Những thí sinh đầu tiên trúng tuyển
Đến thời điểm này, nhiều thí sinh đã biết chắc mình trúng tuyển vào các trường đại học. Đó là 76 thí sinh được tuyển vào thẳng hệ đại học chính quy 2017 của Đại học Y Hà Nội, trong đó có 45 thí sinh được tuyển thẳng vào ngành Y đa khoa. Những thí sinh này có tên trong đội tuyển quốc gia chọn thi quốc tế các môn Toán, Hóa học, Sinh học và thí sinh được giải nghiên cứu khoa học quốc tế hoặc những thí sinh được giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và nghiên cứu khoa học cấp quốc gia.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng công bố danh sách 277 thí sinh trúng tuyển thẳng vào trường này. Cũng như vậy, những thí sinh đầu tiên nằm trong danh sách trúng tuyển theo diện được tuyển thẳng là thí sinh trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic và thí sinh đã đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT, đoạt giải Khoa học kỹ thuật quốc gia.
Đại diện trường này cho biết, trong danh sách thí sinh tuyển thẳng năm 2017 này, có một thí sinh khuyết tật đặc biệt nặng, em đã trúng tuyển thẳng vào chương trình tiên tiến Công nghệ thông tin Việt Nhật của nhà trường.
Học viện Hành chính quốc gia cũng đã chính thức công bố danh sách 35 thí sinh trúng tuyển thẳng hệ chính quy năm 2017. Được biết, trong danh sách trúng tuyển công bố, có 15 thí sinh thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và 23 thí sinh thuộc diện học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Trong số các trường đại học ngoài công lập, Trường Đại học FPT là trường đầu tiên công bố thí sinh trúng tuyển sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và kết quả đăng ký nguyện vọng xét tuyển, trường đã công bố danh sách gần 500 thí sinh đầu tiên trúng tuyển vào hệ đại học chính quy của trường đợt 1 năm 2017.
Ở miền Trung, Đại học Đà Nẵng cũng công bố danh sách 230 các thí sinh được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển hệ chính quy vào các trường và các đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng năm 2017.
Được biết, những thí sinh “đầu tiên” trúng tuyển này đều thuộc danh sách tuyển thẳng của Đại học Đà Nẵng, đó là những thí sinh đã từng đoạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, tỉnh, thành, học sinh trường chuyên đạt loại giỏi 3 năm THPT, theo đúng các tiêu chí đặt ra của Đại học Đà Nẵng.
Thuận lợi trong thay đổi nguyện vọng
Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, kết thúc 2 ngày đầu tiên (ngày 15 và 16), đã có 63.060 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến; số lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu (số nguyện vọng tăng thêm so với ban đầu) là 4.512; số thí sinh điều chỉnh ưu tiên khu vực có 40 thí sinh. Như vậy, tổng số 2 ngày đầu tiên đã có 67.612 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2017, chiếm khoảng 12,7% tổng số thí sinh trên điểm sàn (15,5) năm nay.
Những ngày về sau này, số lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đã giảm dần, theo nhận xét của nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc cho phép thay đổi nguyện vọng của thí sinh cũng như điểm chuẩn xét tốt nghiệp từ cao đến thấp chứ không tính thứ tự nguyện vọng là rất có lợi cho thí sinh và nhà trường.
Phân tích ý nghĩa của việc thay đổi này, chuyên gia tuyển sinh PGS.TS Lê Văn Thanh (Viện Đại học Mở Hà Nội), cho rằng: Việc thí sinh được thay đổi nguyện vọng trực tuyến, hoặc theo cách gửi phiếu đều có giá trị như nhau. Như vậy, dựa trên điểm thi của mình, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng cho thích hợp hơn, có thể điểm của thí sinh cao hơn hoặc thấp hơn với nguyện vọng của mình đã đăng ký xét tuyển trước đây, việc thay đổi nguyện vọng sẽ giúp thí sinh đến gần hơn với cơ hội trúng tuyển vào trường, ngành học nào đó theo như mong muốn của mình.
Cũng như vậy, với hầu hết các nhà trường, việc cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng và việc quy định điểm trúng tuyển sẽ xét theo điểm số từ trên xuống chứ không theo thứ tự ưu tiên nộp trước, nộp sau, điều này sẽ giúp các trường tuyển được người học chất lượng hơn.