Việc “chiêu sinh” bằng cách hạ “điểm sàn” xuống quá thấp “phá đáy” có thể gây ra những hệ lụy, trước hết là ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, sâu xa hơn là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương và đất nước.

Theo PGS Nguyễn Thị Tính, văn hóa chất lượng, kiểm định chất lượng vẫn chưa thực sự “thấm” vào một số trường ĐH. Nếu trường nào xác định rõ vấn đề này thì họ sẽ không hạ “điểm sàn” xuống quá thấp. Bởi “điểm sàn” cũng gắn liền với thương hiệu của nhà trường.

Theo đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ, chất lượng đầu vào quá thấp sẽ gây khó khăn trong quá trình đào tạo. Quan ngại hơn là sản phẩm của quá trình đào tạo sẽ không đạt chất lượng như mong muốn. Từ đó khó bảo đảm để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đối với nhân lực bậc ĐH. 

“Chất lượng tuyển sinh cũng khẳng định vị thế của nhà trường. Việc một số trường lấy điểm thấp, chứng tỏ họ đang tự mình hạ thấp uy tín, thương hiệu. Và cũng tự nhận mình là trường “top dưới”. Sự tồn tại của nhà trường không phải vì số lượng tuyển sinh, mà là chất lượng nguồn tuyển, chất lượng đào tạo và tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Vì thế, các trường cần nâng cao vị thế, nâng cao uy tín của nhà trường và không nên vì lợi ích trước mắt” - PGS Nguyễn Thị Tính nhấn mạnh.

Cũng theo PGS Nguyễn Thị Tính, việc một số trường tuyển sinh bằng mọi cách là không ổn, là thiếu trách nhiệm với nhà trường và xã hội. Thay vì loay hoay tìm mọi cách để tuyển đủ chỉ tiêu, các trường có thể chấp nhận tuyển sinh khó khăn trong một vài năm. Trong thời gian này, tập trung phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ và phát triển mạnh về nghiên cứu khoa học để xây dựng uy tín và thương hiệu. Thực tế, có nhiều con đường để các trường ĐH tồn tại và phát triển, không nhất thiết phải tuyển sinh bằng mọi giá và chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng.

Không nên chạy theo số lượng

Là đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, bà Châu Quỳnh Dao cho biết, trong những lần đi tiếp xúc cử tri, bà con rất quan tâm đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; trong đó trường ĐH đóng vai trò quan trọng. Vì thế, chất lượng nguồn tuyển của các trường ĐH ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực sau này.

Nêu ý kiến về một số trường hạ “điểm sàn” xuống thấp, đại biểu Châu Quỳnh Dao thẳng thắn nói: Điểm thấp thì chất lượng cũng không thể cao được. Bộ GD&ĐT đã từng lên tiếng và lưu ý về chất lượng đào tạo của các trường. Vì thế các trường ĐH cần xác định tầm nhìn xa cho mình. Các trường phải có trách nhiệm giải trình với người học và với xã hội. Nếu như vì sự tồn tại của trường mà tuyển sinh bất chấp thì không chỉ hao tốn tiền bạc của phụ huynh mà còn gây ra những hệ lụy về cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

Còn theo đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ - đoàn Khánh Hòa, việc một số trường sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh và tuyển sinh ồ ạt, “phá đáy” khiến cử tri băn khoăn và đặt nhiều câu hỏi về chất lượng đào tạo cũng như chất lượng nguồn nhân lực sau này.

Cho rằng, đầu vào không tốt, thì đầu ra chất lượng nguồn nhân lực sẽ thấp; đại biểu Lê Tuấn Tứ nhấn mạnh: Một số trường đang cố tuyển sinh để lấp đầy chỉ tiêu, chạy theo số lượng, chạy theo nguồn thu tài chính. Giả sử nếu nhà trường có tuyển đủ chỉ tiêu thì cũng chỉ là lợi ích trước mắt, mà không tính đến lâu dài. Một số trường mới giải quyết được vấn đề nguồn thu. Sau này, sản phẩm đào tạo ra không tương ứng thì trách nhiệm giải trình của nhà trường với xã hội sẽ như thế nào, vì thế không nên đánh đổi uy tín, chất lượng để lấy số lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ