TUYỂN SINH ĐH, CĐ 2009 - Các trường ĐH địa phương thu hút đông thí sinh

TUYỂN SINH ĐH, CĐ 2009 - Các trường ĐH địa phương thu hút đông thí sinh

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này trên cả nước đã có hơn 2,12 triệu hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng năm 2009; trong đó ĐKDT vào các trường đại học là hơn 1,56 triệu hồ sơ (chiếm 73,5%), số còn lại là hồ sơ ĐKDT vào hệ cao đẳng.
Thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2008 tại ĐH Ngoại thương Hà Nội Ảnh: Hồng Anh
Thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2008 tại ĐH Ngoại thương Hà Nội

Các ngành có số hồ sơ ĐKDT cao là kinh tế - quản trị kinh doanh, kỹ thuật - công nghệ, khối các ngành nông - lâm - ngư nghiệp cũng tăng hơn so với năm 2008. Số hồ sơ ĐKDT tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay giảm 3% so với năm 2008 (trên 2,1 triệu lượt đăng ký - PV). Theo nhận định của nhiều cán bộ làm công tác tuyển sinh, thí sinh và gia đình đã có sự tính toán kỹ lưỡng khi nộp hồ sơ ĐKDT. Đã có sự chuyển biến về nhận thức, các gia đình xác định đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân.

Trong số 1,56 triệu hồ sơ ĐKDT vào 200 đại học, học viện, trường có tỷ lệ thí sinh dự thi cao nhất ở khu vực phía Bắc là Đại học Y Hà Nội với tỷ lệ "chọi" là 1/23. Các trường  có tỷ lệ thí sinh ĐKDT tương đương nhau là Đại học Thương mại: 1/11,35 (39.409 hồ sơ/ 3.470 chỉ tiêu); Đại học Nông nghiệp Hà Nội 1/11,3 (gần 46.000 hồ sơ/ 4.060 chỉ tiêu); Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: 1/8,46 (55.847 hồ sơ/6.600); Đại học Công đoàn là 1/9,5 (trên 20.000 hồ sơ/ 2100); Tỷ lệ này của Viện ĐH mở Hà Nội là 1/9,44 (31.175 hồ sơ/3.300 chỉ tiêu).

Ở phía Nam các trường như Đại học Nông lâm Tp.HCM có gần 48.000 hồ sơ/ 4.400 chỉ tiêu, tỷ lệ “chọi” 1/10,9; Trường Đại học Mở Tp.HCM là 1/9 (40.551 hồ sơ/ 4.500 chỉ tiêu); Trường Đại học Sài Gòn có tỷ lệ gần 1/8 (34.708 hồ sơ/ 4.450 chỉ tiêu); Đại học Cần Thơ có 66.544 hồ sơ ĐKDT, chỉ tiêu tuyển mới là 6.500 với tỷ lệ “chọi” 1/10,23. Trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM với 58.165 hồ sơ/ 6.800 chỉ tiêu, có tỷ lệ “chọi” là 1/8,55.

Khối các trường đại học, cao đẳng dân lập có số hồ sơ ĐKDT khá khiêm tốn. Đại học Thành Tây có 155 hồ sơ, Đại học Hòa Bình 633 hồ sơ, Đại học dân lập Lương Thế Vinh 350 hồ sơ, Đại học Quang Trung 859 hồ sơ, Đại học Hà Hoa Tiên 91 hồ sơ, Đại học dân lập Phú Xuân 57 hồ sơ, Đại học Chu Văn An 231 hồ sơ, …. Không trường nào vượt được số lượng 1.000 hồ sơ.

Ông Ngô Kim Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho rằng: Như các năm trước, số hồ sơ ĐKDT luôn tăng khoảng 8-10% thì năm nay là giảm. Điều này cho thấy thí sinh và nhiều gia đình đã có quan điểm đúng hơn về việc chọn trường, chọn nghề cho con em mình. Đặc biệt, năm nay công tác thông tin tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp được các địa phương và các nhà trường thực hiện một cách kỹ lưỡng, kịp thời trên phạm vi rộng rãi hơn, đã có tác động tích cực đến thí sinh trong việc chọn trường.

So với năm 2008, tổng số hồ sơ ĐKDT tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 giảm 3% (trên 2,1 triệu lượt đăng ký - PV). Trong số các tỉnh giảm nhiều có Thanh Hóa giảm 40.000 bộ, Bắc Ninh giảm 8.000 bộ, Thái Bình giảm 4.000 bộ, Lào Cai 2.000 bộ, Nam Định cũng giảm 2.500 bộ, thí sinh chủ yếu tập trung vào các trường có nhiều khả năng thi đỗ hơn như Đại học Nông nghiệp, Đại học Điều dưỡng Nam Định (3.300 bộ).

Nghệ An là tỉnh có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều thứ hai trong cả nước, trong đó gần 50% đăng ký vào các trường địa phương, nhiều nhất là Đại học Vinh (gần 18.000 bộ). Hải Phòng có 51.000 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng chỉ riêng Đại học Hải Phong đã chiếm 16.000 bộ (hơn 30%).

Ở  phía Nam, tỉnh Cần Thơ giảm 3.000 so với năm 2008. Đặc biệt năm nay, các trường đại học địa phương đã chiếm ưu thế lớn, như ở Cần Thơ,  trong số 28.796 hồ sơ ĐKDT thì Đại học Cần Thơ thu hút tới 23.396 hồ sơ, và Đại học Y Cần Thơ là 1.514 hồ sơ. Còn tỉnh An Giang trong số 25.394 hồ sơ ĐKDT thì riêng Đại học An Giang đã chiếm tới 14.000 bộ chiếm hơn 50%. 

Thực tế tuyển sinh hàng năm có thể thấy, tỉ lệ dự thi thực tế của các trường bình quân vào khoảng 70 - 75%, trong đó có những trường chỉ ở mức 50%. Và số liệu này cũng luôn thay đổi hàng năm, chứ không tương ứng với số lượng ĐKDT. Theo số liệu ĐKDT năm 2009 chủ yếu dồn vào các trường tốp giữa, các trường địa phương thì điểm trúng tuyển của những trường này không khỏi sẽ tăng so với năm trước. Nhưng theo dự đoán của các chuyên gia thì mức tăng sẽ không nhiều vì thực tế năm nay tỷ lệ thí sinh giảm hơn năm 2008, và một phần nữa phải nói đến là nhờ có tác động tích cực của giải pháp “3 chung” mà sự phân hóa cũng rõ rệt hơn, thí sinh đã biết thực lực của mình đến đâu ngay từ khi đặt bút làm hồ sơ.
Bắc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ