Nhiều người băn khoăn, liệu các cơ sở giáo dục đại học có bỏ chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển đầu vào?
Không thể bỏ qua
Theo TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, các trường đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Do đó, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển đầu vào hay không thuộc quyền của các trường. “Xu hướng chung, sẽ không trường đại học nào bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh”, TS Nguyễn Thị Cúc Phương nhìn nhận.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội phân tích, nước ta đang cố gắng hội nhập quốc tế, mà muốn hội nhập thì phải có ngoại ngữ. Theo quy định hiện hành, để tốt nghiệp đại học, sinh viên bắt buộc phải có chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Có trình độ ngoại ngữ sẽ mở rộng cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập.
Qua thống kê cho thấy, những sinh viên “làm chủ” ngoại ngữ sau khi ra trường có mức lương cao hơn những bạn trình độ ngoại ngữ kém. “Vì vậy, tôi cho rằng, không trường đại học nào bỏ phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ”, TS Nguyễn Thị Cúc Phương khẳng định.
Trường ĐH Ngoại thương bắt đầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế từ năm 2018 và các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như: SAT, ACT từ năm 2020, bổ sung chứng chỉ A-level từ năm 2021 để xét tuyển đại học, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Đào tạo cho hay.
Hiện, nhà trường có khoảng 20 chương trình được giảng dạy bằng ngoại ngữ. Do đó, việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển là cần thiết. Tuy nhiên, chứng chỉ ngoại ngữ hay đánh giá năng lực quốc tế chỉ là điều kiện cần khi xét tuyển kết hợp của Trường ĐH Ngoại thương. Ngoài các chứng chỉ này, thí sinh cần những điều kiện khác như: Kết quả học tập THPT hoặc tốt nghiệp THPT, số điểm đạt được khi tham gia thi cấp chứng chỉ…
Cho rằng, phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu hướng tuyển sinh lành mạnh, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, phương thức này tạo cho thí sinh nhiều cơ hội xét tuyển hơn và phù hợp với tiêu chuẩn đầu ra của các trường đại học. Với một số ngành có yêu cầu cao về năng lực tiếng Anh như: Chương trình liên kết quốc tế; Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh…, việc xét tuyển bằng chứng chỉ này hoàn toàn phù hợp.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. |
Có công bằng trong tuyển sinh?
Năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển có chứng chỉ ngoại ngữ. Song, ngoại ngữ không phải là yếu tố duy nhất mà cần thêm điều kiện khác để thí sinh có thể trúng tuyển. Chia sẻ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024, Thiếu tá Triệu Thành Đạt – chuyên viên chính, Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho biết, trong 3 phương thức xét tuyển mà các cơ sở giáo dục đại học của Bộ Công an áp dụng năm nay, vẫn sử dụng phương thức chứng chỉ ngoại ngữ để tuyển sinh.
Tuy nhiên, Thiếu tá Triệu Thành Đạt lưu ý, với phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh cần đảm bảo điều kiện có học lực giỏi ở bậc THPT, điểm trung bình môn ngoại ngữ đạt 8,5 điểm trở lên và chứng chỉ ngoại ngữ phải đạt ngưỡng quy định. Ví dụ với chứng chỉ IELTS phải đạt 7.5 trở lên. Về tổng thể, Bộ Công an dự kiến dành 10% chỉ tiêu cho phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ.
“Bộ GD&ĐT vẫn có quy định miễn thi môn Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT năm 2024 với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ nằm trong danh mục quy định”, TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin. Tuy nhiên, để sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học thì tùy thuộc quy định khác nhau của mỗi trường.
Mọi năm, danh mục những chứng chỉ ngoại ngữ thí sinh được miễn thi trong xét tốt nghiệp chỉ nêu trong hướng dẫn thi. Năm nay, Bộ GD&ĐT đã đưa hẳn vào Quy chế thi (phần phụ lục). Điều này chứng tỏ sự quan tâm về chứng chỉ ngoại ngữ được nâng lên.
Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm đến phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ. Ảnh: Sỹ Điền |
Khẳng định, có mặt tích cực và hạn chế khi sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhận thấy, hiện nhiều cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh, đào tạo các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nên yêu cầu đầu vào của sinh viên phải đạt được trình độ ngoại ngữ nhất định. Yêu cầu này cũng phù hợp với những ngành về Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Tiếng Anh, Kinh doanh Quốc tế…
Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học có hạn chế nhất định. Chẳng hạn, có thể không công bằng vì các trường phải dành chỉ tiêu để xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ nên chỉ tiêu cho các phương thức còn lại giảm xuống, khiến điểm chuẩn tăng lên.
Với thí sinh ở vùng sâu, xa, không có điều kiện học ngoại ngữ, vô hình trung trở thành nhóm yếu thế khi trường đại học xét tuyển bằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Do đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đề xuất, Nhà nước cần đầu tư phát triển ngoại ngữ ở vùng sâu, vùng xa, rút ngắn khoảng cách về trình độ ngoại ngữ những vùng này với khu vực đồng bằng, thành thị. Đối với các trường đại học, chỉ tiêu xét chứng chỉ ngoại ngữ chỉ tối đa 10%, nên dành phần lớn chỉ tiêu để tất cả thí sinh có thể cùng cạnh tranh trên thang đo chung.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), thay vì là tiêu chí duy nhất để xét tuyển, chứng chỉ ngoại ngữ thường là một trong những tiêu chí để kết hợp với kết quả quan trọng khác của thí sinh như: Học tập THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT…
Ưu thế của chứng chỉ này thường dành cho các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình tiên tiến chất lượng cao, chương trình sinh viên tài năng, kỹ sư tài năng, liên kết với đối tác nước ngoài. Ở những chương trình này, việc đào tạo bằng ngôn ngữ nước ngoài là trọng yếu; do đó chứng chỉ ngoại ngữ là công cụ cần thiết để các em có thể theo học.
“Theo thống kê trên toàn hệ thống, phương thức truyền thống là xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tất cả phương thức mà chúng tôi ghi nhận năm 2023”, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho hay.