Bộ LĐ-TB&XH đề nghị nhiều trường ĐH dừng tuyển sinh CĐ: Có hợp lý?

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Thiệt thòi cho người học

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là cơ sở giáo dục có truyền thống lâu đời và có uy tín trong lĩnh vực dạy nghề. Ông Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo trường này cho biết: Hàng năm Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đều tuyển sinh đạt 95% - 100% chỉ tiêu theo Giấy chứng nhận được Tổng cục dạy nghề cấp và 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng đào tạo.

Việc trường dừng tuyển sinh trình độ cao đẳng từ 1/7/2019 theo đề nghị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ông Thực cho rằng, gây ra thiệt thòi rất lớn cho người học, cụ thể:

Rất nhiều học sinh sau khi thi THPT quốc gia muốn học cao đẳng nhưng chưa kịp đăng ký xét tuyển vào trường sẽ mất đi một lựa chọn tốt, buộc các em phải cân nhắc, lựa chọn để đăng ký vào một trường khác ngoài dự kiến ban đầu của mình. Số học sinh chưa kịp đăng ký tuyển sinh cao đẳng có thể rất lớn vì theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, ngày 21/7/2019 các địa phương mới cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Thành Đô nhận được văn bản số 1322/TCGDNN-PCTT, ký ngày 17/7/2019, yêu cầu trường này kể từ ngày 1/7/2019, không tuyển sinh đối với 5 ngành, nghề trình độ cao đẳng đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp. Đối với các khóa đã tuyển sinh trước ngày 1/7/2019, nhà trường tiếp tục tổ chức đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Ông Nguyễn Đình Việt – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm, Trường ĐH Thành Đô – chia sẻ tâm sự khi nhận được văn bản này, giống như là… “bỗng dưng muốn khóc”.

“Kế hoạch tuyển sinh của trường đã được thông qua từ đầu năm, sau đó là một loạt hoạt động thực hiện công tác truyền thông đến người học. Kế hoạch tuyển sinh duyệt đi kèm với kế hoạch về nhân sự, cơ sở vật chất. Nhà trường chi kinh phí cho hoạt động marketing bị lãng phí, chi phí xây dựng chương trình… Việc thông báo tuyển sinh rồi lại dừng khiến người học sẽ hoang mang, mất niềm tin vào trường. Chưa kể, trường còn mất uy tín với đối tác nước ngoài trong giao dịch quốc tế.” – ông Việt chia sẻ.

Cũng theo ông Việt, cơ sở giáo dục theo định hướng ứng dụng như Trường ĐH Thành Đô, việc đào tạo nghề trình độ cao đẳng sẽ tận dụng được trang thiết bị, cơ sở vật chất; nếu dừng đào tạo sẽ rất lãng phí.

Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội là một trong số các trường đại học nhận được văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ông Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng nhà trường – cho rằng, việc Tổng cục thông báo dừng vào thời điểm 1/7/2019 là chưa hợp lý bởi các trường đã thông báo công khai đến người học để tuyển sinh cao đẳng từ cuối năm 2018.

Bên cạnh đó, thông báo này chưa đề cập đến tính đặc thù của một số ngành như ngành dệt may, khi mà nguồn cung đào tạo nhân lực trên cả nước hiện tại (tính cả đại học và cao đẳng) cũng chưa đáp ứng đủ 30% nhân lực cần thiết cho ngành.

“Qua khảo sát của Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội, mỗi năm nhân lực ngành này cần bổ sung thêm từ 90-100 nghìn/năm; trong đó, nhân lực trình độ đại học, cao đẳng cần khoảng 5.700. Nhưng hiện nay, mỗi năm chưa được 2.000 nhân lực đại học, cao đẳng khối ngành dệt may ra trường” - ông Hoàng Xuân Hiệp thông tin.

Nhiều điểm chưa hợp lý?

Ông Hoàng Xuân Hiệp phân tích một số điểm còn băn khoăn về mặt pháp lý trong văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể: Văn bản có trích Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, tại điều 1 có ghi: "Các trình độ của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ", để cho rằng các trường đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng.

Điều này chưa hợp lý, bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chỉ chi phối trình độ đại học nên không thể ghi thêm trình độ cao đẳng vào luật. Trường đại học là một tổ chức, trường đại học không đồng nghĩa với trình độ đại học, không có điều nào trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nói rằng các trường đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng.

Thêm nữa, trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, luật chuyên ngành chi phối đào tạo trình độ cao đẳng, cũng không có điều nào cấm các trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng.

Cùng quan điểm trên, ông Kiều Xuân Thực dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đang có hiệu lực khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở giáo dục đại học, … tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt, nội dung Điều 19 luật này quy định các cơ sở giáo dục đại học được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp một cách bình đẳng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục đại học là luật chuyên ngành để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học. Trong toàn bộ nội dung Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục đại học sau này không có nội dung nào cấm hoặc hạn chế các cơ sở giáo dục đại học tham gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

“Vì vậy, có thể nói viện dẫn lý do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 để yêu cầu các trường đại học dừng tuyển sinh cao đẳng từ 1/7/2019 là không đúng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục đại học và trái với Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Trường hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp muốn thu hồi tất cả các Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã cấp cho các cơ sở giáo dục đại học thì cần đề xuất Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp theo hướng bác bỏ cụm từ “cơ sở giáo dục đại học” trong Điều 19 của Luật này” – ông Kiều Xuân Thực nêu quan điểm.

Trong số các trường ĐH Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu dừng tuyển sinh cao đẳng từ 1/7/2019 có Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương. Tuy nhiên, trường này đã ngừng tuyển sinh cao đẳng từ năm 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.