Mong con được học trường công
Sống trong khu chung cư Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), chị Nguyễn Thu Thủy, quê Hưng Yên đang lo lắng về chỗ học cho con trai 4 tuổi trong năm học tới. Do chưa có hộ khẩu chính thức nên con chị không có suất vào trường mầm non công lập vốn đã quá tải trên địa bàn phường. Việc chọn trường tư thục cũng khó khăn không chỉ vì lý do tài chính mà cả lo lắng về chất lượng giáo dục.
Còn trong khu nhà trọ ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), chị Nguyễn Thị Bình, quê Thái Bình vừa trông con vừa tranh thủ chuẩn bị sẵn bữa cơm để khi chồng đi làm về thì chị vào ca. Từ khi có đứa con thứ hai, vợ chồng chị phải xin đi làm lệch giờ nhau, luân phiên trông con.
Chị Bình tâm sự: “Do con đầu đã gửi về cho ông bà nuôi, gửi thêm đứa thứ hai sợ ông bà vất vả quá, nên vợ chồng phải sắp xếp công việc để trông con. Cháu lớn thêm chút nữa, tôi sẽ cho đi nhà trẻ, nhưng còn phải tính toán chi phí phù hợp. Học trường công điều kiện bảo đảm, chi phí thấp thì lại vướng giờ giấc đón con theo giờ hành chính. Học trường tư thục có nhận trông ngoài giờ thì chi phí cao”.
Cùng cảnh con nhỏ, chị Nguyễn Thị Lụa, quê Hải Dương đang trọ tại thôn Sáp Mai (xã Võng La, huyện Đông Anh) cho biết: Theo thông báo tuyển sinh của Trường Mầm non Võng La, đối tượng tuyển sinh là trẻ cư trú trên địa bàn xã, từ 2 tuổi đến 5 tuổi. Do không có hộ khẩu thường trú nên con chị Lụa không có suất học tại trường công.
Tìm hiểu quanh khu vực, chị thấy chỉ có trường mầm non tư thục mới nhận trẻ dưới 2 tuổi, học phí rất cao so với đồng lương công nhân. Do vậy, khi công ty thông báo giảm đơn hàng, chị quyết định xin nghỉ không lương một thời gian để trông con. Do đó, hiện gia đình gặp khó khăn về kinh tế, gánh nặng thu nhập đang dồn hết lên vai chồng chị.
Nếu như công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất có con ở độ tuổi mầm non, tiểu học khó xin vào học trường công lập vì thiếu trường, giờ giấc đưa đón con không phù hợp... thì những trường hợp có con đến tuổi vào THPT lại đối mặt với vấn đề hộ khẩu thường trú.
Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân khu công nghiệp Nội Bài. Con lớn của anh sau khi tốt nghiệp THCS phải về quê học tiếp vì không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Bởi theo quy định, học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện đăng ký vào trường THPT công lập trong khi công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất thường đăng ký tạm trú.
Tương tự, chị Lê Thị Hiền, tạm trú tại xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), đang làm việc tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai do không có hộ khẩu thường trú nên con chị phải chuyển sang học một trường THPT ngoài công lập, dù học lực của con rất tốt. Việc học trường ngoài công lập khiến gia đình phải trả một khoản tiền không nhỏ, trong khi thu nhập vài năm nay không tăng.
Nhiều học sinh là con em công nhân không có suất vào trường THPT công lập do không có hộ khẩu thường trú. Ảnh minh họa |
Tạo điều kiện tối đa cho học sinh
Hiện có 80% công nhân lao động đang thuê trọ ở các khu dân cư với điều kiện thiếu thốn; giờ giấc đón trả trẻ ở các trường công lập cũng chưa phù hợp với công việc của công nhân. Giải quyết những khó khăn đang đặt ra đối với việc học hành của con em công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất giúp họ an tâm làm việc và cống hiến là nhiệm vụ đang được các cấp, ngành triển khai.
Bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh, cho biết, trong những năm qua, huyện không ngừng mở rộng, sửa chữa trường lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, đặc biệt là con công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn huyện.
Huyện đang xây dựng thêm trường mầm non, tiểu học, THCS tại các xã Kim Chung, Đại Mạch, Hải Bối; chuẩn bị khởi công 2 trường THPT mới, cải tạo, nâng cấp 5 trường cũ... với mục tiêu tăng cường cơ sở vật chất để tách trường, bảo đảm quy mô trường chuẩn và đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Huyện cũng yêu cầu các trường công lập trên địa bàn quy định rõ đối tượng tuyển sinh gồm cả thường trú và tạm trú trên địa bàn, hoặc có giấy xác nhận nơi công tác của bố mẹ. UBND huyện còn định hướng các trường mầm non công lập tổ chức nhóm, lớp trẻ ngoài giờ, phân công cô giáo luân phiên phụ trách để đón trả trẻ sớm, muộn hơn quy định và trông trẻ vào ngày thứ Bảy.
Còn ông Lê Quang Long, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, thông tin, đơn vị đang tích cực tìm kiếm quỹ đất trống ở các khu công nghiệp để cùng sở, ngành tham mưu xây dựng trường học, nhà trẻ phục vụ con công nhân lao động đang sinh sống và làm việc tại đây.
Về lâu dài, thành phố đang triển khai chủ trương xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tập trung với hạ tầng đồng bộ gồm trường học, cơ sở y tế, khu vui chơi, giúp công nhân yên tâm lao động, sản xuất.
Trước tình hình số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024 tăng mạnh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề nghị các phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận, huyện, thị xã về kế hoạch tuyển sinh, trong đó có việc tổ chức phân tuyến tuyển sinh cho từng trường trên địa bàn bảo đảm đáp ứng nguyện vọng học tập, không để học sinh phải di chuyển quá xa.
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, phương thức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023 - 2024 giữ ổn định như năm trước. Với các khu đô thị mới chưa có trường học, sở yêu cầu các phòng GD&ĐT báo cáo UBND quận, huyện, thị xã có phương án giải quyết chỗ học cho học sinh, đồng thời thúc đẩy việc xây thêm trường mới theo quy hoạch.
Sở cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quan tâm tới việc học tập của con em hộ dân thuộc diện tái định cư do giải phóng mặt bằng, con của công nhân làm việc ở khu công nghiệp; tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số, con của gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào các trường công lập.